Hong Kong: Lo ngại từ biểu tình bạo lực kéo dài
Bạo lực là một cách bày tỏ thái độ quyết liệt nhưng cũng có thể tạo ra những rủi ro lớn đối với người biểu tình Hong Kong.
Hôm 1-12, hàng ngàn người dân Hong Kong tiếp tục xuống đường biểu tình ở khu vực quận Tiêm Sa Chủy. Trước đó một tuần, phe đối lập giành chiến thắng trong kỳ bầu cử hội đồng quận ở đặc khu này, theo hãng tin Reuters.
ThS Đoàn Ngọc Anh Khoa, giảng viên Khoa quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV TP.HCM, nghiên cứu về an ninh và chính trị Đông Bắc Á, nhận định biểu tình Hong Kong 2019 có nhiều thay đổi từ kinh nghiệm của các phong trào trước đó.
Bài học Dù vàng 2014
. Phóng viên: Vì sao biểu tình Hong Kong, bất chấp nỗ lực can dự của chính quyền sở tại và chiến thắng bầu cử của phe đối lập mới đây, vẫn tiếp tục kéo dài?
+ ThS Đoàn Ngọc Anh Khoa: Phong trào biểu tình ở Hong Kong 2019 sở dĩ có thể tiếp tục gây sức ép và tồn tại suốt hơn sáu tháng ở đây phần lớn là nhờ vào những bài học kinh nghiệm rút ra sau 79 ngày biểu tình Dù vàng năm 2014.
Cụ thể, biểu tình Dù vàng 2014 đã tạo dựng một nền tảng về sau, cả về phương thức đấu tranh lẫn nền tảng chính trị. Một mặt phong trào Dù vàng tạo ra thay đổi trong nhận thức về sự mất tự do ở Hong Kong. Biểu tình 2019 một lần nữa cho thấy người Hong Kong ngày càng nhận thức được sự ảnh hưởng càng lớn của chính quyền Bắc Kinh lên đời sống chính trị của đặc khu này. Các ảnh hưởng đó không đồng nhất với Luật cơ bản, thậm chí người biểu tình cho rằng nó trái với những cam kết giữa Trung Quốc (TQ) đại lục và chính quyền Anh. Đó là một vấn đề cấp bách.
Mặt khác, phong trào Dù vàng bộc lộ những hạn chế trong việc tổ chức biểu tình có lãnh đạo trực tiếp và tính hiệu quả của biểu tình phi bạo lực. Cũng cần lưu ý rằng thành phần chủ yếu tham gia biểu tình là sinh viên và học sinh, vốn là thành phần cũ của phong trào Dù vàng 2014. Vậy nên họ càng không muốn đi vào lối mòn cũ và chịu một thất bại khác. Từ đó họ chọn cách quyết liệt, mạnh bạo hơn để mong tạo ra sự thay đổi.
. Nếu nhìn toàn cảnh thì liệu bạo lực có phải là một kỳ vọng của người biểu tình?
+ Trong giai đoạn thuộc Anh, chính quyền thuộc địa đã sử dụng pháp quyền để xử lý các cuộc biểu tình bất hợp pháp. Vì thế các đảng phái đối lập thường chỉ sử dụng các biện pháp ôn hòa và phi bạo lực để gây sức ép. Biểu tình bạo lực chưa bao giờ là mong muốn của Hong Kong, đơn cử như các phong trào từ năm 2003 đến 2016, trừ năm 2014.
Đây là một cách để Hong Kong xây dựng hình ảnh một xã hội pháp trị và yên bình nhằm thúc đẩy kinh tế và biến mình thành trung tâm tài chính lớn của thế giới (chỉ sau New York của Mỹ và London của Anh). Họ không muốn gây ra bất cứ sự xáo trộn nào, nhất là từ các doanh nghiệp và giới tinh hoa chính trị.
Nỗi lo từ biểu tình bạo lực
. Liệu bạo lực lần này có phải là giải pháp để người biểu tình đạt được yêu sách của họ?
+ Các cuộc biểu tình bạo lực sẽ gây ra những hậu quả lâu dài về mặt hình ảnh của Hong Kong. Mất đi sự ổn định và bình yên vốn có, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không còn xem Hong Kong là một điểm đến lý tưởng. Một ví dụ rõ ràng là sau phong trào Dù vàng 2014 và mới đây là năm 2019, hình ảnh người dân đi dọn dẹp lại đường phố không phải là hiếm. Người dân cũng giải thích rằng họ mong muốn dân chủ nhưng chính họ cũng không mong muốn cuộc sống hằng ngày của họ sẽ bị phá vỡ.
5 yêu cầu của người biểu tình Hong Kong bao gồm: Rút dự luật dẫn độ; tiến hành điều tra độc lập về biểu tình; tiến hành bầu cử dân chủ hoàn toàn; bỏ thuật ngữ nổi loạn, bạo loạn khi mô tả các cuộc biểu tình; thả những người biểu tình bị bắt.
. Bạo lực có giúp người biểu tình thu hút thêm sự ủng hộ từ bên ngoài?
+ Bạo lực hóa biểu tình cũng là cách để người biểu tình Hong Kong mong muốn tìm kiếm sự hỗ trợ, ủng hộ và can thiệp của cộng đồng quốc tế mà chủ yếu là Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay theo tôi thấy kế hoạch này dường như không đem lại kết quả đáng kể khi phản ứng của thế giới chỉ dừng ở các tuyên bố, còn chính quyền Bắc Kinh không có dấu hiệu sẽ nhượng bộ. Nhìn chung trong thời gian tới, biểu tình Hong Kong sẽ im ắng trở lại hoặc ít nhất là sẽ chuyển về ôn hòa hơn một khi người biểu tình nhận ra không ai giúp đỡ họ.
Quan trọng không kém, việc quá lạm dụng biểu tình bạo động cũng sẽ khiến phong trào này mất dần sự ủng hộ từ phía các thành phần còn lại trong xã hội. Vô hình trung sẽ đẩy người biểu tình vào thế bị Bắc Kinh cáo buộc bạo loạn, phá hoại nền kinh tế Hong Kong. Những thành phần khác trong xã hội đang lùi về vai trò hỗ trợ tương tự như năm 2014, một phần cũng do họ lo ngại các bắt bớ từ chính quyền đặc khu. Nếu người biểu tình Hong Kong mất đi cả những người ủng hộ này, họ sẽ bị cô lập trong cuộc đấu tranh của mình.
Biểu tình không có thủ lĩnh sẽ hiệu quả?
Cả hai đợt biểu tình trong năm 2014 là Dù vàng và phong trào chiếm lĩnh Trung Hoàn với tình yêu và hòa bình đều nhanh chóng chấm dứt sau khi dàn thủ lĩnh bị cảnh sát bắt giữ. Do đó việc không có thủ lĩnh trong năm 2019 đem lại cho người biểu tình sự linh hoạt nhất định khi không cần phải đợi chỉ đạo và có thể tỏa ra nhiều khu vực hơn.
Thêm vào đó cảnh sát cũng gặp nhiều khó khăn hơn khi đối phó vì người biểu tình sẽ di chuyển và hoạt động theo từng nhóm nhỏ để dễ dàng hỗ trợ và liên lạc lẫn nhau. Việc quyết định các chiến thuật khi biểu tình được một nhóm nhỏ sinh viên tiêu biểu quyết định dù nhóm này về cơ bản không phải là lãnh đạo chính thức của phong trào. Một số nhà hoạt động xã hội đã có tiếng nói trong các đợt biểu tình trước như Joshua Wong, Benny Tai và Nathan Law có thể được xem là “lãnh đạo về mặt biểu tượng” không chính thức để đối thoại với chính quyền Hong Kong. Tuy nhiên, cơ hội để việc này xảy ra khá thấp.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/hong-kong-lo-ngai-tu-bieu-tinh-bao-luc-keo-dai-874470.html