'Hồn Trương Ba da hàng thịt' - sân khấu hiện đại của mùa hè 2024

'Hồn Trương Ba da hàng thịt' là một trong những kịch bản sân khấu đặc sắc nhất của nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ. Vở kịch mang đậm tư tưởng triết lí nhân sinh và phong cách độc đáo hiếm thấy của tác giả được viết vào bối cảnh Việt Nam thời kỳ bao cấp.

Tròm trèm 40 năm, sau khi kịch bản ra đời (1981-1985) đã có không ít những vở sân khấu được dàn dựng qua nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên. Nhưng, thật đặc biệt, cho đến nay kịch bản này vẫn có một mãnh lực kì lạ, vô cùng thu hút nhiều đoàn nghệ thuật, và các đạo diễn chung tay dàn dựng.

Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Hoàng Điệp và mối duyên lành với sân khấu kịch

“Hồn Trương Ba da hàng thịt” vở kịch này ngay khi ra mắt lần đầu tiên của Nhà hát kịch Việt Nam (được mệnh danh là anh Cả Đỏ) do NSND Nguyễn Đình Nghi đạo diễn năm 1989. Nhờ vở kịch này mà một loạt các tên tuổi lúc đó nổi càng thêm nổi: Trọng Khôi (Trương Ba), NSND Trần Tiến (Đế Thích), NSƯT Phạm Bằng (Lý trưởng)… Người ta đến xem vì tò mò tại sao có chuyện đổi hồn đổi xác, tâm linh, ma mị, nửa thực nửa hư, mờ mờ ảo ảo. Kể từ ngày đó cho đến nay, đã có không ít các đoàn dàn dựng vở kịch này theo nhiều phiên bản khác nhau, từ kịch nói Trung ương đến địa phương, các tỉnh thành trong khắp cả nước, kịch hình thể, kịch thể nghiệm…

Lối diễn xuất thần của NSƯT Chiều Xuân trong vai vợ Trương Ba.

Lối diễn xuất thần của NSƯT Chiều Xuân trong vai vợ Trương Ba.

Và lần này thật đặc biệt, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Hoàng Điệp. Chị “vô tình” va phải kịch Lưu Quang Vũ. Ngay sau đấy, nữ đạo diễn điện ảnh đã chọn mặt gửi vàng đạo diễn sân khấu Nhật Bản Sugiyama. Trong nhiều tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ, Sugiyama bị kịch bản này dẫn dụ. Và thế là, vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” ra đời cùng với ê-kíp diễn viên Việt Nam được thanh lọc gắt gao. Sau nhiều tháng ngày tập luyện, lên khuôn ra mắt, khán giả được thưởng lãm một vở kịch hiện đại, độc đáo, chưa từng có tiền lệ.

Điều đáng nói ở đây, ê-kíp kỳ lạ này quy tụ dàn diễn viên đã từng rất tên tuổi nhưng đã có thời gian họ vắng bóng sân khấu, nhảy sang lĩnh vực khác để kiếm sống (nghệ sĩ Xuân Tùng, NSƯT Chiều Xuân, Mai Huê). Và giờ đây có những người sau hai mươi năm “quy ẩn”, họ lại bắt đầu lộ diện và gây nên một sự bùng nổ sân khấu không hề nhẹ.

Đầu tiên để vở kịch này lên khuôn, phải nói đến công lớn của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, một nhà ngoại đạo của sân khấu, người đã từng thành công với dòng phim tác giả. Lần này, chị xuất hiện với vai trò sản xuất kịch. Nguyễn Hoàng Điệp cho biết: “Đi xem “Hedda Gabler” của Nhà hát Tuổi trẻ, do đạo diễn người Nhật Tsuyoshi Sugiyama đạo diễn, thấy sốc thật. Một vở kinh điển của phương Tây có thể đi vào đời sống Việt Nam một cách hài hòa ăn khớp như thế. Tôi xúc động với nó ở tầm triết học. Tôi rất nể Sugiyama. Và tôi nghĩ cần phải làm một cái gì đấy. Sau khi xem kịch của Lưu Quang Vũ ở Nhà hát Tuổi trẻ mới phát hiện ra chất đời sống, chất hiện đại trong kịch Lưu Quang Vũ quá mạnh. Những vở kịch của tác giả Lưu Quang Vũ là những vở kịch ở bối cảnh rất xa từ thời bao cấp, tôi xem vẫn thấy xúc động và cảm thấy như đó chính là ngày hôm nay. Và tôi nghĩ rằng: “Ồ mình nên làm cái gì đó mới”. Tôi nói với Sugiyama: “Bây giờ chúng ta hãy dựng một vở của tác giả Lưu Quang Vũ đi”.

Đạo diễn người Nhật Tsuyoshi Sugiyama là ai?

Những ai yêu sân khấu miền Bắc, cái tên Tsuyoshi Sugiyama không quá lạ lẫm. Đó là một đạo diễn sân khấu ưu tú người Nhật. Khi còn ở đất nước mặt trời mọc, Tsuyoshi Sugiyama liên tiếp giành được nhiều giải thưởng. Năm 2018, Nhà hát Tuổi Trẻ đã từng rất chịu chơi khi mời Tsuyoshi Sugiyama đạo diễn một vở kịch kinh điển của phương Tây: “Cậu Vanya”. Sau thành công của “Cậu Vanya”, Nhà hát Tuổi Trẻ vẫn rất tín nhiệm Sugiyama và tiếp tục mời ông đạo diễn vở kịch nổi tiếng: “Hedda Gabler”. Trong khi sân khấu miền Bắc đang rất “đói” kịch bản hay, và đạo diễn giỏi, đạo diễn Sugiyama nổi lên như một phong cách riêng, ấn tượng, độc đáo.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi đã nhìn nhận được hạt giống xanh, đã mở hẳn một lớp đào tạo đạo diễn trẻ sân khấu kịch và mời Tsuyoshi Sugiyama làm giảng viên cho khóa đào tạo.

Với những ai làm việc trực tiếp với đạo diễn người Nhật này đều nhận định: “Tsuyoshi Sugiyama là một người cực kì yêu nghề. Cậu ấy có thể làm việc xuyên ngày, xuyên đêm, không cần ăn uống. Ghi chép tỉ mỉ và cẩn thận như một con ong chăm chỉ. Sugiyama làm việc với tinh thần thép của người Nhật và vì vậy diễn viên luôn phải chạy theo không còn một giọt trống thời gian”.

“Hồn Trương Ba da hàng thịt”- vở diễn mang đậm tính nghệ thuật.

“Hồn Trương Ba da hàng thịt”- vở diễn mang đậm tính nghệ thuật.

Nói về nhân duyên làm vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, ông cho biết: “Đầu tiên chị Điệp đưa ra một số tác phẩm của Lưu Quang Vũ, và trong số kịch bản đó, tôi rất quan tâm “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Mới đầu thì tôi cũng có áp lực, vì đây là kịch bản nổi tiếng của tác giả cũng rất nổi tiếng và cũng là lâu rồi không đoàn nào dựng.

Và trước đấy đã có quá nhiều bản dựng. Áp lực không có nghĩa là tôi sợ hay là tôi không dám. Áp lực đó chính là: “Thôi mặc kệ, mọi người biết nhiều về tác phẩm này không liên quan nữa. Tôi quyết định sẽ tìm hiểu tác phẩm này dựa theo góc nhìn của tôi, kinh nghiệm sống của tôi chứ không theo góc nhìn của ai khác”.

Và thế là kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt" ra đời mang đậm dấu ấn của hơi thở hiện đại.

Ngọn gió mới đến từ “Hồn Trương Ba da hàng thịt”

Ở kịch bản lần này, nhân vật Đế Thích, một trong tuyến chính người khơi mào ra câu chuyện đổi hồn nhập xác, trong tác phẩm của tác giả Lưu Quang Vũ mang giới tính nam đã được đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp mạnh tay sửa lại thành nhân vật nữ.

Âm nhạc lần này được sử dụng trên sân khấu rất mở khi đạo diễn cho một nghệ sĩ chơi đàn ngay trên sàn diễn. Giai điệu vang lên theo tiết tấu của câu chuyện kịch, khi vút cao, lúc lắng xuống, trầm bổng, tha thiết, dữ dội, dồn dập… Ngoài mảng miếng rất riêng mang đậm khí chất Tsuyoshi Sugiyama thì chúng ta có những gì?

Ai đó đã nói rằng, thưởng thức nghệ thuật mỗi người sẽ có một góc nhìn riêng nhưng nếu cái gì đó nổi bật thì dù sao vẫn có mẫu số chung. Sự trở lại của dàn diễn viên tươi mới, Chiều Xuân (Vợ Trương Ba), Xuân Tùng (anh Hàng thịt), Mai Huê (vợ anh hàng thịt) cùng dàn diễn viên chuyên nghiệp …

Sự ám ảnh về nỗi cô đơn tận cùng, một Đế Thích (Hương Thủy đóng) - Trải qua hàng nghìn năm trong nỗi cô đơn thống khổ dày vò, mang danh là một tiên cờ trên thiên đình mà không có ai chơi cờ. Vậy thì còn gọi gì là tiên cờ?! Cho đến một ngày bà đã phá bỏ luật trời mà bay xuống nhân gian để làm điều mình mong muốn khát khao suốt hàng ngàn năm là được chơi một ván cờ. Và sau đó bà đã bị thiên đình cấm túc, cai quản gắt gao.

Một ông Trương Ba (Hoàng Tùng đóng) sau khi hồn lìa khỏi xác nhập vào anh hàng thịt (Xuân Tùng đóng) đã nhiễm phải những thói hư tật xấu của anh bán thịt: uống rượu, ăn to nói lớn, chân tay thô vụng, quê kệch. Mặc dù hồn Trương Ba ở bên trong thân xác anh hàng thịt ngày ngày bên cạnh người vợ tào khang của mình (Chiều Xuân đóng) cũng không thể dung nạp và hòa hợp. Cơ thể cường tráng, thô lậu của anh hàng thịt 30 tuổi, không thể hòa hợp với người vợ 50 tuổi. Ông cô đơn khi không tìm được tiếng nói chung với gia đình bé nhỏ của mình. Và cô đơn ngay cả khi đối diện một mình trong cơ thể mượn tạm thân xác của anh hàng thịt.

Vợ Trương Ba (Chiều Xuân) càng cô đơn hơn ai hết, tưởng mất chồng rồi lại có chồng, rồi lại luôn lo lắng sợ mất chồng. Cái người đàn bà vợ anh hàng thịt phây phây, mắt lúng la lúng liếng kia sẽ dẫn dụ chồng mình đi bất cứ lúc nào. Thân xác to bè cường tráng khỏe mạnh của người đàn ông ấy sao có thể hòa cùng vào một nhịp với người đàn bà tuổi đã 50 trên đầu hai thứ tóc.

Vợ anh hàng thịt (Mai Huê đóng) càng cô đơn hơn khi có chồng nhưng lại không có nổi một tình yêu trọn vẹn đúng nghĩa. Như ngã ba đường biết đi đằng nào? Nỗi đau đớn giày vò, hành hạ, quẫy đạp lên thân xác cả ngày lẫn đêm của người đàn bà đang vào độ tuổi sung mãn nhất. Ngay cả cậu con trai của Trương Ba (Trường Khang đóng) nai lưng kiếm tiền nuôi cả nhà nhưng vẫn bị những cú đánh như giáng trời của ông bố hồn Trương ba mà da hàng thịt.

Tất cả là nỗi cô đơn thống khổ của loài người bé mọn cô đặc trong vở kịch, cô đơn khi đối diện với chính mình, cô đơn với mối quan hệ xã hội. Cái chết thật sự của Trương Ba khi rời linh hồn khỏi anh hàng thịt để thoát khỏi nỗi cô đơn ám ảnh. Cô đơn phải chăng cũng đang là căn bệnh cố hữu của những con người thời hiện đại?! Và kết cảnh tất cả loài người chúng ta ai rồi cũng chết, chỉ có âm nhạc tựa như màu xanh cây cối, như một cơn mưa dịu mát ru mùa hè…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/hon-truong-ba-da-hang-thit-san-khau-hien-dai-cua-mua-he-2024-i734952/