Bà sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng, nổi tiếng văn hay, chữ giỏi, năm 16 tuổi bà được quan thượng thư Lê Anh Tuấn nhận làm con nuôi.
Hồng Hà nữ sĩ là tên hiệu của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1749). Bà Điểm là nữ nhà văn, nhà thơ lớn của nước ta, sống vào thời Hậu Lê, tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn học Việt Nam bấy giờ.
Bà Đoàn Thị Điểm chính là tác giả của cuốn sách Truyền kỳ tân phả, còn có tên gọi khác là Tục truyền kỳ. Đây là tác phẩm viết bằng chữ Hán, theo Lịch triều hiến chương loại chí, Truyền kỳ tân phả ghi chép những chuyện linh dị và những chuyện gặp gỡ.
Cả ba truyện trên đều do nữ sĩ Đoàn Thị Điểm viết, trong đó: Hải khẩu linh từ (Đền thiêng cửa biển) là chuyện nữ thần Chế Thống, tức Nguyễn Thị Bích Châu, cung phi vua Trần Duệ Tông đã hy sinh thân mình để nhà vua được an toàn đưa chiến thuyền vào đánh quân Chiêm Thành; Vân Cát thần nữ (Thần nữ Vân Cát) là chuyện bà chúa Liễu Hạnh, một nhân vật huyền thoại có nhiều quyền năng siêu phàm, một trong bốn vị “tứ bất tử” của người Việt; An Ấp liệt nữ (Liệt nữ ở An Ấp) là chuyện vợ thứ ông Đinh Nho Hoàn đời vua Lê Dụ Tông, đã tuẫn tiết theo chồng.
Đoàn Thị Điểm cũng chính là nhà thơ đã có công dịch truyện thơ Chinh phụ ngâm của tác giả Đặng Trận Côn từ chữ Hán sang chữ Nôm. Ngoài ra, bà Đoàn Thị Điểm cũng chính là tác giả của tập thơ Nữ trung tùng phận gồm 1401 câu.
Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, bà Đoàn Thị Điểm quê ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng, nổi tiếng văn hay, chữ giỏi, năm 16 tuổi bà được quan thượng thư Lê Anh Tuấn nhận làm con nuôi. Về sau bà được mời vào cung, giữ chức Giáo thụ, chuyên lo việc dạy học cho con cháu vua chúa. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau bà lại xin về quê vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh.
Năm 37 tuổi, bà Đoàn Thị Điểm nhận lời lấy Nguyễn Kiều, vị tiến sĩ nổi tiếng hay chữ và thanh liêm, đã góa vợ, làm Tả thị lang bộ Binh. Cuộc hôn nhân tiếng tăm vang dội cả kinh thành Thăng Long. Trước đó, không ai lọt mắt xanh của Hồng Hà nữ sĩ. Vừa cưới được một thời gian ngắn, Nguyễn Kiều làm Chánh sứ đi sứ nhà Thanh ba năm trời. Trong thời gian xa chồng, bà đã dịch tập thơ Chinh phụ ngâm. Năm 1745, Nguyễn Kiều về nước, ông được cử làm quan ở Nghệ An. Bà đi cùng chồng, nhưng bị cảm nặng và mất tại Nghệ An năm đó, hưởng thọ 44 tuổi. Thương cảm người bạn đời vắn số, Nguyễn Kiều đã viết bài văn tế, hết lời ca ngợi văn tài và đức hạnh của bà. Trong đó có câu: “Đào vừa tươi đã khô / Quế đang thơm đã tàn / Rừng sâu bể rộng nàng hỡi đi đâu / Ngọc nát châu chìm lòng tôi quặn nhớ...".