Hợp tác đại học – doanh nghiệp: Nền tảng tự chủ giáo dục và nâng tầm nhân lực quốc gia

Hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp đang trở thành mắt xích không thể thiếu trong hành trình tự chủ giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ những mô hình tiên phong như HSB – Đại học Quốc gia Hà Nội và EVN, có thể thấy rõ một hướng đi mới: đào tạo phải gắn với thực tiễn, và doanh nghiệp không chỉ là nơi tiếp nhận mà còn là đối tác kiến tạo tri thức.

Hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu trong chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy tự chủ giáo dục. Khi các trường đại học vận hành theo cơ chế mới, gắn đào tạo với thực tiễn, thì doanh nghiệp trở thành đối tác không thể thiếu – từ thiết kế chương trình đến kiểm định đầu ra.

Doanh nghiệp không còn đứng ngoài giảng đường

Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB) – Đại học Quốc gia Hà Nội – là một điển hình cho mô hình hợp tác hiệu quả. Là đơn vị tiên phong trong tự chủ học thuật và tài chính, HSB đã xây dựng chương trình đào tạo mở, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thông qua hợp đồng đào tạo, giảng viên doanh nhân và các hoạt động học – hành lồng ghép thực tiễn. Đặc biệt, sự đồng hành giữa HSB và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là minh chứng thuyết phục cho giá trị của việc "kết nối giảng đường với thị trường" – cả về chất lượng đào tạo lẫn hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực sau tốt nghiệp. Chia sẻ về mối quan hệ hợp tác này, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN, khẳng định:

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam: "Chúng tôi rất tự hào rằng EVN là đơn vị đồng hành ngay từ những ngày đầu thành lập cùng với Trường. Đến nay, chúng tôi cùng với Trường đã tổ chức đào tạo hàng trăm lượt cán bộ quản lý các cấp, từ cấp cơ sở đến cấp trung và cấp cao trong toàn Tập đoàn. Rõ ràng, trải nghiệm làm việc sau các chương trình đào tạo - dù ngắn hạn hay chương trình thạc sĩ - cho thấy các cán bộ đều phát huy tốt trách nhiệm của mình.

Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác này; các trường đã thay đổi nhanh chóng cả về phương pháp giảng dạy, tài liệu cũng như kỹ năng giảng dạy của giảng viên, tạo môi trường hợp tác rất hiệu quả. Do đó, hiện nay, các trường đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp."

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Hợp đồng đào tạo – mô hình ba bên cùng thắng

Thực tiễn đã cho thấy, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ngày càng được cụ thể hóa thông qua các hợp đồng đào tạo có ràng buộc rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm. Thay vì đào tạo đại trà, nhiều trường đã chuyển sang tiếp nhận đơn đặt hàng từ doanh nghiệp, thiết kế chương trình theo chuẩn đầu ra thực tế. Mô hình "ba bên cùng thắng" đang dần định hình: sinh viên được học sát nhu cầu thị trường, doanh nghiệp có nhân lực chất lượng, nhà trường nâng uy tín và nội lực phát triển. Đặt trong bối cảnh đổi mới hệ thống giáo dục đại học, theo PGS.TS. Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia giai đoạn tới, kết nối giữa giảng đường và thị trường không chỉ là xu thế, mà cần được luật hóa và hỗ trợ dài hạn.

PGS.TS. Lưu Bích Ngọc: "Theo tinh thần Nghị quyết 57, đại học phải trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, là nòng cốt thực hiện các đột phá về khoa học công nghệ. Vì vậy, đầu tư cho giáo dục đại học từ ngân sách nhà nước hoặc từ các nguồn khác vẫn cần được ưu tiên.

Cần đẩy mạnh hơn nữa sự bắt tay giữa doanh nghiệp và đại học. Đây là một cơ chế tận dụng và đầu tư nguồn lực. Doanh nghiệp được gì và đại học được gì để làm sao cân bằng lợi ích theo mô hình "win-win". Cơ chế để hợp tác doanh nghiệp với đại học sẽ giúp cung cấp nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học tự chủ, vươn lên. Trong toàn bộ nền kinh tế của chúng ta, cái bắt tay này sẽ tạo lên sự chuyển đổi mới, tạo lên những động lực tăng trưởng mới cho cả nền kinh tế."

PGS.TS. Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.

PGS.TS. Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.

Từ hợp tác đến kiến tạo hệ sinh thái nhân lực quốc gia

Trong nền kinh tế tri thức, đào tạo nguồn nhân lực không thể tách rời thực tiễn. Doanh nghiệp cần trở thành đối tác chiến lược, cùng đại học xây dựng hệ sinh thái học tập gắn với nhu cầu thị trường.

Những mô hình tiên phong như HSB – EVN đang mở ra một hướng đi mới: đưa tri thức ra khỏi khuôn khổ hàn lâm, hòa vào dòng chảy sản xuất – kinh doanh. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam phát triển những thế hệ nhân lực có năng lực hội nhập quốc tế, tư duy đổi mới, kỹ năng liên ngành – những yếu tố không thể thiếu trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.

Đào Tuấn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/hop-tac-dai-hoc-doanh-nghiep-nen-tang-tu-chu-giao-duc-va-nang-tam-nhan-luc-quoc-gia-102250714124201839.htm