Họp khẩn cấp ứng phó với khách hàng Mỹ, EU hủy đơn hàng

Chỉ trong ba ngày từ 16 đến 18-3, một số khách hàng lớn từ EU và Mỹ đều có thông báo tiêu cực đối với các doanh nghiệp sản xuất dệt may Việt Nam.

Trước diễn biến quá nhanh của thị trường, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã khẩn cấp họp trực tuyến với một số lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp (DN) thành viên để kịp thời có phương án ứng phó.

Nhận định chung do các lãnh đạo DN thành viên báo cáo về tập đoàn, dịch COVID-19 lan rộng tại EU và Mỹ khiến chính phủ các nước buộc phải ra giải pháp quyết liệt đóng cửa biên giới, khuyến cáo công dân không ra nước ngoài, hạn chế di chuyển trong nước, đóng cửa các trung tâm thương mại, hủy bỏ các sự kiện thu hút đông người…

Chỉ trong ba ngày từ 16 đến 18-3, một số khách hàng lớn từ EU và Mỹ đều có thông báo tiêu cực đối với các DN sản xuất dệt may Việt Nam.

Chỉ trong ba ngày từ 16 đến 18-3, một số khách hàng lớn từ EU và Mỹ đều có thông báo tiêu cực đối với các DN sản xuất dệt may Việt Nam.

Tình hình trên khiến chỉ trong ba ngày từ 16 đến 18-3, một số khách hàng lớn từ EU và Mỹ đều có thông báo tiêu cực đối với các DN sản xuất dệt may trong nước. Xu hướng chính là giãn thời gian giao các đơn hàng tới 3-4 tháng để trông chờ thị trường phục hồi. Ngoài ra, một số mặt hàng mang tính mùa vụ, kinh doanh trong tháng 3, tháng 4 rất khó khăn thì khách hủy đơn hàng.

Số lượng đơn hàng bị hủy tương đương với năng lực sản xuất của nhiều đơn vị lên tới một nửa tháng sản xuất, tương ứng 3%-3,5% sản lượng của cả năm 2020.

Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Vinatex - ông Lê Tiến Trường nêu giải pháp, trong tháng 3, tháng 4-2020 các DN trong tập đoàn sẽ sản xuất phục vụ thị trường trong nước, sản xuất mặt hàng phòng dịch. Đồng thời tiến hành đàm phán với khách hàng để tránh tối đa thiệt hại. Đàm phán với nhà cung cấp để lùi thời gian thanh toán tiền nguyên phụ liệu. Cân đối dự phòng tài chính để có thể trả lương và duy trì sản xuất thất thường. Tạm dừng các dự án đầu tư trong năm 2020.

"Trước mắt, DN không tăng giờ làm, cho người lao động nghỉ hai ngày/tuần, trong trường hợp khó khăn hơn nữa thì phải giảm số ngày làm việc của người lao động, cả lãnh đạo và công nhân đều chia sẻ giảm thu nhập nhưng vẫn phải đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu theo luật định, trên tinh thần cùng nhau gắn bó vượt qua điểm đáy của thị trường. Đề nghị các lãnh đạo DN làm tốt công tác tư tưởng cho CBCNV. Kêu gọi đội ngũ đồng tâm một lòng cùng DN vượt khó khăn" - ông Trường nói.

Cho tới thời điểm này, chưa thể biết chắc khi nào thế giới sẽ kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh, do đó các lãnh đạo DN thành viên Vinatex thống nhất kiến nghị với Chính phủ cho các DN được miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn trong năm 2020, để tạo dòng tiền giúp DN có thể thu xếp trả lương cho người lao động trong điều kiện thiếu việc làm.

Kiến nghị Chính phủ cho phép các DN được tổ chức sản xuất, xuất khẩu mặt hàng phục vụ phòng dịch để trang trải một phần năng lực sản xuất trống trong thời đoạn khó khăn này.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/hop-khan-cap-ung-pho-voi-khach-hang-my-eu-huy-don-hang-898409.html