Hộp đen và lỗ hổng sân bay - cựu chủ tịch Nissan đào tẩu ngoạn mục
Cựu chủ tịch Nissan được cho đã đi tàu điện, ôtô và trốn trong hộp đen để lên máy bay đào tẩu khỏi Nhật Bản. Kế hoạch này được hỗ trợ bởi hàng chục người từ nhiều quốc gia.
Cảnh quay từ camera an ninh cho thấy cựu chủ tịch tập đoàn ôtô Nissan Carlos Ghosn đã rời nhà ở Tokyo vào ngày 29/12/2019, gặp hai người đàn ông được cho là cộng sự, và đi đến Osaka bằng tàu cao tốc shinkansen trước khi bay khỏi Nhật Bản từ sân bay quốc tế Kansai cùng ngày.
Văn phòng Công tố viên quận Tokyo và Sở Cảnh sát Thủ đô đã cùng nhau ghép nối cảnh quay từ camera an ninh về những nơi ông Ghosn đã đi qua để xác định được chính xác hành tung của cựu chủ tịch Nissan.
Vụ đào tẩu công phu
Hàng chục người ở nhiều quốc gia đã tham gia vào quá trình chuẩn bị, bao gồm cả thực hiện khảo sát chi tiết về các sân bay trên khắp Nhật Bản. Sau đó, họ đã tìm thấy lỗ hổng an ninh tại sân bay Kansai.
Nhóm này cũng chi hàng trăm nghìn USD để điều tra điểm nhập cảnh tại Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan nhằm phục vụ cuộc đào tẩu, theo New York Times.
Quá trình chuẩn bị được thực hiện bí mật. Ngay cả thành viên của nhóm cộng sự cũng không biết danh tính của ông Ghosn hay khi nào vụ đào tẩu diễn ra.
Nikkei Asian Review dẫn nguồn thạo tin cho biết ông Ghosn một mình rời khỏi nhà riêng từ khu Minato ở Tokyo lúc 14h30. Sau đó, ông gặp hai người đàn ông - được xác định là không phải người Nhật, tại một khách sạn ở khu vực này.
Đến 15h30, ba người đàn ông lên tàu Tokaido Shinkansen tại ga Shinagawa ở Tokyo. Họ đến ga Shin-Osaka vào khoảng 19h30 và đổi sang một chiếc ôtô. Đến khoảng 20h, họ làm thủ tục nhận phòng tại một khách sạn gần sân bay Kansai.
Hai cộng sự rời khỏi khách sạn trước 22h, mang theo một hộp lớn và hộp đựng nhạc cụ. Cảnh quay từ camera an ninh không cho thấy ông Ghosn đi cùng họ. Hai người đàn ông đi đến sân bay Kansai và lên một chiếc máy bay phản lực riêng, cất cánh lúc 23h10.
Ông Ghosn được cho đã trốn trong hộp và lên máy bay phản lực. Hành lý của hai người cộng sự không được quét X-quang tại sân bay Kansai, theo nguồn tin của Nikkei Asian Review.
Luật hàng không Nhật Bản quy định các hãng hàng không có trách nhiệm thực hiện kiểm tra an ninh hành lý để tránh việc đồ vật gây hại được mang lên máy bay. Các hãng hàng không thường thuê công ty bảo an làm công việc này. Nhóm công tố viên Tokyo đang điều tra những gì đã xảy ra tại sân bay Kansai ngày hôm đó.
Akira Taniguchi, quan chức hải quan tại sân bay Kansai cho biết quá trình kiểm tra hành lý được thực hiện qua hai giai đoạn. Đầu tiên, công ty an ninh tư nhân sử dụng tia X và các thiết bị khác để xác định hành lý có dao hoặc súng không.
Ở giai đoạn hai, máy X-quang, máy dò kim loại, máy dò ma túy và chó đặc vụ sẽ kiểm tra xem hành lý có chứa thực phẩm hoặc các chất cấm hay không.
Khi được hỏi ông Ghosn có thực hiện các bước này không, ông Taniguchi từ chối bình luận.
Máy bay riêng được cho chở ông Ghosn và cộng sự do hãng Bombardier của Canada chế tạo. Hãng này quảng cáo máy bay có một "khoang hành lý có thể tiếp cận an toàn trong suốt chuyến bay".
Trang web của hãng này mô tả thiết kế của máy bay cho phép di chuyển tự do giữa khoang hành khách và khoang hành lý để "vật dụng cá nhân luôn trong tầm tay".
Cựu chủ tịch Nissan và hai cộng sự được cho đã bay tới Thổ Nhĩ Kỳ. Từ Istanbul, ông Ghosn được cho là đã lên một chiếc máy bay nhỏ hơn và đến Beirut, Lebanon vào ngày 30/12/2019. Hai người đàn ông đã giúp cựu chủ tịch hiện không ở Nhật Bản, theo nguồn thạo tin.
Wall Street Journal đã công bố bức ảnh về hộp đen lớn mà ông Ghosn được cho đã sử dụng trong vụ đào tẩu. Chiếc hộp có các lỗ khoan vào đáy để đảm bảo ông Ghosn có không khí để thở. Còn hộp thứ hai chứa nhạc cụ.
Rắc rối pháp lý ở nhiều quốc gia
Dù hiện cựu chủ tịch Nissan dường như nằm ngoài tầm với của Nhật Bản, ông Ghosn lại có thể bị rắc rối pháp lý bủa vây ở nơi khác.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire tuyên bố với báo giới rằng ông Ghosn sẽ bị Pháp điều tra. "Khi một người bị xét xử, người đó không thể trốn tránh công lý", ông Le Maire nói.
Cựu chủ tịch Nissan, đồng thời là cựu chủ tịch và CEO hãng sản xuất ôtô Renault của Pháp, bị nghi ngờ sử dụng 11 triệu euro (12,3 triệu USD) để tư lợi từ công ty liên doanh có trụ sở tại Hà Lan. Công ty này có nhiệm vụ điều hành liên minh giữa Nissan và nhà sản xuất ôtô của Pháp. Chính phủ Pháp được cho đang điều tra về các khoản chi đáng ngờ.
Điều tra viên cũng nhận được hai cáo buộc khác từ hãng Renault liên quan đến các khoản thanh toán đáng ngờ cho một đại lý ôtô của Oman và sử dụng tiền của Renault nhằm mục đích tài trợ cho bữa tiệc tại Versailles. Ngôi nhà của ông Ghosn tại Pháp đã bị lục soát vào năm 2019 vì cáo buộc thứ hai.
Trong khi đó, tại Lebanon, một nhóm luật sư đã đệ đơn khiếu nại cho rằng cựu chủ tịch Nissan nên bị truy tố vì từng nhiều lần tới Israel, kẻ thù truyền kiếp của Beirut. Nếu bị xét xử và kết án, ông Ghosn có thể sẽ phải ngồi tù.
Chính quyền Lebanon dự kiến thẩm vấn cựu chủ tịch Nissan về vụ đào tẩu khỏi Nhật Bản vào ngày 7/1 và 8/1, trong bối cảnh Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đã phát "thông báo đỏ" yêu cầu bắt giữ ông.
Trả lời Fox Business, cựu chủ tịch Nissan tuyên bố có "bằng chứng thực tế" và các tài liệu chứng minh rằng ông đã bị lật đổ theo âm mưu hất cẳng ông khỏi vị trí điều hành Nissan.
Ông Ghosn dự kiến điểm mặt chỉ tên nhiều nhân vật, bao gồm cả các quan chức chính phủ Nhật Bản, mà ông tin rằng đã đứng sau vụ bắt giữ năm 2018 liên quan đến cáo buộc sai phạm tài chính. Cựu chủ tịch Nissan tin rằng "họ muốn đưa ông ra khỏi ghế lãnh đạo" bởi vì ông sẽ hợp nhất Nissan và Renault.
Yoshihide Suga, Chánh Văn phòng Nội các của Nhật Bản, cho rằng với tư cách một chính phủ, để cho cuộc đào tẩu này diễn ra là điều "cực kỳ đáng tiếc". Ông tuyên bố điều quan trọng là tìm ra chính xác cách cựu chủ tịch Nissan rời khỏi Nhật Bản.
"Điều quan trọng là phải có biện pháp để những điều tương tự không xảy ra trong tương lai", ông nói và cho biết thêm chính phủ Nhật sẽ sử dụng tất cả các phương tiện ngoại giao để bảo đảm dẫn độ được ông Ghosn.