Họp báo Cuộc thi Vô địch Quốc gia STEM, AI và Robotics 2024

Chiều 14/11, tại Hà Nội, Báo Tiền Phong tổ chức họp báo công bố Cuộc thi Vô địch Quốc gia STEM, AI và Robotics 2024 (Vietnam STEM AI Robotics - VSAR) dành cho học sinh phổ thông với chủ đề 'Nông nghiệp xanh - Phát triển bền vững'.

Dự họp báo có anh Lê Hải Long - Trưởng Ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội T.Ư; anh Nguyễn Thái An - Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn; ông Phạm Quốc Toản - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thành phố Hà Nội; Nhà báo Lê Xuân Sơn - nguyên Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tiền Phong; ông Lê Xuân Hoàng - thành viên HĐQT Công ty CP Tiền Phong; anh Trần Xuân Bách - Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN.

Phía ban tổ chức có nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức cuộc thi; ông Bùi Văn Phượng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tiền Phong, Phó Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi.

Ban tổ chức chủ trì buổi họp báo chiều 14/11.

Ban tổ chức chủ trì buổi họp báo chiều 14/11.

Về phía các đơn vị đồng hành, các nhà tài trợ có: Bà Trần Phương Loan, Chủ tịch Học viện công nghệ HUNA; bà Hoàng Phương Mai, Giám đốc vận hành Tập đoàn Hanoi Telecom, Tổng Giám đốc Học viện công nghệ Tekmonk; ông Lê Duy Quang, Giám đốc đào tạo, Học viện công nghệ Tekmonk; Kỹ sư Bùi Mạnh Tú, Giám đốc R&D của Học viện công nghệ Tekmonk; ông Nguyễn Khắc Bắc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Robot Công nghệ cao STEAM Việt Nam; bà Lê Hồng Thanh, Giám đốc đào tạo Công ty Cổ phần Robot Công nghệ cao STEAM Việt Nam; Kỹ sư Vũ Văn Quý, Công ty cổ phần phát triển giáo dục KidsCode; ông Phan Văn Cường – Giám đốc Công ty TNHH Thanh Chương (ERAS); bà Nguyễn Thị Minh Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Vinamika Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Quân - Trưởng phòng Kinh Doanh, Công ty cổ phần dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam; ông Phạm Văn Tư – Giám đốc Kinh doanh Miền Bắc, Công ty Cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà.

Mở đầu buổi họp báo, Nhà báo Phùng Công Sưởng cho biết, cuộc thi Vô địch Quốc gia STEM, AI và Robotics 2024 là một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào học tập và ứng dụng STEM vào đời sống. Sự kiện này không chỉ là sân chơi khoa học công nghệ dành cho học sinh mà còn là một hành trình kết nối tri thức, lan tỏa niềm đam mê khoa học - công nghệ và khuyến khích thế hệ trẻ Việt Nam không ngừng tìm tòi, sáng tạo.

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức cuộc thi phát biểu tại buổi họp báo.

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức cuộc thi phát biểu tại buổi họp báo.

“Ban Tổ chức tin rằng cuộc thi sẽ tạo ra những tác động tích cực, đẩy mạnh phong trào học tập nghiên cứu khoa học công nghệ học đường, qua đó góp phần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, khẳng định vai trò tiên phong của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc dẫn dắt phong trào thanh thiếu niên, đưa khoa học và công nghệ tiếp cận gần gũi với thế hệ trẻ”, ông Sưởng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Sưởng, Cuộc thi với chủ đề “Nông nghiệp xanh - Phát triển bền vững” cùng các giải pháp công nghệ, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa nhằm giải quyết các thách thức trong sản xuất nông nghiệp. Đây là một chủ đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc hướng đến sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu kép vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa bảo vệ môi trường nhờ ứng dụng khoa học công nghệ.

Với nhiều nội dung thi và các bảng đấu đa dạng, thiết thực, cuộc thi là cơ hội để hàng ngàn học sinh trên cả nước được trải nghiệm, khám phá và áp dụng các kiến thức về lập trình, điều khiển robot và phát triển tư duy sáng tạo.

Ông Hoàng Vân Đông, giảng viên Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Điện lực – Giám đốc chuyên môn cuộc thi giới thiệu cuộc thi có các giải đấu với 5 chủ đề gồm: Nông nghiệp xanh - Phát triển bền vững; Năng lượng xanh; Robot giao hàng thông minh; Trường học tương lai; Rapid Relay.

Bà Hoàng Phương Mai, Giám đốc Vận hành Tập đoàn Hanoi Telecom đồng thời là Tổng Giám đốc Học viện Công nghệ Tekmonk, đơn vị tổ chức giải đấu Tekmonk cho biết sẽ đồng hành, hỗ trợ học sinh thi đấu.

Bà Hoàng Phương Mai, Giám đốc Vận hành Tập đoàn Hanoi Telecom đồng thời là Tổng Giám đốc Học viện Công nghệ Tekmonk, đơn vị tổ chức giải đấu Tekmonk cho biết sẽ đồng hành, hỗ trợ học sinh thi đấu.

Đại diện các đơn vị đồng hành cuộc thi, bà Hoàng Phương Mai, Giám đốc Vận hành Tập đoàn Hanoi Telecom đồng thời là Tổng Giám đốc Học viện Công nghệ Tekmonk, đơn vị tổ chức giải đấu Tekmonk cho biết, đơn vị là tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ viễn thông trong nhiều năm qua và có mong muốn phát triển mạnh mẽ ở lĩnh vực giáo dục. Đây là giải đấu này dành cho tất cả học sinh. Trong thế giới công nghệ phát triển như hiện nay, các em cần được làm quen với lập trình, công nghệ để hội nhập. “Ngoài các giải thưởng trao tặng học sinh xuất sắc, đơn vị sẽ đồng hành, hỗ trợ để đưa các em thi đấu các giải quốc tế”, bà Phương Mai nói.

Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí đặt ra nhiều câu hỏi với Ban tổ chức về giải thưởng, sự đồng hành, hỗ trợ để các em học sinh dự thi và có sự phát triển lâu dài.

Đại diện Ban tổ chức khẳng định, giáo dục STEM là hoạt động không mới trong các trường học. Hiện nay, các cuộc thi có quy mô nhỏ đã được tổ chức ở các địa phương; các trường học cũng tổ chức hoạt động để các em làm quen.

Thí sinh dự cuộc thi lần này, Ban tổ chức có phương án đón tiếp chu đáo như, bố trí chỗ ăn, ở, nghỉ ngơi để các em thi đấu.

Tạo môi trường cho học sinh sáng tạo

Anh Lê Hải Long, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội T.Ư cho rằng, cuộc thi VSAR 2024 tạo môi trường cho học sinh sáng tạo.

Anh Lê Hải Long, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội T.Ư cho rằng, cuộc thi VSAR 2024 tạo môi trường cho học sinh sáng tạo.

Anh Lê Hải Long, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội T.Ư khẳng định, từ sáng kiến của báo Tiền Phong, lần đầu tiên cuộc thi STEM có quy mô rộng lớn trên toàn quốc.

“Chúng tôi đánh giá chương trình ý nghĩa, phù hợp, với nội dung trọng tâm được T.Ư Đoàn và Bộ GD&ĐT phối hợp trong thời gian qua. Tổ chức hoạt động STEM cũng nhằm mong muốn tạo môi trường để học sinh Việt Nam thỏa sức sáng tạo”, anh Long nói.

Cô Lê Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ, nhà trường có học sinh dự thi 4 mảng với mong muốn được tham gia sân chơi, được tiếp thêm niềm đam mê nghiên cứu khoa học, tạo động lực cho các em hội nhập. “Là trường chất lượng cao, nhà trường thẩm thấu giáo dục STEM nên xây dựng chiến lược phát triển, định hướng nội dung này ngay từ đầu năm học. Còn các địa phương, có điều kiện đến đâu, sẽ làm dần đến đó tuy nhiên cần có cuộc cách mạng để học sinh được học gắn liền với hành, tiếp cận công nghệ”, bà Nguyệt nói.

Cơ hội lớn cho học sinh tham gia

Dự lễ họp báo, ông Phạm Quốc Toản, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá, nội dung cuộc thi đúng và trúng trong bối cảnh triển khai chương trình GDPT 2018. Năm nay là năm học rất đặc biệt, khi các cấp, tiểu học, THCS – THPT hoàn tất lộ trình cơ bản chương trình mới. Trong đó, STEM không phải là môn học nhưng là giải pháp, phương thức kết hợp kiến thức, kỹ năng từ các môn học khác để học sinh có thể vận dụng một cách sáng tạo những gì được học vào thực tiễn. Đây là mục tiêu rất lớn của chương trình mới đó là, giáo dục không chỉ truyền thụ kiến thức lý thuyết mà còn rèn kỹ năng, năng lực cho học sinh.

Ông Phạm Quốc Toản, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, cuộc thi là cơ hội lớn cho học sinh thử sức.

Ông Phạm Quốc Toản, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, cuộc thi là cơ hội lớn cho học sinh thử sức.

Cũng theo ông Toản, thời gian qua, nội dung này đã ngành Giáo dục Hà Nội đã chỉ đạo, triển khai rất mạnh trong các nhà trường, từ các trường công lập điều kiện khó khăn đến các trường tư thục, đều khắc phục tồn tại để có giải pháp để triển khai. Các đơn vị mạnh phải kể đến như: Cụm các trường ở quận Hai Bà Trưng; quận Hà Đông, cụm các trường tư thục ở Long Biên.

“Chúng tôi thấy, cuộc thi là cơ hội lớn cho học sinh thử sức. Hi vọng, cuộc thi sẽ có sự lan tỏa để đông đảo các em được tham gia”, ông Toản nói.

Chia sẻ tại buổi họp báo, anh Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Bộ Khoa học Công nghệ cũng cho rằng, ý nghĩa của giáo dục STEM vô cùng to lớn đó là công cụ bồi đắp tư duy cho học sinh. Các em tham gia trải nghiệm STEM sau này không phải đều trở thành nhà khoa học, mà được hoạt động, rèn tư duy, nhen nhóm niềm đam mê. Để lan tỏa niềm yêu thích hoạt động này, vai trò của các nhà trường, các đơn vị rất quan trọng.

“Cảm ơn báo Tiền Phong và Ban tổ chức cuộc thi đã tổ chức cuộc thi vô cùng ý nghĩa. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành để thúc đẩy giáo dục STEM trong các trường học”, anh Bách nói.

Mong muốn trở thành nhà vô địch

Em Hoàng Nam Anh, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam hào hứng khi tham gia cuộc thi.

Em Hoàng Nam Anh, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam hào hứng khi tham gia cuộc thi.

Là thí sinh tham gia dự thi, em Hoàng Nam Anh, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam cho biết, em từng được học lập trình, làm một số dự án nhỏ như robot tưới cây tự động và bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của robot. Đăng ký tham gia cuộc thi, em được sự ủng hộ của bố mẹ. Ngoài ra, ở trường còn có các CLB về Robotics để học sinh thực hành. Đăng ký dự thi, em mong muốn trở thành nhà vô địch.

VSAR 2024 là một trong những hoạt động hưởng ứng ngày hội STEM Quốc gia, do báo Tiền Phong, Hội đồng đội T.Ư tổ chức; chuyên trang Hoa Học Trò trực thuộc báo Tiền Phong, Công ty Cổ phần Tiền Phong và Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp thực hiện.

Sân chơi STEM đẳng cấp cho học sinh phổ thông

Từ lâu, giáo dục STEM đã được các nhà khoa học và giáo dục đánh giá cao vì khả năng xây dựng tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và phát triển kiến thức liên ngành.

Robot trình diễn tại họp báo.

Robot trình diễn tại họp báo.

Đặc biệt, khi học sinh được học tập, trải nghiệm theo nhóm trong môi trường thực hành như lập trình robot và điều khiển các hệ thống tự động, các em sẽ được khơi dậy sức sáng tạo, phát triển các kỹ năng mềm, hiểu sâu hơn về cách mà khoa học và công nghệ phục vụ cho cuộc sống.

Ban tổ chức tặng cây xanh, truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường, vì một thế giới xanh tới khách mời, đại biểu dự chương trình.

Ban tổ chức tặng cây xanh, truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường, vì một thế giới xanh tới khách mời, đại biểu dự chương trình.

Cuộc thi sẽ bao gồm nhiều vòng thi thử thách, phù hợp với từng độ tuổi và trình độ của học sinh. Tại sân chơi này, các đội thi không chỉ cạnh tranh để giành các danh hiệu mà còn có cơ hội được chọn để tham gia các cuộc thi quốc tế về STEM, AI, Robotics, góp phần nâng cao vị thế của học sinh Việt Nam trên bản đồ giáo dục khoa học công nghệ toàn cầu.

Cuộc thi cũng góp phần truyền cảm hứng về ứng dụng của công nghệ trong cuộc sống hàng ngày, từ đó giúp các em hiểu rõ hơn về vai trò của khoa học và công nghệ trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nội dung thi đấu phong phú và đa dạng

Cuộc thi Vô địch Quốc gia STEM, AI và Robotics năm nay bao gồm 5 giải đấu chính, mỗi giải có chủ đề độc đáo xoay quanh những lĩnh vực thực tiễn, thiết thực như nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, vận chuyển thông minh và sáng tạo tương lai. Các giải đấu được thiết kế để thử thách kiến thức, kỹ năng của học sinh, từ lập trình và điều khiển robot thực tế cho đến việc phát triển các ứng dụng phần mềm sáng tạo.

Thời gian và cách thức đăng ký

Ban Tổ chức Cuộc thi Vô địch Quốc gia STEM, AI và Robotics 2024 nhận đơn đăng ký dự thi từ nay đến hết ngày 10/12/2024. Học sinh quan tâm có thể đăng ký tham gia qua website chính thức của cuộc thi tại địa chỉ https://vsar.vn. Các đội thi sẽ được phân vào các bảng đấu phù hợp với độ tuổi và trình độ. Thời gian diễn ra vòng chung kết của cuộc thi sẽ là ngày 21/12/2024, tại Cung Thể thao Quần Ngựa, TP. Hà Nội.

Giải thưởng trị giá hơn 1 tỷ đồng

Ông Bùi Văn Phượng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tiền Phong, Phó trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, với mục tiêu khuyến khích tinh thần sáng tạo và học tập của học sinh, Ban tổ chức đã xây dựng một hệ thống giải thưởng phong phú cho các đội xuất sắc tại mỗi giải đấu. Tổng giá trị giải thưởng bằng tiền mặt và hiện vật gần 500 triệu đồng và hơn 600 triệu học bổng của các học viện, các hãng công nghệ.

Các đơn vị đồng hành, thực hiện các giải đấu: Học viện Công nghệ HUNA, Học viện Công nghệ Tekmonk, Công ty Cổ phần Robot Công nghệ cao STEAM Việt Nam, Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục KidsCode

Giải Vô địch Quốc gia STEM, AI và Robotics (VSAR): Chủ đề “Nông nghiệp xanh - Phát triển bền vững”, các đội sẽ phải xây dựng một robot có khả năng thực hiện các thao tác lấy hạt giống, di chuyển và gieo hạt vào các ô quy định. Đây là một thách thức thực tế giúp học sinh hiểu rõ về ứng dụng của robot trong việc cải thiện quy trình sản xuất nông nghiệp và phát triển các mô hình nông nghiệp thân thiện với môi trường.

IYRC Việt Nam 2024: Với chủ đề “Năng lượng xanh”, giải đấu sẽ bao gồm nhiều bảng thi khác nhau như thi đấu đá bóng robot, robot vận hành bằng năng lượng tái tạo và sáng tạo mô hình robot. Học sinh sẽ được tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng sạch.

Giải vô địch MakeX: Chủ đề “Robot giao hàng thông minh” thử thách các đội thi lập trình và điều khiển robot thực hiện các nhiệm vụ vận chuyển và giao hàng trong mô hình chuỗi cung ứng. Chinh phục thử thách này giúp học sinh hiểu hơn về vai trò của robot trong lĩnh vực vận tải và logistics, tìm giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Giải Vô địch Tekmonk Coding Olympiad: Đây là giải đấu lập trình sáng tạo cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 với chủ đề “Trường học tương lai”. Các đội thi sẽ vận dụng kỹ năng lập trình để phát triển các phần mềm sáng tạo, ứng dụng trong học tập và cuộc sống. Với các thử thách này, học sinh có thể tự do sáng tạo, thiết kế và hoàn thiện những sản phẩm của riêng mình.

Giải Vô địch Robot ảo - ViRC: Chủ đề “Rapid Relay” thử thách kỹ năng lập trình robot ảo với nhiệm vụ bắn bóng vào các mục tiêu trên sa bàn. Giải đấu này sử dụng nền tảng robot ảo, cho phép học sinh không có điều kiện về thiết bị thực tế vẫn có thể tham gia thử sức, phát triển kỹ năng lập trình và làm quen với công nghệ mô phỏng ảo.

Bài Hà Linh. Ảnh: Trọng Tài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hop-bao-cuoc-thi-vo-dich-quoc-gia-stem-ai-va-robotics-2024-post1691554.tpo