Hợp tác công - tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải

TS. Đoàn Duy Khương. Đây là thời điểm cần sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực tư nhân vào việc phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Nguồn vốn từ khu vực tư nhân (đặc biệt khu vực tư nhân nước ngoài) cho hạ tầng giao thông sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự thiếu hụt vốn hiện nay.

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp thứ 77/141 về chất lượng cơ sở hạ tầng tổng thể, thứ 66 về cơ sở hạ tầng giao thông và thứ 87 về cơ sở hạ tầng tiện ích. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam còn nghèo nàn, tiêu chuẩn kỹ thuật còn ở mức thấp và lạc hậu, thiếu đồng bộ và liên kết... Hệ thống đường bộ xuyên quốc gia đã quá tải và xuống cấp so với nhu cầu ngày càng phát triển nhưng việc đầu tư mở rộng và nâng cấp đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn. Đường sắt Bắc - Nam đang ở thế độc tuyến, chưa tạo được các liên kết dạng mạng, còn thiếu những tuyến đường sắt dẫn đến các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển..., và chất lượng được đánh giá là quá kém, khổ hẹp không thể đi với tốc độ cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Nhằm huy động nguồn vốn cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải, chính sách của Việt Nam là khuyến khích mọi nguồn lực trong và ngoài nước từ các thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng áp dụng PPP. Quốc hội đã ban hành Luật PPP, có hiệu lực từ năm 2021, nhằm thu hút đầu tư tư nhân nhiều hơn để giảm gánh nặng cho các khoản nợ công và chính sách tài khóa của quốc gia.

Tháo gỡ nút thắt đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là việc không thể chậm trễ. Đây chính là thời điểm cần sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực tư nhân. Nguồn vốn từ khu vực tư nhân (đặc biệt khu vực tư nhân nước ngoài) cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vận tải sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự thiếu hụt vốn hiện nay. Để thực hiện tốt phương thức đầu tư PPP, cần 5 quan điểm cơ bản.

Thứ nhất, xác định mục tiêu, chiến lược và năng lực ở tất cả các cấp. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi khởi xướng một dự án phải bảo đảm có sự tư vấn đầy đủ của các bên liên quan, kể cả người sử dụng cuối cùng của dự án. Cơ quan chịu trách nhiệm về các dự án do tư nhân vận hành phải có khả năng quản lý các quá trình thương mại có liên quan và hợp tác bình đẳng với các đối tác khu vực tư.Mục đích và chiến lược tham gia của khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng cần phải được hiểu rõ, và mục tiêu phải được chia sẻ ở tất cả các cấp chính quyền và trong tất cả các bộ phận liên quan của cơ quan hành chính công.

Thứ hai, quyết định về việc lựa chọn dự án hợp tác PPP. Việc lựa chọn dự án hợp tác PPP phải dựa trên phân tích chi phí - lợi ích, có tính đến tất cả phương thức cung cấp thay thế, hệ thống cung cấp cơ sở hạ tầng đầy đủ, và các chi phí và lợi ích tài chính và phi tài chính dự kiến đối với vòng đời dự án. Không dự án nào - bất kể mức độ tham gia của tư nhân - được phép tiến hành mà không có sự đánh giá mức độ chi phí có thể được bù đắp từ người sử dụng cuối cùng. Trong trường hợp thiếu hụt, cần xác định rõ nguồn tài chính nào khác có thể được huy động. Nguyên tắc minh bạch tài chính phải được bảo đảm, trong đó việc tài chính công có thể phát sinh tình huống chia sẻ trách nhiệm với khu vực tư nhân phải được dự báo.

Thứ ba, tăng cường môi trường thể chế. Một môi trường thể chế tác động hợp lý cho đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm chuẩn mực cao về quản trị công và quản trị doanh nghiệp, tính minh bạch, quy định của pháp luật, cũng như việc bảo vệ quyền sở hữu và hợp đồng, là cần thiết để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân.

Cơ quan công quyền phải có biện pháp hiệu quả để bảo đảm tính toàn vẹn và trách nhiệm của khu vực công và khu vực tư nhân, thiết lập thủ tục phù hợp để bảo đảm tính liêm chính trong quá trình hợp tác. Xây dựng thể chế tiếp cận các thị trường vốn và đặc biệt là nguồn lực tài nguyên đất đai (với đặc tính đất đai thuộc sở hữu nhà nước) nhằm cung cấp tài chính cho các hoạt động rất quan trọng đối với khu vực tư nhân tham gia. Những hạn chế đối với việc tiếp cận các nguồn lực và những trở ngại đối với sự di chuyển vốn quốc tế phải được loại bỏ, có tính đến chính sách kinh tế vĩ mô.

Thứ tư, tiến hành hợp tác công -. Để tối ưu hóa sự tham gia của khu vực tư nhân, cơ quan có thẩm quyền phải trao đổi rõ ràng các mục tiêu của chính sách cơ sở hạ tầng của mình và phải đưa ra cơ chế tham vấn giữa các đối tác về các mục tiêu này cũng như các dự án riêng lẻ.

Phải có một cơ chế cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến dự án giữa cơ quan có thẩm quyền và các đối tác tư nhân, bao gồm cả tình trạng trước khi cơ sở hạ tầng tồn tại, các tiêu chuẩn hoạt động và các hình phạt trong trường hợp không tuân thủ. Nguyên tắc giám sát, theo dõi đặc biệt phải được tôn trọng.

Việc trao hợp đồng cơ sở hạ tầng hoặc ưu tiên phải được chuẩn bị kỹ để bảo đảm công bằng về mặt thủ tục, không phân biệt đối xử và minh bạch. Thỏa thuận chính thức giữa cơ quan công quyền và khu vực tư nhân tham gia phải có quy định chi tiết về các dịch vụ cơ sở hạ tầng có thể kiểm chứng và sẽ được cung cấp cho công chúng dựa trên cơ sở đầu ra hoặc hiệu suất dựa trên thông số kỹ thuật. Thỏa thuận này phải quy định trách nhiệm và phân bổ rủi ro trong trường hợp xảy ra những sự kiện không lường trước được.

Việc quy định các dịch vụ cơ sở hạ tầng phải được giao cho các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, có nguồn lực và không bị chi phối bởi các bên tham gia hợp đồng cơ sở hạ tầng. Cơ chế giải quyết tranh chấp phải được tiến hành theo thứ tự đối với bất kỳ tranh chấp nào xảy ra trong thời gian tồn tại của dự án và bất đồng phải được giải quyết trên nguyên tắc kịp thời và công bằng.

Thứ năm, khuyến khích hoạt động kinh doanh có trách nhiệm. Hợp tác PPP là quá trình đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án có mục đích công cộng, dùng động lực cá nhân và tập thể để thúc đẩy phát triển cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, một trong những hạn chế của quá trình này là: khu vực tư nhân thường quá đề cao lợi nhuận cá nhân và coi nhẹ trách nhiệm xã hội kinh doanh. Chính vì vậy, khu vực tư nhân tham gia vào cơ sở hạ tầng phải tuân thủ nguyên tắc đã thống nhất và các chuẩn mực hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với môi trường và xã hội; phải có thiện chí và cam kết thực hiện hợp đồng và các điều khoản đã ký.

Khu vực tư nhân tham gia, nhà thầu phụ và các đại diện của mình không được phép hối lộ và tiến hành các hành vi không đúng mực để có được hợp đồng, giành quyền kiểm soát đối với tài sản hoặc giành ủng hộ, cũng như không được tham gia thực hiện hành vi như vậy trong quá trình hoạt động cơ sở hạ tầng của họ. Ngoài ra, phải đóng góp vào chiến lược trao đổi và tư vấn với công chúng, bao gồm cả người tiêu dùng, cộng đồng bị ảnh hưởng và các bên liên quan, nhằm đạt được sự chấp thuận và hiểu biết lẫn nhau về mục tiêu của các bên liên quan…

Hợp tác PPP trong phát triển cơ sở hạ tầng và các dịch vụ liên quan đã mở đường cho khu vực tư nhân gánh vác, đảm đương trách nhiệm về thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý, bảo trì và đóng góp tài chính. Khu vực công cần tập trung vào chức năng cốt lõi của mình, để khu vực tư nhân thực hiện những công việc mà giúp tiết kiệm chi phí cũng như mang lại hiệu quả hơn nhằm đạt được mục tiêu chính trong hợp tác PPP là cải thiện cơ sở hạ tầng của quốc gia và hỗ trợ các dịch vụ công mà không phụ thuộc quá mức vào các quỹ công cộng và không phải tăng thuế. Điều này sẽ góp phần giảm bớt nợ công cũng như quản lý tốt các dự án, công trình sau khi đưa vào sử dụng.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-thong/hop-tac-cong-tu-phat-trien-ha-tang-giao-thong-van-tai-i382362/