Họp Ban soạn thảo Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao

Chiều ngày 3/11, tại trụ sở Bộ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Đề án Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Đề án Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. (Ảnh: Anh Sơn)

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Đề án Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. (Ảnh: Anh Sơn)

Tham dự cuộc họp có ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội khoa học Hành chính Việt Nam; thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập từ các bộ, ngành liên quan như: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ cho biết, tại Công văn số 4090/VPCP-QHQT ngày 5/6/2023, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và cơ quan liên quan xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao đã khẩn trương thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Đề án với 23 thành viên, bao gồm lãnh đạo đơn vị thuộc một số Ban, Bộ, ngành có quan hệ phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao cùng lãnh đạo và cán bộ một số đơn vị chủ chốt trong khối xây dựng ngành của Bộ Ngoại giao.

Thứ trưởng Thường trực chia sẻ với vai trò là văn bản định hướng cho công tác xây dựng ngành đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án Chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nỗ lực xây dựng ngành Ngoại giao trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, tạo cơ sở vững chắc để góp phần xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân;

Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc duy trì và bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển đất nước, nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam như được xác định tại Văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Vì vậy, công tác xây dựng Đề án Chiến lược được Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao quan tâm đặc biệt, đã nhiều lần thảo luận, cho ý kiến trực tiếp về những nội dung chính của Đề án.

Từ tháng 5/2021 đến nay, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hàng chục cuộc thảo luận nội bộ giữa các đơn vị trong nước và CQĐD VN tại nước ngoài, nhiều vòng tham vấn các đồng chí nguyên Lãnh đạo Bộ, Đại sứ, chuyên gia trong và ngoài ngành; tham khảo kinh nghiệm thực tiễn của Bộ Ngoại giao hơn 30 quốc gia thế giới nhằm tranh thủ tối đa kiến thức, kinh nghiệm và trí tuệ tập thể. Đến nay, dự thảo thứ nhất của Đề án Chiến lược đã được các thành viên Ban soạn thảo thuộc Bộ Ngoại giao và Tổ biên tập cơ bản hoàn thiện.

Bên cạnh ý kiến của các đơn vị, cá nhân trong ngành, Bộ Ngoại giao mong muốn có được sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành liên quan. Sự tham gia, đồng hành của các bộ, ngành giúp Đề án Chiến lược có thêm những góc nhìn đa chiều, chuyên môn sâu, đồng thời bảo đảm tính khả thi của Đề án Chiến lược.

Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội khoa học Hành chính Việt Nam phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Anh Sơn)

Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội khoa học Hành chính Việt Nam phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Anh Sơn)

Tại cuộc họp, thành viên Ban soạn thảo đến từ các bộ, ngành và khách mời đã thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Đề án. Các đại biểu đánh giá Đề án thể hiện tính tiên phong của Bộ Ngoại giao khi là Bộ đầu tiên triển khai xây dựng một Chiến lược về xây dựng ngành, đồng thời đóng góp những gợi ý giá trị, góp phần hoàn thiện dự thảo.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ cảm ơn các chuyên gia, đại diện các bộ, ban, ngành và lãnh đạo các đơn vị của Bộ Ngoại giao đã đóng góp nhiều ý kiến giá trị, hữu ích cho việc tổng hợp, hoàn thiện dự thảo.

Thứ trưởng Thường trực đề nghị Tổ biên tập tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp, nhanh chóng cập nhật dự thảo, tham khảo các bộ, ban, ngành và cơ quan liên quan; trên cơ sở đó, trình hồ sơ Đề án lên Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Anh Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hop-ban-soan-thao-chien-luoc-xay-dung-va-phat-trien-nganh-ngoai-giao-248644.html