Hợp tác công tư trong khoa học công nghệ, chuyển đổi số: Mở đường cho đầu tư tư nhân

Nhiều cơ chế mới đang mở ra cánh cửa cho khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án khoa học công nghệ và chuyển đổi số theo hình thức đối tác công tư (PPP), với tỷ lệ vốn nhà nước có thể lên tới 70%, cùng hàng loạt ưu đãi và phân cấp mạnh về thẩm quyền quyết định.

Chiều ngày 2/7/2025, Bộ Tài chính đã tổ chức Họp báo thường kỳ quý II/2025. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp.

Phát biểu tại họp báo, ông Phạm Thy Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Tài chính) đã chia sẻ nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chính sách PPP trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là những chính sách vừa được hoàn thiện thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số luật về lĩnh vực tài chính và Nghị định số 180/2025/NĐ-CP mới ban hành ngày 1/7.

Nhiều ưu đãi, mở rộng phạm vi đầu tư PPP

Ông Phạm Thy Hùng cho biết, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có những bước tiến quan trọng trong hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động PPP trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - những lĩnh vực vốn khó thu hút đầu tư tư nhân do rủi ro cao, lợi nhuận khó lường và thiếu cơ chế chia sẻ.

Cụ thể, Luật PPP (được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 57/2024QH15) đã mở rộng lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP đối với tất cả các lĩnh vực, bãi bỏ quy mô vốn tối thiểu đối với dự án PPP, đồng thời áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP đến 70% tổng mức đầu tư đối với một số nhóm dự án cụ thể. Ông Hùng cho biết, quy định này đã tháo gỡ nhiều khó khăn trong thực tiễn, "cởi trói" cho hoạt động thu hút đầu tư tư nhân thông qua phương thức PPP ở tất cả các lĩnh vực đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Đức Minh

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Đức Minh

Tiếp đến là Luật số 90/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung 8 Luật thuộc lĩnh vực tài chính tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật PPP trên tinh thần tăng cường phân cấp phân quyền, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trung gian không cần thiết, bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi vượt trội cho dự án khoa học công nghệ nói riêng và các dự án thuộc lĩnh vực khác.

Luật số 90/2025/QH15 đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc triển khai dự án PPP thời gian qua, bảo đảm nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" như: không bắt buộc thành lập doanh nghiệp dự án PPP; doanh nghiệp dự án PPP được kinh doanh các ngành nghề ngoài phạm vi hợp đồng dự án PPP; xử lý vướng mắc giảm doanh thu của các dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ...

Điểm mới đầu tiên là phân cấp tối đa thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho bộ, ngành, địa phương trong việc quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án PPP; trao quyền cho Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với dự án.

Một điểm mới rất quan trọng đó là cắt giảm các thủ tục trung gian hoặc không cần thiết như: Bỏ thủ tục bắt buộc phải thành lập Hội đồng thẩm định dự án PPP, trao quyền cho các cơ quan tự quyết định việc thành lập hoặc không thành lập Hội đồng thẩm định; bỏ thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với một số nhóm dự án; bỏ quy định yêu cầu nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự; mở rộng trường hợp được áp dụng chỉ định nhà đầu tư, lựa chọn đặc biệt, đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với dự án PPP...

Bổ sung nhiều chính sách ưu đãi vượt trội cho dự án PPP khoa học, công nghệ để đáp ứng chủ trương thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị gồm: Quy trình thủ tục rút gọn; được áp dụng chỉ định nhà đầu tư, lựa chọn đặc biệt đối với doanh nghiệp khoa học, công nghệ có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng công nghệ chiến lược; được hỗ trợ 70% vốn nhà nước để đầu tư xây dựng công trình khoa học, công nghệ; được Nhà nước chia sẻ rủi ro giảm doanh thu trong 03 năm đầu sau thời điểm vận hành, kinh doanh và nhiều chính sách ưu đãi khác.

Đặc biệt, theo ông Hùng, Luật đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc triển khai dự án PPP thời gian qua, bảo đảm nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" như: không bắt buộc thành lập doanh nghiệp dự án PPP; doanh nghiệp dự án PPP được kinh doanh các ngành nghề ngoài phạm vi hợp đồng dự án PPP; xử lý vướng mắc giảm doanh thu của các dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ...

Ban hành nghị định riêng cho PPP trong đổi mới sáng tạo

Cùng với các sửa đổi trong luật, ngày 1/7/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 180/2025/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách PPP trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị định có hiệu lực ngay lập tức, được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong thu hút đầu tư tư nhân cho những lĩnh vực mang tính nền tảng này.

Ông Phạm Thy Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Tài chính). Ảnh: Đức Minh

Ông Phạm Thy Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Tài chính). Ảnh: Đức Minh

Theo Nghị định này, hợp tác công tư không chỉ được khuyến khích thực hiện theo các hình thức truyền thống quy định tại Luật PPP mà còn được mở rộng áp dụng đối với tất cả các hình thức hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư phù hợp các mô hình đầu tư công – quản trị tư, đầu tư tư – sử dụng công, lãnh đạo công – quản trị tư.

Nghị định quy định các hình thức hợp tác công tư gồm: Đầu tư theo Luật PPP (như hợp đồng BOT, BTO, BTL, O&M, BT…); các hình thức liên doanh liên kết theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; các hình thức hợp tác công tư khác như: hợp tác theo hình thức tài trợ, đặt hàng của Nhà nước, hợp tác 3 nhà.

Ông Phạm Thy Hùng cho biết, trong quá trình xây dựng chính sách, Bộ Tài chính đã tham vấn ý kiến từ nhiều bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và chuyên gia để đảm bảo tính khả thi và đồng thuận cao.

Bộ Tài chính cũng cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các bên trong triển khai hợp tác công tư, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Nghị định đã xác định cụ thể loại hình công nghệ, sản phẩm theo hướng ưu tiên khuyến khích hợp tác công tư trong các lĩnh vực chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, hạ tầng số, đồng thời có quy định mở để các bên lựa chọn các loại hình, sản phẩm khác phù hợp với định hướng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định các chính sách ưu đãi, bảo đảm đầu tư có tính đặc thù, vượt trội nhằm khuyến khích khu vực tư tham gia hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ như: hỗ trợ nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, chia sẻ rủi ro, miễn nộp khoản doanh thu tối thiểu trong hoạt động liên doanh, liên kết.

Nghị định quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện từng hình thức hợp tác theo hướng đơn giản hóa tối đa các thủ tục, đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong quản lý thực hiện các hoạt động này.

Xác định rõ trách nhiệm của ba bên, mở lối cho các dự án đổi mới sáng tạo quy mô lớn

Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi về cơ chế phối hợp và trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan khi triển khai các chính sách mới. Trả lời vấn đề này, ông Phạm Thy Hùng cho biết, một trong những bài học lớn trong xây dựng chính sách PPP là phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của ba bên tham gia: Nhà nước – cơ sở nghiên cứu – doanh nghiệp.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Đức Minh.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Đức Minh.

Về phía Nhà nước, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là xác định mục tiêu, định hướng phát triển công nghệ và chuyển đổi số theo chiến lược quốc gia. Thứ hai là đưa ra các “bài toán lớn” – tức những yêu cầu thực tiễn cấp bách – để viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp cùng tham gia giải quyết. Thứ ba là cung cấp hạ tầng nền tảng như phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và các quỹ hỗ trợ.

Các tổ chức khoa học công nghệ, đặc biệt là trường đại học và viện nghiên cứu, cần tổ chức thực hiện hoạt động nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời giải quyết các vấn đề đặt hàng từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Một ví dụ tiêu biểu là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã liên kết với các tập đoàn trong nước để xây dựng phòng thí nghiệm, nghiên cứu giải pháp công nghệ và cung cấp dịch vụ xác thực.

Với khu vực doanh nghiệp, vai trò then chốt là đầu tư kinh phí, vận hành hạ tầng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và chịu trách nhiệm kinh doanh sản phẩm ra thị trường. Đây cũng là nơi ứng dụng các công nghệ mới, đưa sáng kiến vào thực tiễn đời sống kinh tế.

“Việc xác định rõ trách nhiệm từng bên sẽ giúp hợp tác hiệu quả hơn, tránh tình trạng chồng chéo hay đùn đẩy như từng xảy ra trong thực tế” - ông Hùng nhấn mạnh.

Nhờ hành lang pháp lý mới, thời gian tới, nhiều dự án lớn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo sẽ được thúc đẩy triển khai. Một số ví dụ đang được xây dựng kế hoạch gồm: Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại Hà Nội, hệ sinh thái công nghệ số quốc gia, nền tảng hạ tầng dữ liệu lớn dùng chung giữa nhà nước và doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, các quỹ phát triển khoa học công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ rủi ro cũng sẽ được huy động, kết hợp với nguồn vốn ngân sách, nhằm tạo ra nguồn lực đủ mạnh để phát triển các dự án mang tính nền tảng quốc gia./.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hop-tac-cong-tu-trong-khoa-hoc-cong-nghe-chuyen-doi-so-mo-duong-cho-dau-tu-tu-nhan-179315.html