Hồng Quang phát triển kinh tế rừng

Xã Hồng Quang (Lâm Bình) có hơn 4.020 ha đất rừng sản xuất, chiếm trên 80% diện tích đất tự nhiên của xã. Phát huy tiềm năng đó, những năm qua, xã tích cực vận động nhân dân phát triển kinh tế rừng, từ đó tạo việc làm và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Ông Quan Văn Tuệ, Trưởng thôn Bản Luông cho biết, sau sáp nhập thêm thôn Pooi thì diện tích rừng của thôn gần 700 ha với 95% hộ dân có diện tích rừng trồng. Nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế rừng kết hợp với chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Điển hình như hộ ông Ma Công Vụ, ngoài việc nhận giao khoán bảo vệ 21 ha rừng phòng hộ, gia đình ông còn tích cực trồng rừng sản xuất. Ông Vụ cho biết, từ năm 2005, ông đã trồng toàn bộ diện tích 8 ha bằng giống keo hạt, năm 2015 gia đình được thu hoạch 2,5 ha, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 120 triệu đồng. Có vốn ông đầu tư nuôi cá, ếch mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Thu nhập từ rừng đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã thoát nghèo bền vững và đang hướng đến làm giàu. Gia đình ông Bàn Phúc Lập, thôn Khuổi Xoan trước đây là hộ nghèo. Năm 2007 gia đình ông quyết định chuyển diện tích đất rừng sản xuất của gia đình sang trồng cây keo, bồ đề, mỗi năm trồng một phần diện tích, lấy ngắn nuôi dài, đến nay, gia đình ông đã trồng được hơn 20 ha rừng. Năm 2017 ông khai thác 8 ha. Nhờ nguồn thu từ rừng, gia đình ông đã xây được nhà, mua sắm đầy đủ các thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình, cuối năm 2018 gia đình ông đã được công nhận thoát nghèo.

Lực lượng Kiểm lâm, cán bộ xã Hồng Quang hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng, chống cháy rừng trong mùa khô.

Ông Ma Đình Quan, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Quang cho biết, tạo đà cho phát triển kinh tế rừng, xã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Đến nay, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách Xã hội của xã đạt trên 38 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư cho trồng rừng. Nhận thức được tầm quan trọng của rừng và lợi ích thiết thực từ rừng mang lại, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư vào trồng rừng. Do vậy, trong 3 năm trở lại đây xã luôn vượt kế hoạch trồng rừng từ 2 đến 5%; độ che phủ rừng của xã năm 2019 đạt trên 78,3%.

Cùng với trồng rừng, mỗi năm xã Hồng Quang khai thác trên 100 ha rừng trồng, đây là điều kiện để nhiều hộ phát triển nghề chế biến lâm sản. Đến nay, xã đã có 3 cơ sở chế biến lâm sản, tạo việc làm cho 60 lao động. Ông Ma Văn Lợi, thôn Bản Luông cho biết, năm 2014 gia đình ông mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy bóc gỗ, thu mua gỗ rừng trồng của người dân trong xã. Mỗi năm cơ sở bóc gỗ của ông cho thu lãi hơn 150 triệu đồng. Xưởng bóc gỗ của gia đình ông Lợi tạo việc làm cho 23 lao động địa phương với thu nhập bình quân 180.000 - 200.000 đồng/ngày.

Ngoài việc phát triển trồng rừng sản xuất, hiện xã Hồng Quang đã giao khoán bảo vệ hơn 900 ha rừng phòng hộ cho các hộ dân. Nguồn thu từ rừng đã giúp cuộc sống của nhân dân xã Hồng Quang ngày càng được cải thiện, nhiều hộ đã thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 10% mỗi năm.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/hong-quang-phat-trien-kinh-te-rung-124627.html