Hợp nhất nhân nguồn lực
PTĐT - Tròn một năm trước, đúng ngày đầu tiên của năm 2020, HĐND cấp xã, phường, thị trấn của 28 đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, đã đồng loạt tổ chức kỳ họp đầu tiên...
PTĐT - Tròn một năm trước, đúng ngày đầu tiên của năm 2020, HĐND cấp xã, phường, thị trấn của 28 đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, đã đồng loạt tổ chức kỳ họp đầu tiên, chính thức đi vào hoạt động. Vạn sự khởi đầu nan, đối diện với những khó khăn, trở ngại ngày đầu sáp nhập, các xã “hợp nhất” đã phát huy truyền thống đoàn kết, tư duy sáng tạo, đổi mới, tập trung trí lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Thành quả bước đầu này không những là minh chứng thể hiện tính đúng đắn của chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo hướng tinh gọn, hiệu quả mà còn nhân lên niềm tin, tiếp thêm nguồn lực giúp các xã “hợp nhất” phát triển nhanh, bền vững...
Kết thúc một năm với nhiều biến cố, trở ngại dồn dập từ đại dịch COVID-19, bệnh dịch trên đàn gia súc, thiên tai... ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng người dân xã Đồng Trung (hợp nhất từ 3 xã Trung Thịnh, Đồng Luận, Trung Nghĩa của huyện Thanh Thủy) vẫn phấn khởi, tự hào với những đổi thay tích cực, toàn diện trên đất quê. Các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, chất lượng đời sống người dân được cải thiện, nâng cao thể hiện qua tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người đã nâng lên hơn 40 triệu đồng/năm. Trong năm, tập trung huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư với tổng kinh phí gần 27 tỷ đồng, xã đã thi công, đưa vào sử dụng chợ Đồng Luận làm điểm thực hiện dự án “Chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”; thi công xây dựng Trường Mầm non Đồng Luận, Trường Mầm non Trung Nghĩa, đường, mương của khu 17; đồng thời vận động nhân dân đóng góp xây dựng đường bê tông xi măng khu chợ cũ với dự toán 170 triệu đồng... Bí thư Đảng ủy xã Quyết Văn Hoàn khẳng định: “Sáp nhập xã cũng đồng nghĩa với nguồn lực đầu tư, sức mạnh cộng đồng xã hội tăng lên theo cấp số nhân. Đây là nền tảng, động lực quan trọng để Đồng Trung nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, vững bước hoàn thiện xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong thời gian tới...”.
Không thuận lợi như xã Đồng Trung là cả ba đơn vị sáp nhập đều đã đạt chuẩn nông thôn mới, xã Minh Tân (huyện Cẩm Khê) được thành lập mới từ hai xã đã đạt chuẩn nông thôn mới là Phương Xá, Đồng Cam còn xã Phùng Xá mới chỉ đạt 15/19 tiêu chí. Thế nên nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã ưu tiên tập trung nguồn lực là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh giá trị sản xuất các ngành nghề thương mại, dịch vụ để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, sớm hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Kết thúc năm 2020, tổng thu nhập toàn xã đạt trên 410 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ các hoạt động thương mại- dịch vụ chiếm tới 41,4%. Tổng vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã ước đạt 200 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người dân trong xã đã vượt mức 42,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo từ 5,3% thời điểm đầu năm đã giảm xuống còn 3,5%. Diện mạo khu kinh tế trọng điểm phía Bắc của huyện Cẩm Khê đã dần hình thành với hơn 20 doanh nghiệp tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động địa phương. Đến nay, xã đã hoàn thành 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các dự án xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất Trường Mầm non Phùng Xá, Trường Mầm non Minh Tân, Trường THCS Phùng Xá đang được xúc tiến triển khai sẽ giúp xã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021.
Những thành tích quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm vừa qua của xã Đồng Trung, Minh Tân và các xã “hợp nhất” trên địa bàn tỉnh là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, đồng thuận, tư duy sáng tạo, nỗ lực đổi mới của tập thể Đảng bộ, chính quyền và người dân các địa phương. Những nghi ngại về tính cục bộ, bè phái của một bộ phận cán bộ, người dân nhanh chóng được giải tỏa khi chứng kiến kỳ họp HĐND đầu tiên kiện toàn bộ máy công quyền với các chức danh chủ chốt dân cử rồi đại hội các chi bộ Đảng, đại hội Đảng bộ xã diễn ra thành công tốt đẹp với tỷ lệ phiếu bầu tập trung cao. Niềm tin, tình đoàn kết, đồng thuận từ Đảng bộ, chính quyền đến đông đảo người dân đã phát huy sức mạnh, tạo nền tảng vững chắc giúp các địa phương tập trung nguồn lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phải đối mặt với khó khăn liên tiếp do thiên tai, dịch bệnh. Đồng chí Nguyễn Minh Tường- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủyThanh Thủy nhấn mạnh: “Qua một năm, hiệu quả nổi bật của hoạt động sáp nhập các đơn vị hành chính là đã góp phần tinh gọn bộ máy; giảm số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, giảm chi ngân sách thường xuyên cho hoạt động bộ máy, chi đầu tư xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị hàng năm (huyện Thanh Thủy giảm 80 cán bộ, công chức và giảm chi khoảng gần 2 tỷ đồng/ năm), từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã. Đây cũng là dịp để phân loại, đánh giá cán bộ, công chức và thực hiện chính sách tinh giản biên chế; đồng thời lựa chọn được đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý có trình độ, năng lực. Tinh gọn bộ máy cũng tạo động lực cho bộ máy, cán bộ, công chức phải phấn đấu tiếp cận, đẩy mạnh ứng dựng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm. Địa giới hành chính mở rộng, nhân dân đồng thuận, công tác quản lý điều hành bộ máy đã ổn định, các lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế giáo dục tiếp tục phát triển; an ninh quốc phòng được giữ vững tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lập quy hoạch, kế hoạch thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển...”.
Thành tích mà các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sáp nhập qua một năm là cơ bản, quan trọng, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh. Tuy nhiên, chủ trương, quyết sách dù đúng đắn, phù hợp đến đâu khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống cũng sẽ gặp phải những vướng mắc phát sinh. Thực tiễn hoạt động của 28 đơn vị hành chính mới cho thấy nhiều vấn đề cần được tháo gỡ như: Việc bố trí cán bộ, công chức dôi dư; cơ sở vật chất sau khi sáp nhập (trụ sở các đơn vị các xã cũ) chưa có phương án sử dụng hiệu quả; nhà văn hóa các khu khi sáp nhập diện tích, cơ sở vật chất chưa đáp ứng với quy mô dân cư mới; gánh nặng trong xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản... Để nhanh chóng giải quyết, xử lý triệt để những vướng mắc này, cùng với các chính sách chỉ đạo cụ thể, thiết thực của trung ương, tỉnh, các địa phương cần chủ động tiếp tục rà soát, điều động đội ngũ cán bộ, công chức để sắp xếp hợp lý đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Đồng thời làm tốt công tác chỉ đạo trong việc quản lý tài sản công các xã sau sáp nhập, tránh lãng phí; rà soát quy hoạch để mở rộng hoặc bố trí địa điểm xây dựng nhà văn hóa khu dân cư; thực hiện tốt công tác quy hoạch các vùng sản xuất, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Chủ trương đúng đắn, tinh thần đồng thuận cao đã và sẽ tạo nên nguồn lực mạnh mẽ để 28 xã “hợp nhất” vững bước vượt qua khó khăn, mở hướng phát triển nhanh, bền vững.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202101/hop-nhat-nhan-nguon-luc-174680