Hợp lý và sát thực

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập có hiệu lực thi hành.

Những điểm mới nổi bật của thông tư này đã mang lại niềm vui cho hàng triệu giáo viên trên cả nước.

Giờ học nhận biết các đồ vật của cô và trò trường Mầm non Trung Tự, quận Đống Đa. Ảnh Thanh Hải

Giờ học nhận biết các đồ vật của cô và trò trường Mầm non Trung Tự, quận Đống Đa. Ảnh Thanh Hải

Những điều chỉnh nhân văn cho nghề giáo

Bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo hạng của giáo viên các cấp là nội dung thu hút được nhiều sự chú ý nhất tại Thông tư 08. Quy định mới đã ấn định một loại chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) theo từng loại giáo viên (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) thay vì theo các hạng (hạng 1, hạng 2, hạng 3 hoặc hạng 4). Thông tư cũng lưu ý, giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu, giáo viên Tiểu học thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nội dung trên làm nhẹ lòng cô cũng như hàng triệu giáo viên đang thấp thỏm hoặc nuôi ý định đi học chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN để được xét thăng hạng.

Cô Hoài Thu trở thành giáo viên tiểu học từ năm 1998. Năm 2014, sau 16 năm dạy hợp đồng, cô được tuyển dụng chính thức và trở thành giáo viên hạng IV. Năm 2010, sau khi có bằng Cao đẳng sư phạm, cô đi học lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN với phí 3 triệu đồng trong thời gian 3 tháng để phục vụ việc xét thăng hạng giáo viên hạng 3. Sau khi lấy bằng Đại học sư phạm, cô đang chờ có lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN hạng 2 để đi học.

“Tôi không học hỏi thêm được gì nhiều từ việc học chứng chỉ này. Thật may mắn, thời gian tới giáo viên sẽ không phải đi học những lớp học mang tính hình thức như này…” - cô Hoài Thu tâm sự.

Tương tự, thầy Ngô Văn, giáo viên THCS tại quận Nam Từ Liêm cũng đang có ý định đăng ký lớp học CDNN hạng 2. Khi biết quy định mới chỉ cần một chứng chỉ CDNN, thầy Văn rất mừng vì nhìn bạn bè anh đi học chứng chỉ trong vật vã, nhiều người còn có tư tưởng “học cho xong” dẫn đến không thu nạp được kiến thức hữu ích sau khóa học.

Nhìn nhận 6 nội dung điều chỉnh, bổ sung tại Thông tư 08 so với chùm Thông tư 01- 04/2021, nhà giáo Hoàng Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Chương, quận Đống Đa bày tỏ: “Thông tư mới đã giảm bớt một số thủ tục không cần thiết, trong đó có việc thi CDNN nhiều lần, điều này là cần thiết, giúp giảm lược thủ tục cho giáo viên. Ngoài ra, Thông tư mới có nội dung hỗ trợ rất tốt cho giáo viên mầm non như giảm từ 9 năm giữ hạng 4 xuống còn 3 năm để lên hạng 3.

Theo Nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân, giữa nhiều điểm mới của Thông tư 08, ông quan tâm nhất đến việc không yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sỹ. Điều này cho thấy Bộ GD&ĐT đã nắm bắt kịp thời tâm tư của đội ngũ, rà soát lại quy định về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS trên cơ sở nghiên cứu yêu cầu của việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục cấp tiểu học và THCS.

Bộ GD&ĐT nhận thấy rằng, với yêu cầu giảng dạy, cung cấp các kiến thức cơ bản và nền tảng, việc quy định giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sĩ là không cần thiết mà chỉ cần trình độ đại học.

Trước đó, tại chùm Thông tư 01-04/2021, Bộ GD&ĐT đã bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp và bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ thứ hai đối với giáo viên dạy ngoại ngữ; chuyển từ quy định cứng về chứng chỉ sang quy định mềm về “khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao" và "có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ".

Vẫn còn băn khoăn

Bên cạnh nhiều giáo viên đọc kỹ, nghiên cứu chi tiết những điểm mới của Thông tư 08, không ít giáo viên nhầm tưởng bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN theo hạng có nghĩa là không cần phải học chứng chỉ CDNN nữa. Tại Thông tư 08 nêu rõ: “Giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự”. Nghĩa là, mỗi giáo viên muốn trụ hạng hoặc thăng hạng đều phải học một chứng chỉ CDNN.

Với giáo viên tiểu học và THCS, việc đòi hỏi kiến thức không nhiều, không nặng mà yếu tố cần thiết hơn là nghệ thuật giáo dục, phương pháp giáo dục. Do vậy, nội dung điều chỉnh "không yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS hạng I phải có trình độ thạc sỹ" tại Thông tư 08 là rất đúng, rất trúng và bám sát với thực tế của ngành giáo dục hiện nay.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) Đặng Tự Ân

Liên quan đến vấn đề này, không ít giáo viên cho rằng: Trên thực tế, không nhất thiết phải có chứng chỉ CDNN mà giáo viên vẫn giảng dạy tốt. Việc bỏ ra một khoản tiền gần một tháng lương đối với những giáo viên mới ra trường để đổi lấy một CCCD cho đủ thủ tục là lãng phí, thậm chí là thừa thãi.

“Tôi mong muốn tới đây Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bỏ chứng chỉ CDNN cho giáo viên. Thay vào đó, các nội dung học chứng chỉ CDNN có thể đưa vào các trường sư phạm và xem như một học phần để sinh viên học và tham gia kỳ thi cấp chứng chỉ như nhiều học phần khác.

Điều này tránh việc thầy cô ra trường đi dạy vẫn phải tham gia đi học vì việc học đó không mang lại nhiều ý nghĩa; ngược lại còn ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy, gây tốn kém tiền bạc cho giáo viên và các nguồn lực xã hội khác”- cô Hà Thị Mai Thoa, giáo viên huyện Đông Anh chia sẻ.

Thông tư 08 điều chỉnh thời gian giữ CDNN giáo viên mầm non hạng 3 từ 9 năm xuống còn 3 năm; thời gian giữ CDNN giáo viên mầm non hạng 2 tăng từ 6 năm lên 9 năm. Mặt khác cũng quy định giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng CDNN cũ sang hạng CDNN mới.

Với nhà giáo Hoàng Thúy Nga (quận Đống Đa) thì việc bỏ yêu cầu nộp minh chứng để đạt được hạng tiếp theo cần bổ sung thêm chính sách ưu đãi cho giáo viên có nhiều cống hiến, nhiều thành tích. Cụ thể, có thể rút ngắn thời gian thăng hạng cho giáo viên, thay vì 6 năm hay 3 năm như Thông tư 08 thì rút xuống 5 năm hoặc 2 năm giống như ưu tiên tăng lương trước thời hạn. Có như vậy mới động viên, khuyến khích giáo viên phấn đấu và tạo được công bằng.

Dù còn một số ý kiến bên lề nhưng nhiều giáo viên cũng thống nhất quan điểm khi cho rằng, Thông tư 08 là "cuộc cách mạng đối với nghề giáo". Giờ đây, giáo viên được tuyển dụng không yêu cầu phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ hay chứng chỉ đào tạo bồi dưỡng các hạng cùng quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung cho các hạng CDNN; xếp lương… Những điều này mang đến giá trị cho nghề giáo nói chung và người giáo viên nói riêng.

Được biết, trước khi ban hành Thông tư 08 theo thẩm quyền, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến góp ý của nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan; trong đó phải kể đến ý kiến góp ý của 63 sở GD&ĐT với sự tham gia của gần 1,2 triệu giáo viên mầm non, phổ thông; đặc biệt là sự tham gia góp ý trực tiếp của hơn 580.000 giáo viên mầm non, phổ thông trên hệ thống TEMIS và nhận được sự đồng thuận cao đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung.
Để ổn định công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ và giúp đội ngũ giáo viên an tâm công tác, tập trung triển khai chương trình giáo dục đạt hiệu quả, các địa phương cần khẩn trương nghiên cứu các quy định điều chỉnh và hoàn thành việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập trong vòng 6 tháng kể từ ngày Thông tư số 08 có hiệu lực thi hành (tức ngày 30/5/2023).

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hop-ly-va-sat-thuc.html