Hợp tác 3 bên nâng cao năng suất lao động ngành gỗ
Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cùng Hiệp hội máy Chế Biến Gỗ Đài Loan và trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM vừa ký kết hợp tác trong việc đào tạọ nhân sự cho ngành, gắn với sản xuất thực tiễn. Cùng với đó là giới thiệu công nghệ Đài Loan đến cộng đồng doanh nghiệp trong ngành gỗ và trang trí nội thất của Việt Nam.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký HAWA cho biết, 2 năm trước, cả HAWA và Hội máy Chế Biến Gỗ Đài Loan đều kỳ vọng có thể hình thành trung tâm máy chế biến gỗ Đài Loan tại TP.HCM.
Sau đó, HAWA chọn hợp tác cùng trường Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM bởi đây là nơi đào tạo kiến thức gắn với thực hành, cũng là đơn vị đang mở đào tạo ngành ngành kỹ nghệ gỗ và trang trí nội thất.
“Ngành sản xuất đồ gỗ Việt Nam học hỏi từ các doanh nghiệp Đài Loan rất nhiều. Năm ngoái, doanh nghiệp trong ngành tại Việt Nam chi khoảng 280 triệu USD chi cho nhập khẩu máy móc và khoảng 20% trong số đó đến từ Đài Loan”, ông Nguyễn Chánh Phương nói và cho biết, sau khi ký kết hợp tác, các bên sẽ chung tay thành lập Trung tâm đào tạo của HAWA và Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM bên cạnh giới thiệu công nghệ Đài Loan đến cộng đồng doanh nghiệp.
Tổng giá trị xuất khẩu lâm sản 8 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam đạt gần 7,1 tỷ USD (tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Riêng xuất khẫu gỗ và sản phẩm gỗ đạt xấp xỉ 6,7 tỷ USD.
Các doanh nghiệp trong ngành tin tưởng, với các đơn hàng hiện hữu đến cuối năm, mục tiêu đạt 11 tỷ USD xuất khẩu của toàn ngành cho năm 2019 là hoàn toàn khả thi.
Dù vậy, ngành này đang phải đối mặt với cạnh tranh sản xuất khi các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng tham gia nhiều vào thị trường Việt Nam.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng vốn FDI tăng gấp gần 1,2 lần so với cả năm 2018. 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ và trên 60% trong tổng số dự án vào ngành gỗ nhắm vào mảng chế biến gỗ.
Điều này khiến doanh nghiệp ngành gỗ đứng trước áp lực về thiếu hụt lao động. Theo HAWA, hiện giá nhân công ở các khu công nghiệp đã tăng từ 10-20% nhưng vẫn khó tuyển dụng.
Đi cùng thiếu hụt nhân công là cạnh tranh về giá ngày càng quyết liệt và kéo theo bài toán về năng suất-chất lượng.
Lễ kí kết hợp tác trên diễn ra tại Hội thảo Hội thảo Cải thiện năng suất lao động cho ngành gỗ Việt do Hawa tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm thiết bị công nghệ phục vụ chuyên ngành chế biến gỗ - VietnamWood 2019 đang diễn ra tại TP.HCM.
Chia sẻ tại Hội thảo, theo ông Michael Chang, Chủ tịch Hiệp hội máy Chế Biến Gỗ Đài Loan, điểm yếu của ngành hiện nay là thiếu lao động, khiến các công ty cạnh tranh thu hút nhân sự và kéo chi phí nhân công tăng cao.
Việc phối hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp nếu có thể nhuần nhuyễn được đánh giá có thể tăng năng suất lao động thêm từ 20-25%.
Theo lý giải của PGS Vũ Thành Hưng, Viện trưởng Viện Quản trị Kinh Doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân, việc đầu tư vào kỹ thuật- công nghệ trong các doanh nghiệp hiện đã có sự cải thiện, cũng như đầu tư vào nâng cao tay nghề sẽ không phải vấn đề bức xúc cần giải quyết trong vài năm tới mà điều cần quan tâm là nâng cao năng lực tổ chức và quản lý.
“Việc này có rất nhiều “cửa” để thực hiện bởi lên quan đến các từng phòng ban, bộ phận, từng dây chuyền, từng người hay từng khâu từ lúc sản xuất đến khi bán sản phẩm ra thị trường và thu tiền về. Ban đầu, chỉ cần 1 trong các khâu trên được cải thiện cách thực hiện thì toàn hệ thống sẽ thay đổi. Điều này nằm trong tầm của doanh nghiệp, chứ chưa cần đầu tư gì cao siêu”, PGS Vũ Thành Hưng nói.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hop-tac-3-ben-nang-cao-nang-suat-lao-dong-nganh-go-d107519.html