'Hóng biến' trên mạng - tiêu thời gian vào thứ vô bổ
Các bạn trẻ không rời điện thoại, sẵn sàng đọc hết từng câu, từng chữ trong hàng trăm nghìn bình luận để không trở thành 'người tối cổ'.
"Hóng drama” - thói quen khó bỏ
Những sự kiện gây tranh cãi đã tạo nên cơn bão dư luận, thu hút sự chú ý đặc biệt của giới trẻ. Điều đáng nói là xuất phát từ sự tò mò. "hóng drama" giờ đây đã trở thành "món ăn tinh thần" thói quen khó bỏ của người dùng mạng xã hội.
Bạn Châu Mai Phương - Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Xem livestream thấy bảo là phải nộp tiền 135.000 mới có thể comment trong đấy. Lúc đấy, em cũng quyết định là đóng tiền vào để hóng hớt, biết đâu mình lại được có mặt trên live thì sao".
Ngoài giờ học trên giảng đường, "hóng drama” trở thành một loại hình "giải trí" của các bạn sinh viên. Liên tiếp có những vụ ồn ào trên mạng xã hội gần đây. Không chỉ là những câu chuyện liên quan đến cộng đồng, mà cả những câu chuyện đời tư cá nhân của người nổi tiếng cũng được bàn luận sôi nổi xuyên đêm. Các bạn trẻ không rời điện thoại, sẵn sàng đọc hết từng câu, từng chữ trong hàng trăm nghìn bình luận để không trở thành "người tối cổ".
PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: "Những điều này sẽ liên quan đến một số hiệu ứng về mặt tâm lý. Bản tính con người dễ tò mò vì thế những câu chuyện mà nó hấp dẫn thì bao giờ cũng sẽ gây sự tò mò. Giới trẻ ngày nay hóng drama như một nhu cầu giải trí bởi vì lên đó vui, họ được bình luận hoặc được tham gia, nhiều khi họ đánh giá, phán xét thế nên họ sẵn sàng bỏ tiền ra để tham gia một trò giải trí. Thứ ba là hội chứng sợ bỏ lỡ (fomo) đặc biệt ở những bạn trẻ quá lạm dụng mạng xã hội, dùng nhiều thời gian Internet. Các bạn luôn muốn biết được những gì mà xã hội đang quan tâm và cảm thấy rất là khó chịu khi mà những thông tin mình không biết".
Áp lực công việc, học tập cũng khiến nhiều người tìm đến “drama” như một phương thức giải tỏa cảm xúc. Những câu chuyện kịch tính, scandal "chuyện riêng tư" càng khiến nhiều người ngày càng tò mò, không ngừng tìm kiếm sự thật. Thậm chí sẵn sàng mất tiền để "hóng drama”, không bỏ lỡ những diễn biến đầy kịch tính.
Sức hấp dẫn của những “drama” này còn được bồi đắp bởi những tin đồn, giả thuyết và thông tin không chính thức. Chính những chi tiết này khiến câu chuyện trở nên khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Điều này khiến nhiều người ngày càng tò mò, dù mục đích ban đầu là để giải trí, nhưng dần bị cuốn theo những tình tiết không hồi kết.
Làn sóng tò mò và sự chi phối của “drama”?
Có thể thấy, việc khán giả liên tục theo dõi, bàn tán chính là nguyên nhân khiến cho "drama" ngày càng nổ ra và kéo dài. Mặc dù nhiều người nhận thức rõ việc theo dõi các "drama" thường không mang lại lợi ích gì, thậm chí có thể gây tốn thời gian, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống nhưng sức hấp dẫn khó cưỡng của những câu chuyện nhiều diễn biến vẫn khiến không ít người khó lòng bỏ qua. Sau cùng, khán giả phải tự đặt câu hỏi đây là “cuộc chiến vì sự thật” hay trở thành mô hình kinh doanh của những người đang khai thác cảm xúc công chúng?
Vụ ồn ào đời tư của một nam streamer khiến nhiều người trẻ hiện nay không thể rời mắt, phiên livestream đối chất tình cảm thu hút tới hàng triệu người xem cùng lúc, tạo nên một “cơn sốt” trên các nền tảng trực tuyến. Sự phẫn nộ tạo tương tác, người xem tham gia vì tò mò, tức giận; và để "có quyền" bình luận thì phải đăng ký trả phí 135.000 đồng/tháng. Riêng buổi live tối 28/3 đạt tổng 4,8 triệu người xem, giúp nam streamer đứng top 6 trong danh sách Nhà sáng tạo live hàng đầu, đồng nghĩa với doanh thu quảng cáo tăng vọt.
Anh Trần Anh Tú - Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông Liên Tinh cho biết: "Tổng số thu của đợt livestream vừa rồi bao gồm cả quà tặng của khán giả, dù là quà tặng ảo nhưng người ta phải mua bằng tiền thật cũng như là việc người ta sẽ phải donate - tức là sẽ phải đóng tiền để có được những câu hỏi riêng tư hay là được lên live stream cùng với lại streamer. Đối với các phiên livestream vừa rồi, các bên đã thu về tầm khoảng 2 tỷ đồng. Theo lẽ thường sẽ là phân chia 50/50 hoặc là 30/70, có nghĩa là mỗi một bên thì cũng có thể đã thu về tầm khoảng 1 tỷ đồng".
Sự việc trở thành ví dụ điển hình cho một dạng "điều hướng cảm xúc". Khán giả, trong tâm thế tự nguyện đóng góp tài chính, tương tác và chia sẻ, đôi khi không kịp nhận ra mình đang góp phần thúc đẩy một chiến dịch truyền thông.
Nhìn lại những câu chuyện "drama" nóng trong tuần vừa qua, có thể thấy một điều rất rõ ràng, những nhân vật chính bỗng dưng nhận được sự chú ý. Nam chính không chỉ có thêm người theo dõi, mà còn có những người sẵn sàng trả tiền để theo dõi anh ta. Nữ chính bỗng chốc trở thành tâm điểm, khiến các phiên livestream bán hàng của cô thu hút khách hơn bao giờ hết. Còn nữ rapper liên quan đến câu chuyện này cũng nhanh chóng có được một bài hát thịnh hành.
Dù gây nhiều tranh cãi, nhưng sự việc vừa qua phản ánh rõ xu hướng tiêu thụ nội dung hiện nay: công chúng sẵn sàng trả tiền để tiếp cận những thông tin mà họ quan tâm, dù đôi khi chỉ là "hóng biến". Đã đến lúc phải đặt ra câu hỏi lớn, ai đang dẫn dắt thị hiếu số đông? Đừng biến mình thành "nhà tài trợ" của các "drama".