Hợp tác ASEAN – Trung Quốc để thúc đẩy phát triển bền vững có thể là tấm gương cho thế giới

Theo nhận định của các chuyên gia, nhu cầu cấp thiết về phát triển xanh đã và đang được quan tâm đáng kể. Khi các quốc gia vật lộn với những hậu quả tàn khốc của biến đổi khí hậu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã và đang nổi lên như những bên đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh.

 Xe điện, một lĩnh vực có thể thúc đẩy phát triển bền vững ở ASEAN. Ảnh minh họa: Wuling/TTXVN/Vietnam+

Xe điện, một lĩnh vực có thể thúc đẩy phát triển bền vững ở ASEAN. Ảnh minh họa: Wuling/TTXVN/Vietnam+

Cụ thể, vào năm 2021, ASEAN và Trung Quốc ra Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác phát triển xanh, bền vững. Đến năm 2022, hai bên cam kết tăng cường phát triển chung, bền vững. Đặc biệt, năm 2021 và 2022 được xác định là năm hợp tác phát triển bền vững giữa ASEAN và Trung Quốc.

Được biết, vào năm 2022, Campuchia – Chủ tịch luân phiên của ASEAN, đã đề xuất xây dựng Thỏa thuận Xanh ASEAN để thúc đẩy quá trình phục hồi bền vững và toàn diện sau đại dịch COVID-19. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra tại Indonesia vừa qua, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố về Phát triển Hệ sinh thái Xe điện khu vực như một phần trong nỗ lực của ASEAN nhằm giảm phát thải nhà kính, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, khử Carbon cho ngành giao thông đường bộ trong khu vực, đạt được mục tiêu không phát thải và cải thiện an ninh năng lượng ở mỗi quốc gia thành viên ASEAN và trong toàn khu vực.

Nền kinh tế xanh – nguồn tăng trưởng quan trọng

Rõ ràng là nền kinh tế xanh được nhìn nhận là một nguồn tăng trưởng quan trọng cho ASEAN. Hơn nữa, quá trình phục hồi và chuyển đổi xanh sẽ giúp ASEAN đạt được một tương lai bền vững về kinh tế và môi trường. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), sự phục hồi xanh của ASEAN sau đại dịch COVID-19 có khả năng tạo ra 172 tỷ USD cơ hội đầu tư hàng năm, đồng thời đến năm 2030 sẽ tạo ra hơn 30 triệu việc làm.

Trong bối cảnh các nền kinh tế Đông Nam Á đang trong quá trình chuyển đổi sang các nền kinh tế bền vững hơn, tiết kiệm tài nguyên và trung hòa khí hậu, điều cần thiết là phải có một khuôn khổ khu vực về phục hồi xanh và chuyển đổi xanh. Trong mối liên hệ này, sự phát triển của Thỏa thuận Xanh ASEAN có thể đóng vai trò là một khuôn khổ khu vực để tham vấn nhiều bên liên quan và xây dựng quan hệ đối tác.

Để hiện thực hóa Thỏa thuận xanh ASEAN, 5 biện pháp can thiệp chính sách chiến lược được khuyến nghị là:

Thứ nhất, thúc đẩy hệ thống năng lượng không Carbon, giá cả phải chăng và có khả năng phục hồi.

Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng và tính di động thông minh, ít Carbon, an toàn về nước và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, huy động tài chính công và tư cho đầu tư và chuyển đổi xanh.

Thứ tư, đẩy nhanh và nhân rộng đổi mới xanh.

Thứ năm, thực hiện Thỏa thuận Xanh châu Á – Thái Bình Dương của Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á – Thái Bình Dương Liên Hiệp quốc và Khung Kinh tế Tuần hoàn cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN thông qua thúc đẩy tham vấn nhiều bên và xây dựng quan hệ đối tác và phát triển khu kinh tế xanh.

Tập hợp sức mạnh, tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc

ASEAN và Trung Quốc được ưu đãi với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và hệ sinh thái đa dạng, tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các giải pháp xanh sáng tạo. Bằng cách tập hợp sức mạnh của mình, các thành viên ASEAN và Trung Quốc có thể giải quyết các thách thức chung về môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Các sáng kiến hợp tác về năng lượng tái tạo, bảo tồn môi trường và cơ sở hạ tầng bền vững sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn đảm bảo bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai.

Có thể nói, năng lượng tái tạo đang đi đầu trong quá trình chuyển đổi toàn cầu hướng tới một tương lai ít Carbon. Vì vậy, đầu tư xanh là yếu tố rất quan trọng để hiện thực hóa quá trình chuyển đổi Carbon thấp và chuyển sang nền kinh tế trung hòa Carbon. Khu vực Đông Nam Á cần khoảng 3 nghìn tỷ USD đầu tư xanh tích lũy để đi đúng hướng là đạt mục tiêu 1,5oC vào năm 2030. Về vấn đề này, ASEAN và Trung Quốc có thể tận dụng khả năng chung của mình để tăng cường đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện và địa nhiệt.

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong phát triển năng lượng tái tạo trên toàn cầu đang mang đến cơ hội quan trọng cho ASEAN để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng. Điều này đặc biệt đáng chú ý khi xem xét sự hợp tác hiện có giữa Trung Quốc và ASEAN trong các lĩnh vực khác nhau. Cụ thể, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 31 tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực ASEAN từ năm 2000 đến năm 2020, chiếm khoảng 60% tổng đầu tư công nước ngoài trong khu vực trong khoảng thời gian này.

ASEAN, Trung Quốc hợp tác về xe điện

Trong một diễn biến có liên quan, xe điện là một con đường đầy hứa hẹn khác cho sự hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc. ASEAN đang tích cực nỗ lực thiết lập các điều kiện thuận lợi tại thị trường nội địa để thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất xe điện. Trong bối cảnh này, Trung Quốc – nhà sản xuất xe điện hàng đầu, có tầm quan trọng đáng kể. Tăng cường quan hệ với Trung Quốc thông qua đầu tư vào các sản phẩm xe điện có thể tạo ra tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng trong các ngành hỗ trợ năng lượng tái tạo trên toàn khu vực.

Bằng cách tận dụng thế mạnh của mình, thúc đẩy đổi mới và ưu tiên hợp tác, ASEAN và Trung Quốc có thể cùng nhau bắt đầu hành trình chung hướng tới một ngày mai xanh hơn, các chuyên gia tin tưởng.

Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/hop-tac-asean-trung-quoc-de-thuc-day-phat-trien-ben-vung-co-the-la-tam-guong-cho-the-gioi-128777.html