Hợp nhất Bình Phước và Ðồng Nai: Xu thế - cơ hội và động lực phát triển mới

Bài 3:
KHÔNG GIAN MỚI - THỬ THÁCH MỚI - GIÁ TRỊ MỚI

BPO - Nói về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Mục tiêu sắp xếp ĐVHC các cấp là xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn; mở ra cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn ít nhất là 100 năm tới”. Đặc biệt, khi Đại hội XIV của Đảng đang đến gần - Đại hội bắt đầu của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc sắp xếp các ĐVHC là bước chuẩn bị cần thiết cho một Việt Nam hội nhập và phát triển”. Việc hợp nhất Bình Phước với Đồng Nai không ngoài mục tiêu đó. Kinh nghiệm cho thấy, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau.

Thời cơ vàng, một ngày bằng nhiều trăm năm

Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình hội nhập đã có những đổi thay khác trước. Chúng ta có hệ thống sân bay lớn, mạng lưới giao thông kết nối ngày càng hiện đại, cho phép mở rộng không gian phát triển theo chiều sâu và bề rộng. Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh không gian phát triển ngày nay không chỉ là lãnh thổ địa phương mà còn là không gian biển, không gian vũ trụ, không gian số… Vì vậy, việc sáp nhập, hợp nhất tỉnh, thành với nhau đều phải tính đến dư địa cho phát triển, hay nói cách khác là mở rộng không gian phát triển.

Sau ngày thống nhất đất nước 30-4-1975, Việt Nam có 72 ĐVHC cấp tỉnh, thành phố. Đây là con số quá lớn với một đất nước vừa thoát khỏi 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức sản xuất cũng như đời sống người dân. Bởi vậy, ngay sau ngày đất nước thống nhất, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương sáp nhập các tỉnh, giảm còn 38 đơn vị. Đến năm 2007, sau nhiều lần chia tách, số lượng ĐVHC cấp tỉnh trong cả nước tăng lên thành 64 đơn vị. Tới năm 2008, sau khi Hà Tây hợp nhất vào Hà Nội, số tỉnh, thành giảm xuống còn 63 đơn vị và duy trì ổn định cho đến hiện nay.

Cán bộ và nhân dân xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai kỳ vọng cầu Mã Đà được đầu tư xây dựng kết nối 2 tỉnh, mở ra không gian phát triển rộng lớn cho tỉnh Đồng Nai mới sau hợp nhất

Cán bộ và nhân dân xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai kỳ vọng cầu Mã Đà được đầu tư xây dựng kết nối 2 tỉnh, mở ra không gian phát triển rộng lớn cho tỉnh Đồng Nai mới sau hợp nhất

Tuy nhiên, nếu so sánh việc sáp nhập, hợp nhất các tỉnh giai đoạn sau năm 1975 và hiện nay có thể thấy, điểm giống nhau là cùng hướng tới tổ chức lại bộ máy và không gian phát triển. Tuy nhiên, điểm khác biệt là điều kiện phát triển hiện nay vượt trội, được hỗ trợ bởi nền tảng khoa học - công nghệ tiến bộ vượt bậc. Vì vậy, việc sáp nhập, hợp nhất lần này không chỉ phục vụ cho bộ máy hành chính tinh gọn mà còn tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách mạnh mẽ và bền vững.

Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chia sẻ, việc sáp nhập, hợp nhất các tỉnh, thành hiện nay nói chung và Bình Phước - Đồng Nai nói riêng không đơn thuần vì cá nhân địa phương đó, mà mang tầm mức vĩ mô toàn quốc. Qua thực tiễn 50 năm sau giải phóng, đất nước ta đã 9 lần sáp nhập và lần nào cũng đáp ứng nhu cầu phát triển có tính chất lịch sử cụ thể và lần này là lần thứ 10 trước ngưỡng cửa sau 40 năm đổi mới, yêu cầu phát triển của đất nước trong một thế giới mở, thế giới vận động hết sức mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện, với động lực là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hơn nữa, trước khi tiến hành sáp nhập, hợp nhất các tỉnh, thành, Trung ương đã thực hiện sáp nhập các bộ, ngành và đã mang lại những hiệu quả rất rõ rệt. Nhờ đó, chúng ta có một phần ngân sách thực hiện miễn học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến THPT, một chính sách nhân văn, có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống người dân. Và thực hiện sáp nhập, hợp nhất các tỉnh, thành là bước tiếp theo trong thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính. Khi 2 tỉnh được hợp nhất thành một, nghĩa là giảm được một đầu mối cấp tỉnh, đồng thời góp phần tổ chức lại hệ thống quản lý hiệu quả hơn. Việc sáp nhập, hợp nhất các tỉnh, thành sẽ tạo dư địa phát triển cho các địa phương về mọi mặt từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng - an ninh đến an sinh xã hội, cơ hội việc làm... Đây là yếu tố có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.

Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) kết nối Bình Phước sang Vương quốc Campuchia

Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) kết nối Bình Phước sang Vương quốc Campuchia

Theo Trung tướng Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng: Bình Phước và Đồng Nai đều có vị trí rất quan trọng, chiến lược về quốc phòng. Khi sáp nhập, hợp nhất thì sức mạnh này nhân lên gấp đôi, gấp ba, có sự hỗ trợ lẫn nhau. Đồng Nai là địa bàn có nhiều khu công nghiệp rất phát triển, tương đối rộng lớn, tạo nguồn nhân lực, vật lực đáp ứng cho nhiệm vụ tác chiến. Đồng Nai cũng có vị trí chiến lược bảo vệ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ từ sớm, từ xa. Bình Phước có lợi thế là tỉnh miền núi, có đường biên giới dài giáp nước bạn Campuchia. Đây là nơi có thể bố trí cơ động lực lượng, vật chất hết sức thuận lợi để khi có tình huống xảy ra tạo được yếu tố bất ngờ, cả về tác chiến và phòng thủ, hậu cần chiến lược. Quan trọng là, chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ, bố trí khu vực phòng thủ thật chặt chẽ; nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, phối hợp tác chiến của các lực lượng và khả năng xử trí tình huống tác chiến thực tế, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Mở ra không gian phát triển mới

Từ những tiềm năng, lợi thế, thời cơ và vận hội mới trong bối cảnh hội nhập hiện nay càng cho thấy, việc hợp nhất tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai sẽ tạo thế và lực mới trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; thay đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu ngành nghề; tổ chức sinh hoạt xã hội; tổ chức không gian kiến trúc xây dựng; thu hút nguồn lực đầu tư; phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ… Tỉnh Đồng Nai mới ở vị trí cửa ngõ Nam Bộ. Đồng Nai cùng với các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ tạo thành chuỗi liên hoàn, có vai trò là trọng tâm, nòng cốt phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời tạo liên kết phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ và cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn trên toàn quốc và thế giới.

Ngày 29-4, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức lễ động thổ Dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)

Ngày 29-4, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức lễ động thổ Dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)

PGS.TS Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Hội đồng Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đồng Nai cho rằng: Ngoài sự tương đồng về văn hóa, kinh tế, yếu tố truyền thống lịch sử và mục tiêu hướng biển, hợp nhất 2 tỉnh Đồng Nai - Bình Phước sẽ tạo ra sự kết nối liên thông phát triển từ cảng biển lên đến biên giới Vương quốc Campuchia. Kinh tế biên giới phát triển sẽ tạo ra không gian giao lưu kinh tế, văn hóa, xây thế trận lòng dân vững chắc, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Bởi kinh tế khu vực biên giới tốt lên thì áp lực quốc phòng - an ninh giảm. Đó là quy luật và là lợi thế của Bình Phước - Đồng Nai.

Rõ ràng việc hợp nhất 2 tỉnh, quy mô lớn hơn sẽ càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi đều có những tác động không nhỏ. Bên cạnh thời cơ, cơ hội mới, mở ra không gian phát triển rộng lớn, ngoài sự chuẩn bị những điều kiện cần thiết tương ứng, đòi hỏi phải có sự thay đổi toàn diện từ trong nhận thức đến hành động của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chính quyền mới phải hoạt động hiệu quả hơn, phải khơi dậy, thổi bùng lên được nhiệt huyết, lấy lại đà tinh thần dám nghĩ, dám làm, không sợ sai trong cán bộ, đảng viên và trách nhiệm người đứng đầu. Phải xây dựng được tổ chức hành chính mới với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và đột phá, sáng tạo. Phải làm sao để mọi người đều cảm thấy vui vẻ, thấy được mình trong đó, tránh mất đoàn kết nội bộ. Khơi gợi được các nét đẹp văn hóa, giảm những tập quán co thủ, khép kín, tư duy vùng miền…

Ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng, do đặc thù 2 tỉnh khá tương đồng về phát triển công nghiệp, sau hợp nhất, tỉnh Đồng Nai mới cần quan tâm nhiều hơn chính sách phát triển công nghiệp, đánh giá toàn diện việc thu hút, khai thác nguồn lực đầu tư phát triển các khu công nghiệp vừa qua, chú ý lựa chọn những lĩnh vực mình có tiềm năng, lợi thế và nhà đầu tư quan tâm để đầu tư phát triển. Bình Phước có tiềm năng đất đai rộng lớn, chú trọng phát triển nông nghiệp để ổn định cho phát triển của tỉnh và nâng cao đời sống nông dân, bên cạnh đó là phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao.

Tôi cho rằng, những tiềm năng, lợi thế của Bình Phước kết hợp với tiềm năng, lợi thế của Đồng Nai, khi đó sẽ có những điều chỉnh, quyết định lại mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên trước mắt cũng như lâu dài để có bức tranh phát triển hài hòa và tạo những đột phá, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để phát triển trong thời gian tới. Khi 2 tỉnh hợp thành một thì nguồn lực đầu tư sẽ lớn hơn, từ đó có điều kiện thực hiện những dự án quy mô lớn, xứng tầm hơn.

Ông PHAN VIẾT LƯỢNG
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước

Việc hợp nhất 2 tỉnh thành 1 ĐVHC mới với quy mô và tiềm năng lớn, đặt ra yêu cầu cần tập trung xử lý ngay những vấn đề có tính quyết định, mục tiêu hướng đến là nhanh chóng ổn định mọi mặt, không làm đứt gãy, gián đoạn mà vận hành hiệu quả, phát huy toàn diện các tiềm năng để tăng tốc phát triển.

Để làm được điều đó, tỉnh Đồng Nai mới cần khẩn trương thống nhất cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính từ tỉnh đến cơ sở. Việc ban hành quy chế tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị là điều kiện tiên quyết bảo đảm hoạt động thông suốt. Đồng thời, cần rà soát, đánh giá và bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức một cách công tâm, hợp lý, đúng người, đúng việc. Việc chuẩn hóa quy trình làm việc, thống nhất thủ tục hành chính toàn tỉnh, thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ nói chung mà nhất là cán bộ chủ chốt phải tiên phong, vượt khó, chú trọng năng lực điều hành phù hợp với ĐVHC mở rộng.

Cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) dài 124,13km (trong đó đoạn qua Bình Phước dài 101,03km, đoạn qua tỉnh Đắk Nông khoảng 23,1km) khi hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển rộng lớn cho tỉnh Đồng Nai mới. Trong ảnh: Lễ khởi công dự án thành phần 3 và 5 của cao tốc

Cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) dài 124,13km (trong đó đoạn qua Bình Phước dài 101,03km, đoạn qua tỉnh Đắk Nông khoảng 23,1km) khi hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển rộng lớn cho tỉnh Đồng Nai mới. Trong ảnh: Lễ khởi công dự án thành phần 3 và 5 của cao tốc

Hình mô phỏng cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Bình Phước, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)

Hình mô phỏng cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Bình Phước, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)

Ông Hà Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bình Phước cho rằng, tỉnh Đồng Nai mới cần sớm xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, làm nền tảng cho tất cả hoạt động điều hành, quản lý. Quy hoạch phải tích hợp thế mạnh và khắc phục những bất cập hiện nay của cả 2 tỉnh. Trong đó, cần xác định các ngành kinh tế mũi nhọn có tiềm năng tạo giá trị gia tăng cao; quy hoạch hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, đô thị và nông thôn theo hướng hiện đại, kết nối và bền vững. Đặc biệt, cần tính toán đồng bộ hệ sinh thái công nghiệp - logistics - đô thị để phát huy lợi thế của Sân bay quốc tế Long Thành, trục phát triển kinh tế theo quốc lộ 13, hai tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) - Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông). Trước mắt, tập trung tuyến kết nối Bình Phước - Đồng Nai qua cầu Mã Đà. Đây là tuyến đường quan trọng trong giao thông nội tỉnh và kết nối khu vực, là tuyến đường ngắn nhất, có lợi nhất cho việc đi lại của người dân.

Nhiều cơ hội mới

Với định hướng hợp nhất các ĐVHC cấp tỉnh và thực tế cũng cho thấy, hàng loạt cơ hội sẽ mở ra trên nhiều phương diện nhờ không gian phát triển. Theo đó, việc phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương hứa hẹn sẽ đa dạng và phong phú.

Tài nguyên đất đai rộng lớn, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, Bình Phước có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái

Tài nguyên đất đai rộng lớn, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, Bình Phước có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, việc sáp nhập, hợp nhất 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai là hướng tới sự phát triển bền vững và quản lý hiệu quả hơn. Đồng thời, giúp tinh gọn bộ máy hành chính, giảm bớt các đơn vị trung gian, từ đó cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả quản lý nhà nước. Tinh gọn tổ chức bộ máy, đảm bảo quy mô quản lý phù hợp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng hoạt động của bộ máy hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Điều này cũng tạo điều kiện tối ưu hóa nguồn lực, khai thác tiềm năng kinh tế và tăng khả năng tự cân đối ngân sách, nhất là trong bối cảnh Bình Phước có nguồn thu ngân sách còn hạn chế.

Hai tỉnh hợp nhất kỳ vọng mở ra không gian phát triển rộng lớn, qua đó đánh thức tiềm năng, lợi thế đất đai, tài nguyên rừng, phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái…

Hai tỉnh hợp nhất kỳ vọng mở ra không gian phát triển rộng lớn, qua đó đánh thức tiềm năng, lợi thế đất đai, tài nguyên rừng, phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái…

Em Nguyễn Thị Bích Thủy, học sinh Trường THPT Đồng Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước chia sẻ: Là học sinh, em tin rằng với tiềm lực của 2 tỉnh sau hợp nhất, lĩnh vực giáo dục sẽ được quan tâm đầu tư phát triển toàn diện cả về chất và lượng. Môi trường học tập sẽ được nâng cao hơn, với cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị đầy đủ và đồng bộ. Tỉnh mới sẽ có nhiều chính sách thúc đẩy cơ hội phát triển bản thân cho học sinh, sinh viên.

Đánh giá về cơ hội sau khi hợp nhất Bình Phước với Đồng Nai, Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã mượn cụm từ “đẹp như cùng hẹn trước” của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng để ví von. Ông cho rằng: Chủ trương hợp nhất Bình Phước với Đồng Nai được xem là cuộc hẹn của lịch sử, vượt lên những tầm nhìn cục bộ, hạn hẹp, đó là tầm nhìn quốc gia.

“Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai đó là sự kết hợp giữa đô thị, biên ải, rừng núi và biển. Thế kỷ XXI là thế kỷ của “đại dương” nên việc sáp nhập 2 tỉnh là sự kết hợp toàn vẹn. Với tiềm năng, lợi thế của Bình Phước, Đồng Nai, sau khi 2 tỉnh hợp nhất thì tất cả những thế mạnh về kinh tế, chính trị, văn hóa của mỗi tỉnh sẽ được phát huy theo cấp số nhân trong tổng thể phát triển”.

Tiến sĩ NHỊ LÊ,
nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Trung tướng Nguyễn Đức Hải cho rằng: Việc sáp nhập, hợp nhất ĐVHC cấp tỉnh là chủ trương hết sức đúng đắn. Bởi để thực hiện một cuộc cách mạng mới đòi hỏi phải mở rộng không gian, trong đó có không gian về chính trị, văn hóa, xã hội và cả quốc phòng - an ninh. Chỉ có tổ chức hành chính rộng lớn mới có đủ dư địa để phát triển. Hiện nay, không gian phát triển của Đồng Nai rất chật chội, không còn điều kiện để phát triển mở rộng. Ngược lại, Bình Phước có không gian phát triển hết sức rộng lớn, kể cả đất đai, tài nguyên. Hợp nhất 2 địa phương, tỉnh Đồng Nai mới sẽ có không gian phát triển rộng lớn hơn, mạnh hơn.

Hợp nhất 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp chế biến điều ở tỉnh Đồng Nai tiếp cận với vùng nguyên liệu rộng lớn tỉnh Bình Phước

Hợp nhất 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp chế biến điều ở tỉnh Đồng Nai tiếp cận với vùng nguyên liệu rộng lớn tỉnh Bình Phước

Cùng quan điểm nêu trên, PGS.TS Huỳnh Văn Tới cho rằng, chủ trương hợp nhất 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai là hoàn toàn hợp lý, thể hiện tư duy lớn, tầm nhìn dài hạn. Bởi 2 tỉnh sẽ bổ trợ qua lại cho nhau phát triển. Đơn cử như ngành điều, Đồng Nai là trung tâm chế biến, trong khi Bình Phước là trung tâm của vùng nguyên liệu. Đồng Nai là thủ phủ công nghiệp, Bình Phước được biết đến là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia... Do đó, khi 2 tỉnh “về chung một nhà” sẽ có thêm tiềm lực mới để làm những việc lớn hơn, thay vì đầu tư nhỏ lẻ, manh mún, thiếu hiệu quả như hiện nay.

Quốc lộ 13 kết nối từ huyện Chơn Thành lên Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, được đầu tư khang trang, rộng lớn, tạo thuận lợi trong liên kết phát triển kinh tế vùng biên và sang Vương quốc Campuchia - Ảnh: Tiến Dũng

Bình Phước tiếp giáp Vương quốc Campuchia, lại có dư địa, không gian phát triển rộng lớn. Vì vậy, trong xu hướng bùng nổ kinh tế, Đồng Nai mở rộng không gian phát triển sang Bình Phước là rất tốt. Bởi Đồng Nai đang có nhu cầu mở rộng không gian phát triển, mà kinh tế thì không giới hạn bằng địa lý hành chính. Kinh tế bản chất là thị trường, phá vỡ không gian phát triển, nên việc sáp nhập, hợp nhất các tỉnh, thành phải tính đến không gian phát triển và chiến lược toàn vùng, địa phương này hỗ trợ địa phương kia, tạo điều kiện tương hỗ với nhau. Bình Phước về Đồng Nai là để thêm nguồn lực cho tỉnh mới phát triển. Hai tỉnh bổ trợ cho nhau cùng phát triển. “Đây cũng là dịp để chúng ta sắp xếp, tính toán lại không gian phát triển cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên không chờ đợi ai” - PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II chia sẻ.

Sáp nhập, hợp nhất 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai là một bước tiến mới, có tính đột phá để phát triển nhanh và bền vững; tạo ra cơ hội mới, mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp; cải cách hành chính hiệu quả hơn; tinh gọn được bộ máy, tiết kiệm được kinh phí để đầu tư cho phát triển.

Ông Điểu Điều, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Bình Phước cho rằng: Sau hợp nhất tỉnh, nguồn lực của địa phương lớn hơn, tỉnh sẽ chủ động hơn trong việc thực hiện các chính sách đặc thù, an sinh xã hội. Nguồn lực để đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa cũng sẽ thuận lợi, hiệu quả và bền vững hơn. Bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng, khối đại đoàn kết dân tộc càng mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, cơ hội về lao động, việc làm, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số cũng mở ra phong phú hơn. Lao động dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận các dịch vụ lao động tại các khu công nghiệp nhiều hơn.

“Hai tỉnh hợp nhất là cơ hội để xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị… trên phạm vi không gian rộng lớn hơn, đảm bảo tính kết nối và sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, tài chính, nhân lực và cơ sở vật chất, giảm thiểu sự trùng lặp và lãng phí. Một tỉnh lớn hơn là cơ hội để thu hút các dự án quy mô lớn trong công nghiệp công nghệ cao, logistics, du lịch, giáo dục và y tế chất lượng cao. Việc hợp nhất 2 tỉnh là tạo điều kiện sắp xếp lại bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời giảm thủ tục, chi phí vận hành và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp” - bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước chia sẻ.

Tin tưởng vững chắc rằng, việc hợp nhất 2 tỉnh sẽ là sự nhân lên các nguồn lực. Thế mạnh của 2 tỉnh khi hợp một sẽ tạo ra xung lực mới, động lực mới nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tại buổi gặp mặt với lão thành cách mạng, người có công nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 21-4-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh: Việc sáp nhập tỉnh nhằm tạo ra những động năng mới, không gian mới cho phát triển. Không chỉ đơn giản là “hai cộng hai bằng bốn” mà phải là “hai cộng hai lớn hơn bốn”. Vấn đề đặt ra đòi hỏi bộ máy chính quyền mới không thể chậm trễ, phải nhanh chóng vận hành, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, mở rộng không gian phát triển.

Nhóm P.V

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/172428/hop-nhat-binh-phuoc-va-dong-nai-xu-the-co-hoi-va-dong-luc-phat-trien-moi