Hồn xuân trong sắc hoa đào

Sau những ngày mưa rét, trời bỗng hửng nắng, rọi tia nắng ấm áp khắp không gian. Bước ra trước sân nhà, tôi ngỡ ngàng thấy cây đào trước cửa đã bung nụ khoe sắc. Những nụ hoa hồng hồng, xinh xinh đậu trên cành cây khẳng khiu rung rinh trước gió báo hiệu mùa xuân đã về.

Cây đào này vốn được gia đình tôi mua tận vườn ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng từ Tết năm trước. Chưng suốt 10 ngày Tết, hoa đào mới héo và rụng. Bố tôi tiếc cây đào có thế đẹp, lại nhiều hoa nên bảo tôi trồng ở khu vườn trước nhà. Ông bảo: Chịu khó cắt tỉa, chăm sóc, sang năm sẽ lại có hoa đào chơi Tết!
Dù không tin cây đào có thể sinh trưởng và nở hoa nhưng tôi vẫn hì hụi đào hố trồng, sau đó nhờ người biết làm cây cảnh đến cắt tỉa cành giúp. Vì bận bịu nên tôi cũng chỉ bỏ công chăm sóc được thời gian đầu, rồi không để tâm đến cây đào khô khốc ở góc vườn nữa, để đến hôm nay bất ngờ khi thấy những nụ hoa đào bật nở dù cành chưa xanh lá.

Sắc hoa đào ruộm hồng một góc vườn khiến tôi nao nao nhớ về những Tết cổ truyền đã qua. Dù là cái Tết thiếu thốn hay no đủ, phòng khách nhà tôi không bao giờ thiếu cành hoa đào. Khi gia đình tôi còn sống ở huyện vùng cao Sa Pa - nơi đào trở thành cây trồng đặc trưng mang lại vẻ đẹp cho vùng đất này mỗi mùa xuân đến, với gia đình tôi, trong những ngày Tết, thiếu thịt, thiếu gạo nhưng không thể thiếu hoa đào. Chẳng thế mà chỉ mới 23 tháng Chạp, bố tôi đã rủ mấy chị em ra vườn đào ngắm nghía chọn một cành nhiều lộc, nhiều hoa chặt về cắm để ở góc nhà khiến không gian ngôi nhà như sáng bừng, tràn ngập hương vị xuân. Bố tôi thường nói: Tết mà không có hoa đào thì coi như chưa có Tết!

Rồi ông giải thích cho chị em tôi hiểu về ý nghĩa của cây đào trong cuộc sống của người dân vùng cao. Ở vùng núi phía Bắc, trong muôn sắc hoa, hoa đào đẹp nhất và mang biểu tượng cho mùa xuân, cho sức sống của người dân nơi đây. Người vùng cao xem cây đào cũng như số phận một con người, một đời người. Hoa đào chính là hồn xuân trong không gian cư trú ở mỗi ngôi nhà của người dân nơi miền sơn cước.

Chẳng thế mà khi đến đây vào đầu năm mới, mọi người sẽ thấy khắp nương trên, đồi dưới tràn ngập sắc hoa đào; xung quanh nhà, nhất là nhà của người dân tộc thiểu số, bao giờ cũng có cây đào, tạo nên khung cảnh thật đẹp và nên thơ. Người vùng cao luôn coi trọng cây đào bởi nó gắn với đời sống cũng như niềm tin của họ về tương lai. Dù trải qua thời tiết khắc nghiệt với những đợt mưa rét, sương muối, băng tuyết hay cái nắng hanh khô khát, cây đào vẫn vững chãi, hiên ngang bám đồi, bám núi rồi bật mầm, sinh sôi.

Sắc xuân vùng cao. Ảnh: PHẠM BẰNG

Trước kia, người dân bản địa thường để quả đào rụng xuống, mọc tự nhiên rải rác trong rừng, trong đồi, vườn nhà nhưng chất lượng quả không cao. Khi Nhà nước đưa các giống nhập nội vào cải tạo các vườn đào ở địa phương, đào được trồng thành từng khu, từng đồi nên càng rực rỡ khoe sắc khi xuân đến. Nhiều cây có tuổi đời hàng chục năm, thân xù xì, rêu mốc nhưng vẫn ra hoa, đậu quả hết năm này qua năm khác.

“Bây giờ những cây đào cổ thụ ngày càng ít rồi, người ta vào tận rừng, tận nương khai thác bán mà lại không chú ý trồng, chăm sóc và bảo vệ” - bố tôi bao lần thở dài tiếc nuối. Có lẽ bố xót những cây đào núi đang dần bị người dân chặt hạ để trơ lại mỗi gốc nên bây giờ bố chỉ mua cây hoa đào trồng trong các vườn cây cảnh về chưng Tết. Đây là loại đào có nguồn giống ở vùng cao được nông dân ươm, trồng trong vườn, sau đó tạo thế rồi chăm sóc cho hoa nở đúng dịp Tết để phục vụ khách chơi hoa.

Mấy năm gần đây, cứ dịp giáp Tết Nguyên đán, nếu có điều kiện, cả gia đình tôi lại rủ nhau về các vườn đào ở vùng lân cận chọn mua đào Tết. Nếu không có thời gian, chỉ cần tới chợ hoa xuân dạo một vòng là có thể tìm mua được một cây đào ưng ý, không lo bị phát giá “trên trời” vì loại đào này có giá chung, đắt rẻ do thế cây và hoa nhiều hay ít.

Tết vừa rồi, ưng cây đào có thế đẹp và nhiều lộc, theo gợi ý của bố, tôi đem cây đào ra trồng ở khoảnh đất nhỏ trước cửa nhà. Đã một năm trôi qua với bao bộn bề lo toan, tôi không để ý cây đào non âm thầm sinh sôi, kịp bám đất, hứng nắng, uống sương, tích tụ nhựa sống để cho ra những nụ, những mầm xanh tươi. Trong lòng tôi vỡ òa, reo vui theo ánh nắng đang nhảy nhót trên những nụ đào xuân kia.

Vậy là mùa xuân đã về thật rồi!

Mai Hương

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/hon-xuan-trong-sac-hoa-dao-z8n2020010912574309.htm