Hồng Kông có thể vượt Mỹ thành thị trường IPO sôi động nhất thế giới
Trong nửa đầu nay, tổng giá trị các vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKEX) tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2024...

Lễ chào sàn của cổ phiếu pin CATL tại Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông hồi tháng 5/2025 - Ảnh: Getty/CNBC.
Mối quan tâm của nhà đầu tư và doanh nghiệp đối với thị trường cổ phiếu Hồng Kông đang tăng mạnh trở lại, khi các công ty Trung Quốc đại lục đổ tới đây để huy động vốn, dẫn tới một cơn sốt trên một thị trường đã bị “bỏ quên” trong những năm gần đây.
Hãng tin CNBC dẫn số liệu từ công ty cung cấp dữ liệu Dealogic cho thấy trong nửa đầu nay, tổng giá trị các vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKEX) tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2024, đạt mức 14 tỷ USD. Với lượng phát hành như vậy, đây là nửa đầu năm sôi động nhất của thị trường IPO ở vùng lãnh thổ này kể từ năm 2021.
Với đà này, Hồng Kông có thể sẽ trở thành thị trường IPO sôi động nhất thế giới trong năm 2025, vượt qua hai sàn giao dịch Mỹ là Nasdaq và Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Công ty kiểm toán PwC dự báo sẽ có tới 100 vụ IPO ở Hồng Kông trong năm nay, với tổng lượng vốn huy động được vượt 25,5 tỷ USD.
Trong mấy năm sau đại dịch Covid-19, hoạt động IPO ở Hồng Kông diễn ra ảm đạm do tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư giảm sút và tăng trưởng kinh tế suy yếu. Nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, có 43 cuộc chào sàn ở Hồng Kông, và tổng giá trị phát hành đã vượt qua con số của cả năm 2024. Năm 2023, cũng chỉ có 73 cuộc IPO ở Hồng Kông, huy động tổng cộng 5,9 tỷ USD - theo số liệu của HKEX.
Mối quan tâm mới đối với thị trường IPO Hồng Kông xuất phát từ một số yếu tố thuận lợi đồng thời, gồm chính sách của Bắc Kinh, nhiều doanh nghiệp chọn niêm yết kép ở cả đại lục và Hồng Kông, lượng thanh khoản dồi dào trên thị trường, và mối lo về việc bị hủy niêm hết ở thị trường Mỹ. Tất cả những yếu tố này thúc đẩy các công ty Trung Quốc đại lục chọn niêm yết ở Hồng Kông nhiều hơn, theo ông Steve Sun - trưởng chiến lược cổ phiếu Trung Quốc của ngân hàng HSBC.
“Sự bùng nổ của thị trường IPO ở Hồng Kông chắc chắn có liên quan tới việc niêm yết kép cổ phiếu A và cổ phiếu H. Cổ phiếu A là cổ phiếu niêm yết ở đại lục, cổ phiếu H là cổ phiếu niêm yết ở Hồng Kông”, ông Sun nhấn mạnh.
Việc chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh vào tháng 9 năm ngoái nhờ kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế mạnh hơn của Bắc Kinh đã làm thay đổi cái nhìn bi quan trước đó về thị trường đại lục và cả Hồng Kông. Tiếp đó, vào đầu năm nay, việc DeepSeek phát hành một mô hình AI giá rẻ đã dẫn tới một cơn sốt cổ phiếu công nghệ Trung Quốc vì nhà đầu tư bắt đầu đánh giá lại về năng lực sáng tạo của nước này.
Tính đến hết phiên giao dịch ngày thứ Tư (2/7), chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông đã tăng 21% trong năm nay, trở thành một trong những chỉ số chứng khoán chính tăng mạnh nhất thế giới.
Hy vọng về việc Bắc Kinh sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp kích thích bằng tài khóa để bảo vệ nền kinh tế khỏi cú sốc thương chiến cũng đang hỗ trợ niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ngoài ra, vào năm ngoái, nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra loạt biện pháp nhằm đẩy nhanh việc phê chuẩn cho phép các công ty công nghệ đại lục niêm yết cổ phiếu ở Hồng Kông.
“Chính sách khuyến khích doanh nghiệp hàng đầu niêm yết ở Hồng Kông đã mang lại một cú huých rất cần thiết” trong việc kích thích hoạt động IPO ở Hồng Kông - theo ông Perris Lee, trưởng bộ phận thị trường vốn cổ phần của Dealogic.
Một động lực khác phía sau sự tăng trưởng của chứng khoán Hồng Kong năm nay là lượng thanh khoản dồi dào đến từ các nhà đầu tư đại lục đổ vốn vào thị trường Hồng Kông, trong đó có nhiều người không muốn bỏ lỡ cơn sốt cổ phiếu AI. Việc chứng khoán đại lục tăng chậm, với chỉ số CSI 300 mới tăng 0,2% từ đầu năm đến nay, càng khiến sức hút của thị trường Hồng Kông đối với các nhà đầu tư đến từ đại lục lớn hơn.
Trong số các công ty niêm yết kép ở đại lục và Hồng Kông có thể kể tới hãng pin CATL. Dù đã niêm yết cổ phiếu ở Thẩm Quyến, hãng này vẫn huy động thêm hơn 5 tỷ USD khi niêm yết thứ cấp ở Hồng Kông hồi tháng 5, đánh dấu vụ phát hành lớn nhất thế giới thuộc loại này trong năm nay.
Trong số hơn 200 hồ sơ IPO chờ ở Hồng Kông hiện tại, có hơn 40 công ty đã niêm yết ở đại lục - theo dữ liệu của Wind Information.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã đưa Hồng Kông trở thành một điểm đến IPO hấp dẫn hơn đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, vì lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể ra lệnh buộc các công ty Trung Quốc phải rút niêm yết cổ phiếu khỏi Mỹ.