Hộp đêm ở Anh rục rịch trở lại sau 16 tháng đóng cửa
Tại Anh, sau 16 tháng đóng cửa và rất nhiều các tổn thất nặng nề khác của Covid-19, các dịch vụ về đêm đang rục rịch mở cửa trở lại.
Theo Bloomberg, dưới tác động của Covid-19, cứ 8 hộp đêm tại Anh thì có một nơi phải đóng cửa trước. Con số này còn khả năng tăng lên trong thời gian tới. Mặc dù chính phủ Anh sắp có thông báo về việc khởi động lại các sự kiện lớn từ ngày 19/7, dịch Covid-19 vẫn là tác nhân gây trở ngại lớn cho quá trình phục hồi của các hộp đêm này.
Ngành công nghiệp giải trí về đêm của Anh đóng góp 66 tỷ bảng Anh (91 tỷ USD) mỗi năm cho nền kinh tế nước này, tuyển dụng 1,3 triệu lao động làm việc trong các quán bar, nhà hàng, festival... Một hệ sinh thái các dịch vụ khác như kỹ thuật âm thanh - ánh sáng, thiết kế và quảng bá chương trình cũng dựa nhiều vào các hoạt động giải trí về đêm.
Nỗ lực để tồn tại
Anh là một trong những nước dẫn đầu trong ngành công nghiệp hộp đêm, là quê hương của 12 trong tổng số 100 hộp hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, vị thế dẫn đầu này đang bị ảnh hưởng bởi các tác động của Covid-19. Theo một khảo sát của YouGov vào tháng 7, ít nhất một phần tư người Anh vẫn cảm thấy e ngại khi tham gia các sự kiện trực tiếp như hòa nhạc hay lễ hội.
Một số thành viên thuộc Quốc hội Anh đã cảnh báo rằng sự biến mất của các hộp đêm có thể cản trở phục hồi kinh tế của nước này. Kể từ khi bị buộc phải đóng cửa từ đầu năm 2020, doanh thu của các hộp đêm chỉ bằng 20% thời điểm trước dịch. Hơn một nửa số nhân viên đã bị cho thôi việc.
Cố vấn Thị trưởng London, bà Amy Lamé, khẳng định: “Chúng tôi không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của văn hóa về đêm, không chỉ vì văn hóa này cung cấp việc làm cho thành phố mà còn bởi sức hút của nó với du khách. Văn hóa về đêm là một phần không thể thiếu đối với thành công London".
Hy vọng của anh Yousef Zaher, một DJ tại Liverpool, đã bị dập tắt sau khi chính phủ kéo dài lệnh giãn cách thêm 1 tháng, từ ngày 21/6 sang ngày 19/7. Anh cho biết: “Bốn tuần với tôi là quá dài, vì sức hút của các đại nhạc hội ngoài trời đến từ việc người tham dự truyền tai nhau. Tôi vốn là người lạc quan và tích cực, vậy mà khi nghe tin này, tôi vẫn hoàn toàn sụp đổ”.
Rục rịch trở lại
Trong khi các nhà hàng đã được mở cửa trở lại từ tháng 4, các hộp đêm và nhạc hội trực tiếp hầu như vẫn bị cấm trong đại dịch. Khi nhận được thông báo chính phủ Anh dự kiến sẽ cho phép mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 21/6, nhiều đơn vị đã bắt đầu bán vé, sau đó lại phải hoàn tiền và hủy bỏ các công tác chuẩn bị khi lệnh giãn cách được kéo dài.
Việc không được kinh doanh mà vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng đã đẩy hầu hết hộp đêm vào cảnh vật lộn với những khoản nợ khổng lồ.
Michael Kill, giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Giải trí về đêm Anh Quốc, cho biết: một số hộp đêm có nguy cơ phá sản ngay cả khi của chính phủ dự kiến dỡ bỏ hạn chế từ ngày 19/7.
Một số khác lại đang oằn mình khi nhân viên liên tục rời đi để tìm công việc khác ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch hơn. Làn sóng người lao động di cư sang Liên minh châu Âu cũng làm tình hình bất ổn thêm. Ông Kill cho biết nếu tiếp tục dời lịch tái mở cửa hay tiếp tục giãn cách, nước Anh có nguy cơ chứng kiến sự sụp đổ của một ngành công nghiệp.
Nhiều dấu hiệu cho thấy người ta sẽ quay trở lại các sự kiện lớn khi được phép, từ việc lượng vé đặt trước tăng cao cho đến việc nhiều show diễn cháy vé chỉ trong thời gian ngắn. Bà Sacha Lord, cố vấn trong ngành giải trí về đêm tại Manchester, cho biết: “Nhu cầu ra ngoài giải trí của mọi người đang rất cao. Người ta muốn tìm lại cảm giác tự do thông qua việc đến hộp đêm hay xem biểu diễn trực tiếp”.
Hiện tại, nhiều địa điểm sắp sửa được mở cửa trở lại đang dùng khoản ngân sách cuối cùng vào việc chuẩn bị. Ông Jeremy Joseph, chủ sở hữu của Heaven Bar cho biết: “Việc chúng tôi đang làm là cắt lỗ chứ không phải kiếm tiền. Năm ngoái, chúng tôi đã chủ động đóng cửa Heaven để đảm bảo an toàn. Chúng tôi đã hành động trước cả chính phủ. Thế mà hiện tại chúng tôi lại phải trả giá cho những sai lầm lặp đi lặp lại của chính phủ”.