Hồng quân Liên Xô truy quét tàn quân phát xít sau khi chiếm được Berlin như thế nào?
Sự sụp đổ của phát xít Đức tại Berlin không có nghĩa là chiến tranh đã kết thúc. Ở Tiệp Khắc, quân đội Liên Xô phải đối phó với cụm tập đoàn quân phát xít tại CH Czech.
Gần 1 triệu quân cố thủ và tìm cách rút chạy về phía Tây
Sáng 2-5-1945, Tư lệnh phòng thủ Berlin, tướng Helmut Weidling, đã ra lệnh cho lực lượng đồn trú còn lại trong thành phố hạ vũ khí và đầu hàng Hồng quân. Tuy nhiên, việc chiếm được “hang ổ của quái thú phát xít” không dẫn đến kết thúc ngay lập tức cho cuộc chiến.
Chính phủ Đức mới do Đô đốc Karl Doenitz đứng đầu, có trụ sở tại Flensburg (gần biên giới với Đan Mạch) vẫn có lực lượng quân sự lớn ở Tiệp Khắc và Áo. Đức quốc xã hy vọng có thể đạt được thỏa thuận với các đồng minh phương Tây và thành lập mặt trận thống nhất với họ chống lại người Nga hoặc sẽ giao nộp những khu vực này cho phe đồng minh trước khi Hồng quân Liên Xô đến.

Xe tăng của phát xít Đức trong thành phố Prague. Ảnh: TASS
Cụm tập đoàn quân Trung tâm, đóng quân ở miền Trung và miền Tây Bohemia dưới sự chỉ huy của Thống chế Ferdinand Schörner có quân số khoảng 900.000 người. Lực lượng này đang bị Hồng quân bao vây 3 mặt: Nguyên soái Phương diện quân Ukraina số 1 Ivan Konev, Nguyên soái Phương diện quân Ukraina số 2 Rodion Malinovsky và tướng Andrey Eremenko với lực lượng quân sự đồng minh của Ba Lan, Romania và Tiệp Khắc. Tổng quân số của bên Hồng quân khoảng 2 triệu người.
Prague là trung tâm giao thông lớn nhất trong khu vực, được chọn làm mục tiêu chính cho chiến dịch quy mô lớn cuối cùng của Hồng quân ở châu Âu. Nguyên soái Konev chỉ huy lực lượng ở gần thủ đô của CH Czech được lệnh phải đột phá từ phía Bắc qua Dresden, các mũi tấn công của Nguyên soái Malinovsky và tướng Eremenko – tấn công từ phía Nam và Đông. Cùng với đó, Hồng quân còn triển khai lực lượng bao vây, chia cắt và đánh bại nhóm quân phát xít rút lui về phía Tây để đầu hàng quân Mỹ.
Không đường thoát
Chiến dịch này dự kiến bắt đầu vào ngày 7-5-1945, nhưng vào ngày 5-5, một cuộc nổi loạn đã nổ ra ở Prague. Hội đồng quốc gia Czech đã kêu gọi phía Liên Xô qua radio cung cấp hỗ trợ càng sớm càng tốt. Kết quả là cuộc tấn công đã bị hoãn lại một ngày trước đó.
“Những loạt đạn cối như sấm sét của lực lượng tấn công “Katyushas” – đã phá vỡ sự im lặng căng thẳng của tiền tuyến. Các hệ thống pháo binh đủ cỡ đã đáp trả chúng bằng một bản hòa âm thân thiện. Cơn lốc lửa không hề lắng xuống vào cuối quá trình chuẩn bị pháo binh, mà còn gia tăng sức mạnh và sức tàn phá của nó. Từ từ di chuyển vào sâu trong hàng phòng thủ của kẻ thù, nó đã quét sạch mọi thứ cản đường. Sau đó, xe tăng và bộ binh đã tấn công quyết liệt vào kẻ thù trên toàn bộ mặt trận”, Tư lệnh Tập đoàn quân Cận vệ số 5, Tướng Alexei Zhadov cho biết về cuộc tấn công tối 6-5-1945.

Lữ đoàn xe tăng Chelyabinsk số 63 tiến công hướng tới Praha. Ảnh: Sputnik
Lực lượng đầu tiên tấn công là Phương diện quân Ukraina số 1, đã thâm nhập được 10-12km vào tuyến phòng thủ của quân phát xít ngay trong ngày đầu tiên. “Trong điều kiện bình thường, người ta có thể khá hài lòng với những gì đã đạt được, nhưng xét đến tình hình đã diễn biến ở Praha, khi mà mỗi giờ đều quý giá, tôi đã yêu cầu... một tốc độ tiến công cao hơn. Bộ binh được giao nhiệm vụ kiểm soát 40-45km trong 24 giờ tiếp theo, trong khi các đội xe tăng được giao nhiệm vụ tiến công 50-60km. Họ được lệnh tiến công cả ngày lẫn đêm, bỏ qua mệt mỏi và các chướng ngại trên đường tiến công”, Nguyên soái Konev viết trong hồi ký cá nhân.
Quân phát xít cố gắng chống lại Hồng quân đang tấn công như vũ bão bằng mọi thứ có thể. Tuy nhiên, Hồng quân với 3 mũi tấn công đã phá vỡ được hàng phòng thủ của địch dọc theo chiều dài mặt trận, vượt qua dãy núi Ore, chiếm Dresden và tiến đến gần Prague.
Sau khi Đức ký Hiệp ước đầu hàng vô điều kiện tại Reims vào ngày 7-5-1945, một bộ phận quân đội phát xít không chấp nhận đầu hàng đã tiến về phía Tây. Nguyên soái Konev nhận xét: “Ý định của Scherner là chiến đấu với chúng tôi đến phút cuối cùng có thể và vào thời điểm quan trọng sẽ cố gắng chuồn khỏi chúng tôi và đầu hàng bên chấp nhận hắn”.
Vào lúc 4 giờ sáng ngày 9-5-1945, sau cuộc hành quân thần tốc dài 80km, Quân đoàn xe tăng cận vệ số 10 thuộc Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 4 thuộc Phương diện quân Ukraina số 1 là đơn vị đầu tiên đột phá vào Prague. Không lâu sau, lực lượng từ các mặt trận khác đã đến gần thành phố và tuyến đường thoát về phía Tây của phát xít Đức đã bị cắt đứt.
“Người Séc chào đón chúng tôi rất nồng nhiệt. Bọn trẻ chạy đến bên xe tăng với những xô nước lạnh. Với chúng tôi, sau cuộc diễu hành, nó giống như mật ong vậy. Họ đến từng xe tăng và tặng cho chúng những món ăn. Mọi người, già trẻ, đều reo lên sung sướng và nắm lấy tay chúng tôi”, một người lính Hồng quân có tên Vasily Moskalenko chia sẻ.
Vào ngày 8-5 (ngày 9-5-1945 theo giờ Moscow), văn bản đầu hàng của Đức đã được ký lại tại Karlshorst, ngoại ô Berlin để chấm dứt chiến tranh ở châu Âu. Tuy nhiên, giao tranh vẫn tiếp diễn.

Người dân địa phương chào đón chiến sĩ Hồng quân tại Prague. Ảnh: Sputnik
Vào ngày 10 và 11-5, các đơn vị của Phương diện quân Ukraina 1 và 2 đã gặp gỡ với các đơn vị Mỹ ở khu vực các thành phố Chemnitz, Pilsen và Karlovy Vary. Họ thậm chí còn có cơ hội hiệp đồng chiến đấu chống lại quân Đức. Gần làng Slivice, Hồng quân với sự hỗ trợ của pháo binh từ Tập đoàn quân số 3 của Mỹ đã đánh bại nhóm SS Gruppenführer Karl Friedrich von Pückler-Burghaus bị kẹt lại khi du kích địa phương bao vây.
Trong Chiến dịch tấn công Prague, Hồng quân đã đánh bại cụm tập đoàn phát xít Đức lớn cuối cùng, bắt giữ hơn 850.000 tù binh, bao gồm 60 sĩ quan cấp tướng. Cuộc chiến ác liệt cũng tiêu diệt hàng chục nghìn tay súng phát xít.