Hợp nhất Phú Yên và Đắk Lắk - Tiềm năng 'vàng' từ sự 'cộng hưởng'
Với thế mạnh về nông nghiệp và nhiều dư địa để phát triển, việc hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên sẽ mở ra không gian lớn hơn, cơ hội mới cho doanh nghiệp, hình thành một vùng nông nghiệp liên hoàn.

Quốc lộ 29 nối Phú Yên - Đắk Lắk có nhiều phong cảnh đẹp là tiềm năng phát triển du lịch. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN
Khi hợp nhất hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk, không gian phát triển được mở rộng, đặc biệt là đối với ngành nông nghiệp. Với quy mô diện tích đất nông nghiệp lớn, đường bờ biển dài, cùng nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, nơi đây sẽ trở thành “thủ phủ” của cây cà phê, sầu riêng, cây lương thực, nuôi trồng, đánh bắt hải sản... Đây là cơ hội lớn để kiến tạo một trung tâm nông nghiệp hàng đầu cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để những nông sản giá trị cao vươn ra thế giới.
Những “thủ phủ” nông nghiệp
Với hơn 300.000 ha đất bazan màu mỡ (chiếm 55,6% diện tích đất bazan vùng Tây Nguyên), Đắk Lắk có lợi thế nổi bật để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn quả giá trị kinh tế cao. Tỉnh đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh sản xuất, liên kết với chế biến quy mô lớn, có truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý. Toàn tỉnh có 304 sản phẩm OCOP (trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao). Đây là những tiền đề thuận lợi để khi hai tỉnh hợp nhất sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, khẳng định vị thế trụ cột của nền kinh tế.
Đắk Lắk từ lâu đã được biết đến là “thủ phủ cà phê” của Việt Nam, với hơn 213.000 ha. Sản lượng cà phê thu hoạch năm 2024 của tỉnh đạt 561.341 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc. Cà phê từ vùng đất cao nguyên Đắk Lắk đã xuất khẩu đến gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... Thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là một trong những thương hiệu nông sản Việt đầu tiên được bảo hộ toàn cầu, góp phần nâng cao giá trị cà phê Việt trên thương trường quốc tế.
So với những vườn cà phê “bạt ngàn” ở Đắk Lắk, diện tích 1ha của gia đình anh Lê Quốc Huy (thôn Ea Mkeng, xã EaBar, huyện Buôn Đôn) rất khiêm tốn. Bình quân mỗi vụ, gia đình anh thu hoạch được khoảng 20 tấn hạt cà phê tươi; thương lái từ Đắk Lắk đến tận vườn thu mua nhưng giá chỉ 26.000 đồng/kg. Anh Huy vẫn trăn trở và ấp ủ ước mơ để cà phê nơi đây có được thương hiệu như Đắk Lắk, được công nhận vùng nguyên liệu và có nhà máy chế biến cà phê nhân tại chỗ. Khi đó, giá trị cây cà phê ở Ea Bar chắc chắn sẽ tăng lên gấp nhiều lần, mở ra hướng phát triển bền vững hơn cho người trồng cà phê trong vùng.
Tỉnh Đắk Lắk còn dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng với 38.800 ha, sản lượng 361.986 tấn. Bên cạnh cà phê, sầu riêng, Đắk Lắk còn có diện tích hồ tiêu lớn với 27.730 ha, sản lượng 74.827 tấn, cùng nhiều cây trồng có giá trị khác như mắc ca, ca cao, điều, cao su, bơ… giúp tỉnh trở thành một trong những vựa nông sản lớn nhất cả nước.
Ông Lê Minh Quân, thành viên Tổ hợp tác Hòn Đen (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) cho biết, Tổ hợp tác đã được cấp mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 12ha. Khi Đắk Lắk và Phú Yên hợp nhất, nông dân địa phương được thừa hưởng thương hiệu sầu riêng Đắk Lắk, vốn đã có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Đắk Lắk đã phát triển tương đối tốt các mối liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã và đơn vị xuất khẩu. Việc chia sẻ kinh nghiệm tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ giúp nông dân từng bước nâng cao năng lực tiếp cận thị trường...
Với 189 km bờ biển, Phú Yên có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển gồm du lịch, nuôi trồng thủy sản. Phú Yên được mệnh danh là “thủ phủ nghề nuôi tôm hùm” ở Việt Nam. Năm 2024, toàn tỉnh có gần 177.000 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng khoảng 2.260 tấn, giá trị tương đương 1.800 tỷ đồng, dẫn đầu cả nước. Vùng đất này còn được biết đến là “cái nôi của nghề câu cá ngừ đại dương”. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 tàu cá, trong đó khoảng 660 tàu cá chuyên khai thác vùng biển khơi. Năm 2024, tổng sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh đạt hơn 68.400 tấn, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương khoảng 3.800 tấn.
Có thể nói, Đắk Lắk và Phú Yên đều là những địa phương có nền kinh tế dựa trên sự phát triển của nông nghiệp. Với nhiều tiềm năng, dư địa phát triển, cùng những lợi thế của từng địa phương, sau khi sáp nhập, nền nông nghiệp sẽ bổ trợ, tương hỗ cho nhau về nhiều mặt để khai thác, phát huy hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, sau khi sáp nhập, tỉnh Đắk Lắk mới hứa hẹn sẽ là vùng sản xuất, chế biến đa dạng các ngành hàng nông sản từ cây ăn trái, cây công nghiệp đến các mặt hàng thủy hải sản.
Lợi thế đa chiều, tạo đà tăng trưởng bền vững

Anh Lê Quốc Huy (thôn Ea Mkeng, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) kỳ vọng được đầu tư mở rộng vùng trồng cà phê ở Phú Yên. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN
Theo các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, việc hợp nhất hai tỉnh mang lại nhiều lợi thế rõ ràng, không chỉ tạo sự đa dạng hóa trong cơ cấu kinh tế mà còn tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của thị trường. Chẳng hạn, nông sản Đắk Lắk có thể tìm được đầu ra thuận lợi hơn thông qua hệ thống cảng biển ở Phú Yên.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) là doanh nghiệp lớn của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh số xuất khẩu năm 2024 của công ty đạt 350 triệu USD. Ông Lê Đức Huy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Simexco DakLak nhận định, hợp nhất Đắk Lắk - Phú Yên là cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thêm ngành hàng chế biến xuất khẩu như chế biến sâu hải sản. Bên cạnh đó, với lợi thế địa phương là “thủ phủ cà phê” của cả nước, doanh nghiệp tập trung đầu tư vào chế biến sâu ngành hàng cà phê, góp phần đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm chế biến của cà phê cả nước.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Minh Huấn cho rằng, sau khi sáp nhập, hai tỉnh sẽ tạo nên một hệ sinh thái nông nghiệp hoàn chỉnh từ núi xuống biển, từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp đến thủy sản, giúp hình thành các chuỗi giá trị liên kết “vùng nguyên liệu - chế biến - xuất khẩu”, giảm chi phí logistics, tăng giá trị gia tăng sản phẩm. Mặt khác, diện tích gieo trồng lúa, ngô, sắn, mía của hai tỉnh đạt trên 300.000 ha, sản lượng lương thực hằng năm ước tính hơn 1,8 triệu tấn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho cả vùng, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến.
Để khai thác và phát huy tốt lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Nguyễn Minh Huấn, cần rà soát, tích hợp và điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp, các đề án, dự án… thành một quy hoạch chung hợp lý, tận dụng địa hình đa dạng (miền núi - trung du - đồng bằng - ven biển). Việc quy hoạch cần xác định rõ vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng bảo tồn giống bản địa; kết nối các vùng sinh thái nông nghiệp để đa dạng hóa sản phẩm và mùa vụ. Ngành nông nghiệp phải tái cơ cấu theo hướng ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp hướng tới sử dụng công nghệ số và kỹ thuật canh tác bền vững…
Với thế mạnh về nông nghiệp và nhiều dư địa để phát triển, việc hợp nhất hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên sẽ mở ra không gian lớn hơn, cơ hội mới cho doanh nghiệp, hình thành một vùng nông nghiệp liên hoàn. Đây là hướng đi quan trọng để “thủ phủ cà phê”, “thủ phủ sầu riêng”, “thủ phủ nghề nuôi tôm hùm” và “cái nôi của nghề câu cá ngừ đại dương” của Việt Nam đứng vững, vươn xa trên thị trường quốc tế. Tỉnh Đắk Lắk trong tương lai được kỳ vọng trở thành trung tâm nông nghiệp xanh, hiện đại, nơi những thương hiệu nông sản Việt Nam được xây dựng từ nền tảng vững chắc: chất lượng, bền vững và hội nhập.