Honduras chuyển Đại sứ quán tại Israel đến Jerusalem trong năm nay
Ngày 20/9, Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez cho biết sẽ chuyển Đại sứ quán Honduras tại Israel từ thành phố Tel Aviv đến thành phố Jerusalem trước cuối năm nay, nếu việc di chuyển này được phép thực hiện trong bối cảnh dịch COVID-19 buộc nhiều nước phải áp đặt các hạn chế.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Mỹ, trên trang mạng Twitter, Tổng thống Hernandez nêu rõ, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận việc thành lập các đại sứ quán của hai nước tại Tegucigalpa và Jerusalem nhằm tăng cường mối quan hệ đồng minh chiến lược. Tổng thống Hernandez nhấn mạnh Honduras và Israel hy vọng sẽ thực hiện "bước đi lịch sử" này trước cuối năm nay, miễn là tình hình dịch COVID-19 cho phép.
Trước đó, ngày 1/9/2019, Honduras đã khai trương văn phòng thương mại ngoại giao tại Jerusalem, bước khởi đầu cho việc chuyển Đại sứ quán tại Tel Aviv tới thành phố này của Israel. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng có ý định mở Đại sứ quán Israel tại thủ đô Tegucigalpa của Honduras trong năm nay. Hiện Israel chưa có Đại sứ quán ở Honduras nhưng đã mở một văn phòng ngoại giao ở quốc gia Trung Mỹ cách đây 3 tháng.
Jerusalem là thành phố linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái. Sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm Đông Jerusalem và sáp nhập vào lãnh thổ của mình trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận. Israel coi Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn và không thể chia cắt" của mình, trong khi người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai. Tháng 12/2017, Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán nước này từ Tel Aviv đến Jerusalem, dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình phản đối tại Palestine và nhiều nước.
Mới đây, Thủ tướng Netanyahu xác nhận Belgrade sẽ chuyển Đại sứ quán Serbia tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem, qua đó trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên thực hiện sự di chuyển này. Quyết định của Serbia đã vấp phải sự chỉ trích của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng "mọi biện pháp đối ngoại đi ngược lại lập trường chung của EU về vấn đề Jerusalem là điều đáng lo ngại". Hiện mới chỉ có 2 nước gồm Mỹ và Guatemala mở đại sứ quán tại Jerusalem.