Hồn Việt qua mâm cỗ ngày Tết
Mâm cỗ ngày Tết không chỉ phản ánh sự tinh tế, chỉn chu của người Việt. Đó còn là sợi dây kết nối đặc biệt của thế hệ này với thế hệ khác trong mỗi gia đình, dòng tộc. Ngày nay, với những giao thoa về văn hóa, sự góp mặt của nhiều món ăn vùng miền, tùy theo sở thích của từng gia đình khiến mâm cỗ ngày Tết ngày càng trở nên phong phú và đa đạng hơn.
Mâm cỗ Tết truyền thống
Theo phong tục truyền thống, mâm cỗ Tết thường được các gia đình người Việt chuẩn bị kỹ càng, với những món ăn được chế biến cầu kỳ, bày biện đẹp mắt. Việc làm này tượng trưng cho tấm lòng thành kính của con cháu dâng lên tổ tiên trong những ngày đầu năm, đồng thời mong ước cuộc sống trọn vẹn, đủ đầy trong năm mới. Chính vì vậy, văn hóa ẩm thực của người Việt trong ba ngày Tết còn có ý nghĩa về một sự đoàn tụ, sung túc và may mắn cho cả năm.
Ẩm thực ngày Tết của người Việt còn được biết đến với sự phong phú, đa dạng giữa các dân tộc, các vùng miền và tất cả đều hướng tới giá trị văn hóa truyền thống chung về cuộc sống, về cội nguồn. Dọc theo dải đất hình chữ S vào những ngày đầu Xuân, từ điểm cực Bắc ở Hà Giang cho đến điểm cực Nam mũi Cà Mau, không khó để chúng ta bắt gặp bức tranh ẩm thực đầy màu sắc. Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất lại có cách chế biến, thể hiện các món ăn ngày Tết với hương vị, nét đặc trưng riêng.
Theo Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết, người Việt xưa, đặc biệt là người miền Bắc rất coi trọng việc chuẩn bị cho mâm cỗ ngày Tết. Những món ăn trong mâm cỗ truyền thống ngày Tết là những món đặc sắc, hiếm có hằng ngày. Trong đó, mâm cỗ Tết thường phụ thuộc phần nhiều vào kinh tế của từng gia đình. Với những gia đình có điều kiện kinh tế trung bình thì mâm cỗ thường có 4 bát 4 đĩa, không kể xôi, nước chấm và dưa hành, tượng trưng cho tứ trụ, 4 mùa, 4 phương. 4 bát bao gồm: Canh bóng thả, chân giò hầm măng khô, mọc nấm thả và miến. 4 đĩa bao gồm: Thịt gà, nem rán, bánh chưng, giò lụa (hoặc chả quế, giò thủ).
Các món bày trên đĩa thường mang ra dùng trước, còn các món bày trong bát thì dùng sau. Với những gia đình khá giả có thể làm mâm cỗ to hơn với 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa, thêm một số món rất đặc sắc như cá chép, cá trắm kho riềng, tôm sú hấp, nộm su hào hoặc đu đủ… Mâm cỗ Tết cổ truyền ngày xưa có thể không đầy đủ, nhưng không thể thiếu bánh chưng, canh măng, giò mỡ, hành muối và thịt. Bánh chưng thường được luộc từ 27 - 28 Tết, riêng món măng được ngâm nước gạo từ vài ngày trước rồi để bên cạnh nồi bánh chưng cho nóng để tiết kiệm củi, còn các loại thực phẩm khác tùy thuộc vào sự sáng tạo của người phụ nữ trong gia đình…
Tùy văn hóa từng vùng miền mà cỗ Tết cũng có sự khác biệt. Để phù hợp với phong tục tập quán thì mỗi nơi có một mâm cỗ khác nhau, tạo nên sự đa dạng về văn hóa ẩm thực. Ví dụ như ở vùng núi, ngoài những món cần có thì mâm cơm Tết thường có thêm các đặc sản như thịt trâu gác bếp, lạp sườn hun khói…
Còn với người Hà Nội cổ thì món bóng lại là món đặc trưng nhất. Món bóng có từ hàng trăm năm nay, bóng bì lấy từ phần vai của lợn, sau khi luộc lên lọc hết mỡ đưa ra phơi và nướng phồng. Từ nguyên liệu chính là bóng bì người Hà Nội xưa đã chế biến thành các món ăn như bóng xào, canh bóng. Nguyên liệu để làm món canh bóng cũng rất cầu kỳ, để thái một đĩa hạnh nhân phải mất đến 2 giờ; cà rốt, củ đậu, su hào, giò, chả, thịt đều phải thái một cự ly giống nhau, vuông góc.
Giữ nếp nhà thời hiện đại
Thực tế, cùng dòng chảy của xã hội hiện đại, những cái Tết thời kỳ 4.0 cũng đã khác rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, dù cuộc sống có hối hả, bận rộn đến thế nào thì ngày Tết cổ truyền vẫn có vị trí đặc biệt quan trọng trong văn hóa người Việt. Các món ăn được lựa chọn trong ngày đầu xuân bao giờ cũng chứa đựng những gì tinh túy, đặc trưng nhất, phản ánh rõ nét nhất cái tài đảm đang, khéo léo của người làm ra chúng.
Chị Lê Thị Hường (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Đối với gia đình tôi thì bữa cơm ngày Tết luôn là dịp để mọi thành viên trong gia đình, anh em bạn bè ngồi lại với nhau. Đi xa về gần có câu chuyện vui, buồn, thành công hay thất bại gì trong suốt một năm qua thì mình tâm sự. Chính vì vậy, cho dù có bận rộn như thế nào đi chăng nữa thì cứ Tết đến, xuân về là mọi người đều cố gắng ngồi quây quần với nhau ít nhất là một bữa bên mâm cơm gia đình”.
Cũng theo chị Hường, nhịp sống của thế kỷ 21 khiến gia đình chị không thể dành thời gian chuẩn bị những mâm cỗ cầu kỳ như trước và có “điều chỉnh” cho phù hợp với thực tế. Chị Hường và gia đình chi tiêu cần kiệm, nhưng điều đó không có nghĩa mâm cơm Tết của chị thiếu chỉn chu. Giống như năm trước, chị đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu từ đầu tháng Chạp. Ngoài xôi gấc và gà luộc, chị Hường còn làm cả chả nem, canh nấm mọc, rau xào thịt, giò lụa, và cả một phần dưa hành muối nén. Những món ăn truyền thống không có thời gian làm, chuẩn bị, chị Hường vẫn có thể dễ dàng đặt mua ở một vài địa chỉ quen thuộc.
Tương tự, anh Bùi Anh Ngọc (tỉnh Nghệ An) đi làm ăn xa quê lâu năm, mỗi khi nhớ đến Tết, anh lại nhớ đến những món ăn mang đậm dấu ấn truyền thống. “Dù cuộc sống ngày càng bận rộn và tất bật hơn thì vào những ngày Tết, những người con xa xứ như chúng tôi trở về quê hương, chỉ mong muốn thưởng thức một bữa ăn gia đình hay cùng nhau bày biện mâm cơm ngày Tết. Và chắc chắn, hình ảnh đại gia đình quây quần hạnh phúc bên nhau quanh mâm cỗ ngày Tết với không gian ấm cúng sẽ luôn được khắc ghi trong tim”, anh Ngọc bày tỏ.
Mâm cỗ Tết thành kính dâng lên tổ tiên ẩn chứa sợi dây kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa những thế hệ khác nhau trong gia đình. Đứng trước ban thờ tổ tiên những ngày Tết Nguyên đán, trong không gian thoảng mùi hương, mỗi chúng ta có dịp nhìn lại mình, thấy ở đó là quê hương, là gia tộc, để rồi biết ơn, để rồi tự hào, để lạc quan và phấn chấn bước tiếp trong những ngày phía trước…
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/hon-viet-qua-mam-co-ngay-tet-d204318.html