Hồng giòn vào mùa ăn vừa ngọt vừa giàu dinh dưỡng, nhưng bạn cần lưu ý 5 điều để tránh nguy cơ tắc ruột
Đừng vì 'bon mồm' mà ăn hồng quá nhiều trong một thời điểm, bởi đã từng có trường hợp gặp phải tình trạng tắc ruột, chướng bụng sau khi ăn loại quả này.
Dạo trước, đã từng có một số trường hợp nhập viện do gặp phải tình trạng tắc ruột sau khi ăn quả hồng giòn. Điển hình trong đó có thể kể đến bệnh nhân T.A.H (41 tuổi) sống tại TP. Hồ Chí Minh vào viện vì đau quặn bụng, tình trạng khá nguy kịch. Các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã chẩn đoán người bệnh bị tắc ruột do bã thức ăn không tiêu, phải phẫu thuật nội soi cấp cứu. Bệnh nhân này cho biết trước đó đã ăn 10 quả hồng, may mắn nhờ vào viện kịp thời nên được bác sĩ gắp bỏ khối bã kích thước 5x5 cm ra khỏi ruột. Nếu để lâu mà không vào viện kịp thì nguy cơ bị vỡ ruột, rối loạn điện giải, nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng máu hoặc thậm chí là tử vong có thể xảy ra.
Từ đây mới thấy, chuyện ăn quả hồng giòn nếu không có chừng mực thì nguy cơ bị tắc ruột là rất cao. Trong thành phần của quả hồng có chứa chất tannin (tạo ra vị chát) và chất pectin. Khi ăn hồng còn xanh hoặc chưa chín tới, người ăn sẽ cảm thấy có vị chát nơi đầu lưỡi. Tannin và pectin đều là những chất làm săn niêm mạc ruột, dễ ảnh hưởng tới nhu động ruột.
Khi ăn quả hồng giòn lúc đói thì các chất này cộng hưởng với hàm lượng chất xơ cao sẽ gây kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày, từ đó gây đầy bụng, khó tiêu, thậm chí còn tạo cảm giác buồn nôn, nôn mửa. Nếu ăn nhiều sẽ vón lại, tạo thành khối bã ở khu vực ruột non, dẫn đến tình trạng tắc ruột.
Thực tế, quả hồng rất bổ dưỡng vì chứa nhiều chất xơ và hàm lượng vitamin tương đối cao. Nhưng khi ăn, bạn cần chú ý 5 điều sau để tránh mọi rủi ro xấu cho sức khỏe.
1. Không ăn hồng khi quả còn xanh, chưa chín tới
Quả hồng nên được ăn sau khi đã chín tới, nếu quả còn hơi xanh thì khả năng chứa chất tannin là rất cao. Khi ăn những quả hồng chưa chín, bạn cũng sẽ dễ nhận ra vì cảm giác đầu lưỡi của mình có vị chát.
2. Nên ăn hồng sau khi đã gọt sạch vỏ
Do vỏ quả hồng có chứa rất nhiều axit tannic nên dễ hình thành sỏi sau khi ăn. Vì vậy, bạn hãy gọt sạch vỏ hồng trước khi ăn để tránh gây hại tới đường tiêu hóa của mình.
3. Không ăn hồng khi bụng đói
Các chuyên gia thường khuyên bạn nên ăn hồng sau bữa ăn chính. Bởi lúc này, thức ăn vẫn còn tồn đọng trong dạ dày, nếu ăn hồng vào sẽ ngăn ngừa nguy cơ tiếp xúc với axit trong dạ dày, từ đó tránh được việc hình thành sỏi.
4. Không ăn quá nhiều hồng cùng một thời điểm
Để tránh gặp phải trường hợp không mong muốn như bệnh nhân 41 tuổi ở trên, bạn nên tránh ăn nhiều quả hồng liên tục trong cùng một thời điểm. Trong trường hợp bình thường, nếu bạn đã ăn no thì lượng hồng nên ăn chỉ khoảng 1 - 2 quả là vừa đủ. Đặc biệt, đối với người trung niên và cao tuổi thì chức năng tiêu hóa tương đối yếu, nhu động ruột làm việc cũng chậm hơn nên thói quen ăn nhiều hồng có thể gây táo bón, tắc ruột rất cao.
5. Không ăn hồng uống sữa cùng nhau
Một điều nữa cần lưu ý là không nên ăn hồng và uống sữa trong cùng một thời điểm. Vì sữa là loại thực phẩm giàu protein và canxi nên khi kết hợp với quả hồng sẽ dễ tạo sỏi. Do vậy, cần tránh ăn hai loại thực phẩm này cùng lúc bạn nhé!