Hợp tác đánh thức kinh tế ĐBSCL
Sáng 16/9, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang chủ trì tổ chức Phiên họp Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp ĐBSCL lần 3 năm 2023, lồng ghép tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp - Kết nối giao thương doanh nghiệp 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước; Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp ĐBSCL Võ Quốc Thắng; Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại ĐBSCL Nguyễn Phương Lam; chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang Hồ Việt Hiệp, cùng đại diện doanh nghiệp tiêu biểu vùng ĐBSCL tham gia sự kiện.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh, ĐBSCL là một trong 7 vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, với hơn 12% diện tích và 19% dân số cả nước, đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Qua đó, khẳng định mạnh mẽ chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng ĐBSCL hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước, là trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới. Thông qua Phiên họp Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp ĐBSCL và diễn đàn kinh tế của vùng, sẽ là cơ sở để xây dựng chương trình hành động thiết thực, hiệu quả hơn, hướng đến phát huy vai trò thiết thực của Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh ĐBSCL, tạo bước chuyến biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng trong thời gian tới.
Đối vối tỉnh An Giang, là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ giao thương quan trọng của trục Đông - Tây giữa ĐBSCL và các nước Đông Nam Á, có cửa khẩu quốc tế giáp Campuchia với nhiều tiểm năng để phát triển thành một trung tâm thương mại, dịch vụ và thu hút đầu tư. Chậm nhất trong quý IV/2023, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây sẽ là cơ sở để tỉnh tập trung thực hiện quy hoạch, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, chưa bao giờ An Giang cũng như vùng ĐBSCL được Trung ương đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông như giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2026 – 2027. Đây là nền tảng, điều kiện, động lực to lớn để tạo lợi thế cho An Giang trong thu hút đầu tư, tạo sự bứt phá phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp - Kết nối giao thương doanh nghiệp 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ định hướng và giải pháp giúp doanh nghiệp An Giang và vùng ĐBSCL ngày càng phát triển. Trong đó, quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông và chất lượng các công trình giao thông kết nối, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo cơ chế thúc đẩy hợp tác công – tư (PPP) nhằm khai thác thế mạnh, đánh thức kinh tế ĐBSCL.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đại dịch COVID-19 dù gây nhiều tổn thất, nhưng là cơ hội để thế giới thức tỉnh, chuyển hướng tăng trưởng bền vững và bao trùm, không bỏ ai lại phía sau. Định hướng phát triển thuận thiên, tăng trưởng xanh theo hướng bền vững của ĐBSCL là phù hợp xu thế mới này. Lãnh đạo và doanh nghiệp các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần đoàn kết, yêu thương, hỗ trợ, giúp đỡ nhau để cùng vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hop-tac-danh-thuc-kinh-te-dbscl-a374601.html