Hợp nhất tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn: Bố trí nhân sự, xử lý tài sản công thế nào?
Phương án hợp nhất, sáp nhập của UBND tỉnh Thái Nguyên được gửi lấy ý kiến nhân dân hai tỉnh. Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau hợp nhất cũng được lên phương án.
Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4 vừa qua, Thái Nguyên và Bắc Kạn thuộc diện sáp nhập, hợp nhất lấy tên tỉnh mới và đặt trụ sở hành chính - chính trị tại Thái Nguyên.
Phương án hợp nhất, sáp nhập của UBND tỉnh Thái Nguyên gửi lấy ý kiến nhân dân hai tỉnh cho biết, chủ trương thành lập tỉnh Thái Nguyên trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất toàn bộ 4.853,25 km2 diện tích tự nhiên, dân số 365.318 người của tỉnh Bắc Kạn và toàn bộ 3.521,96 km2 diện tích tự nhiên, dân số 1.434.171 người của tỉnh Thái Nguyên.
Đơn vị hành chính tỉnh Thái Nguyên sau sáp nhập có diện tích tự nhiên là 8.375,21 km2 (đạt 104,69% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 1.799.489 người (đạt 199,94% so với tiêu chuẩn) và 92 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 77 xã và 15 phường).

Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên, Bắc Kạn gặp mặt, trao đổi trong chiều 27/3. Ảnh: TNGOP.
Đối với việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, tổ chức sau hợp nhất, chủ trương thực hiện hợp nhất nguyên trạng các cơ quan có cùng chức năng, nhiệm vụ của các khối Đảng, đoàn thể, Đoàn đại biểu quốc hội - HĐND và UBND tỉnh.
Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau hợp nhất cũng được lên phương án. Theo đó, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cấp tỉnh sau khi sáp nhập, hợp nhất dự kiến bố trí tiếp tục công tác là 12.874 người (cán bộ: 87 người, công chức: 2.382 người, viên chức: 9.757 người và người lao động: 648 người).
Số lượng thực hiện sắp xếp, tinh giản theo quy định hiện hành là 747 người. Sau khi tỉnh Thái Nguyên sáp nhập, hợp nhất đi vào hoạt động, căn cứ quyết định giao biên chế của cấp có thẩm quyền (trên cơ sở quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương tỉnh), tỉnh Thái Nguyên sẽ thực hiện giải quyết số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quy định, bảo đảm sau 5 năm số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức có mặt bằng với số biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Trung tâm thành phố Thái Nguyên hiện nay, nơi sẽ là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Thái Nguyên sau hợp nhất. Ảnh: TNGOP.
Về phương án và lộ trình sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau hợp nhất, theo thống kê, tổng số trụ sở công của hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn là 2.888 trụ sở. Số lượng tiếp tục sử dụng là 2.507 trụ sở; số sử dụng cho mục đích khác là 258 và số dôi dư, không tiếp tục sử dụng là 123 đơn vị.
Với số trụ sở dôi dư, phương án sẽ ưu tiên bố trí cho giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, Trung tâm phục vụ hành chính công của ĐVHC cấp xã mới, không gian công cộng phục vụ hoạt động của cộng đồng hoặc chuyển giao cho tổ chức có chức năng kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác theo quy định.
Với việc trung tâm hành chính - chính trị sau hợp nhất đặt tại Thái Nguyên, phương án bố trí nhà ở công vụ, phương tiện đi lại (từ tỉnh cũ đến trung tâm chính trị - hành chính mới) cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng được tính đến.
Theo đó, căn cứ hệ thống cơ sở vật chất hiện có và nguồn kinh phí để xem xét việc bố trí nhà ở công vụ, phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để ổn định điều kiện làm việc tại đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, hợp nhất.
Mặt khác, dựa vào điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của bộ máy trong hệ thống chính trị, có thể bố trí tỷ lệ hợp lý số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc đồng thời tại trụ sở hành chính của Bắc Kạn và tại trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Thái Nguyên sau sáp nhập để bảo đảm công tác quản lý nhà nước tại các địa bàn và giảm bớt áp lực về việc bố trí trụ sở cơ quan, đơn vị, giảm khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong giai đoạn đầu sáp nhập, hợp nhất.