Hợp tác chăn nuôi giúp dân 'biển hồ' miền Đông thoát nghèo

Nhờ tích cực tham gia các mô hình kinh tế tập thể, HTX trong chăn nuôi gia cầm, heo, bò, dê… mà người dân ở huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) - nơi có hồ Dầu Tiếng được mệnh danh là 'biển hồ' của miền Đông Nam Bộ, đã thoát nghèo bền vững, giúp kinh tế địa phương khởi sắc.

Từ cuộc sống làm nông trước đây có nhiều bấp bênh, nhận thấy việc phát triển kinh tế từ chăn nuôi gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên chị Lưu Thị Ánh Loan ở vùng đất ven hồ Dầu Tiếng tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) đã đầu tư chuồng trại nuôi gia công 18.000 gà thịt với 3 trại hở. Tuy nhiên, sự khởi đầu không phải lúc nào cũng suôn sẻ, năm đầu tiên chị Loan bị thua lỗ nặng.

Tiên phong chăn nuôi trang trại lạnh

Không nhụt chí, chị quyết định chuyển từ nuôi gà trại hở sang trại gà lạnh ứng dụng công nghệ cao. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, cộng thêm việc đi đúng hướng, lần này chị Loan đã thành công. Nuôi trung bình 27.000 con gà/3 trại lạnh, mỗi năm chị xuất 2 lứa, mang lại hiệu quả khá cao.

Minh Hòa là một trong những xã tiên phong ở huyện Dầu Tiếng trong mô hình HTXchăn nuôi gà, heo trang trại lạnh.

Ngoài chị Loan trên địa bàn xã Minh Hòa còn có nhiều hộ nông dân cũng phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi gà. Để hợp tác giúp nhau cùng phát triển, từ năm 2016 chị Loan đã liên kết với các hộ có cùng ngành nghề để thành lập HTX chăn nuôi Tâm Phát với 11 thành viên.

Đến nay thị trường của HTX tương đối ổn định, lợi nhuận khoảng trên 1 tỷ đồng/năm. “Nuôi gà thịt gia công đến ngày xuất bán mà không kịp tiêu thụ gà sẽ yếu và chết. Nhưng chuyển sang trại lạnh mình có thể bán trứng để bù lỗ vì gà chưa xuất đi vẫn đẻ trứng bình thường”, chị Loan chia sẻ.

Ngoài HTX Tâm Phát chuyên về nuôi gà lạnh, theo ông Trịnh Đình Toàn, Trưởng Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể xã Minh Hòa, hiện nay xã có 2 tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò với 25 thành viên, tổng đàn 106 con và 23 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, 24 hộ nuôi chim yến.

Trong những năm qua, Minh Hòa là một trong những xã tiên phong ở huyện Dầu Tiếng trong mô hình chăn nuôi gà, heo trang trại lạnh, năng suất và chất lượng rất tốt, bảo đảm được vệ sinh môi trường, tiết kiệm chi phí nhân công, hiệu quả kinh tế đạt rất cao.

Đến nay, trên toàn xã có 5 trại heo với 18 chuồng nuôi, có 14 trại gà với 53 chuồng nuôi theo công nghệ lạnh. Thu nhập bình quân hàng năm từ mỗi chuồng nuôi ước đạt từ 300 - 350 triệu đồng.

Vừa cho thu nhập cao vừa gíup địa phương khởi sắc

Kề bên xã Minh Hòa là xã Minh Thạnh cũng ở lân cận hồ Dầu Tiếng đang phát triển mạnh mẽ kinh tế hợp tác trong ngành chăn nuôi. Điển hình là HTX Dê Thạnh Phát. Gần 1 năm tham gia HTX Dê Thạnh Phát, mô hình chăn nuôi dê của anh Trần Văn Hiền ở ấp Căm Xe, xã Minh Thạnh (huyện Dầu Tiếng) đã có quy mô hơn 40 con đã ổn định và cho thu nhập cao.

Anh Hiền tâm sự: “Xã Minh Thạnh có lợi thế về đất nông nghiệp nên nguồn rau, cỏ cho dê ăn rất dễ kiếm. Từ khi tham gia HTX, trung bình trừ hết các chi phí, gia đình thu lợi nhuận từ 60 - 70 triệu đồng/năm”.

Các mô hình HTX chăn nuôi bò ở huyện Dầu Tiếng mang lại cuộc sống khấm khá cho người dân địa phương.

Các mô hình HTX chăn nuôi bò ở huyện Dầu Tiếng mang lại cuộc sống khấm khá cho người dân địa phương.

Ông Vũ Văn Hoàng, Giám đốc HTX Dê Thạnh Phát, cho biết HTX thành lập từ tháng 9/2021, tổng đàn dê hiện nay trên 1.000 con, tổng thu nhập hơn 1,4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 580 triệu đồng. HTX đang phát triển đúng hướng và hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Theo đánh giá của chính quyền xã Minh Thạnh, từ những cá nhân, hộ gia đình làm kinh tế nhỏ lẻ, họ đã biết tập hợp thành các mô hình kinh tế hợp tác như trường hợp HTX Dê Thạnh Phát để phát triển bền vững hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng khởi sắc.

Còn ở xã Long Tân (huyện Dầu Tiếng) có HTX Bò sữa Long Tân là một điển hình, hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới. Năm 2010, Tổ hợp tác Bò sữa Long Tân được thành lập gồm 9 thành viên, đến tháng 8/2013 tổ hợp tác nâng lên thành HTX. Đến nay, HTX có gần 100 thành viên, chăn nuôi hơn 1.400 con bò sữa. Nhờ bảo đảm tốt quy trình sản xuất, bảo đảm đầu ra sản phẩm với giá cả ổn định, hầu hết thành viên rất yên tâm.

Hoặc như ở ấp Đồng Bà Ba xã Long Hòa (huyện Dầu Tiếng) có Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản ấp hoạt động khá hiệu quả, giúp nhiều thành viên từ chỗ nghèo khó đã nâng cao được thu nhập, vươn lên khá giả.

Ông Nguyễn Văn Chua, thành viên của tổ hợp tác trước đây làm nghề cạo mủ cao su, cuộc sống gia đình rất khó khăn, thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống. Để tăng thêm thu nhập, ông quyết định gom góp vốn để đầu tư thêm vào chăn nuôi bò sinh sản với 5 con bò giống.

Cách đây 3 năm ông Chua được Hội Nông dân xã giới thiệu tham gia vào Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản để cùng các thành viên khác chia sẻ, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm chăn nuôi.

Ông Chua tâm sự khi tham gia vào tổ hợp tác, gia đình lại càng yên tâm hơn gắn bó với nghề chăn nuôi bò vì được bao tiêu sản phẩm. Các thành viên tổ hợp tác còn được tiếp cận thêm nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân để tăng đàn.

“Đến nay, tổng đàn bò của gia đình đã tăng lên 24 con và mỗi năm đều có bò đủ chuẩn để xuất chuồng. Hiện nay, tôi đã ngưng công việc cạo mủ cao su để dành toàn thời gian vào công việc chăn nuôi bò nên nguồn thu nhập của gia đình rất ổn định”, ông Chua chia sẻ.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế hợp tác trong ngành chăn nuôi giúp dân thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, gần đây huyện Dầu Tiếng triển khai thực hiện công tác di dời các cơ sở, trang trại chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư với lộ trình, phương án rõ ràng.

Việc di dời được đánh giá là có ý nghĩa lớn, tạo ra những ảnh hưởng tích cực tới đời sống người dân, đồng thời giúp các tổ hợp tác, HTX chăn nuôi thuận lợi hơn ở khu vực bảo đảm điều kiện vừa giúp bảo vệ môi trường cho vùng “biển hồ” của miền Đông.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/hop-tac-chan-nuoi-giup-dan-bien-ho-mien-dong-thoat-ngheo-1091615.html