Hợp tác, gia tăng thời gian thực tập cho sinh viên trong chương trình đào tạo
Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM triển khai chương trình đào tạo Co-op cho sinh viên.
Theo đó sinh viên trường sẽ được thực tập tại doanh nghiệp 3-4 tháng khi theo học ngành Công nghệ tài chính và Hệ thống thông tin quản lý.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM cho biết như vậy tại tọa đàm về hợp tác đào tạo cử nhân chương trình Co-operative Education (Co-op) - dạy và học hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp tổ chức chiều 11/6.
Đây là lần đầu tiên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM triển khai chương trình đào tạo này.
Chương trình đào tạo kết hợp giữa các học kỳ học với một số kỳ tập sự hay làm việc tại doanh nghiệp như một nhân viên chính thức (từ năm 1 đến năm 4), có thể được trả lương tùy vào vị trí và năng lực hoặc yêu cầu của doanh nghiệp.
Theo đó, chương trình đào tạo Co-op của Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ đảm bảo thời gian cho sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp bắt đầu ngay từ năm nhất cho đến năm cuối.
Theo quá trình làm việc thực tế của sinh viên, thời gian thực tập sẽ tăng dần từ 1 tháng cho đến 3-4 tháng.
Để đảm bảo khoảng thời gian dành cho sinh viên làm việc, nhà trường sẽ đẩy nhanh các tín chỉ lý thuyết. Phía doanh nghiệp sẽ hướng dẫn sinh viên các học phần liên quan đến kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn.
Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM, chương trình đào tạo Co-op mang đến cho sinh viên nhiều lợi ích về tư duy, giúp sinh viên có cái nhìn sâu sắc hơn về giá trị công việc, phong cách làm việc, sở thích và năng khiếu nghề nghiệp của mình. Từ đó đặt ra mục tiêu, vị trí làm việc và động lực học tập đúng đắn.
Bên cạnh đó, chương trình giúp gia tăng kiến thức thực tiễn, sinh viên có cơ hội thu thập thông tin thông qua quan sát, thực hành, giao tiếp với người giám sát và đồng nghiệp.
Các bạn trực tiếp trải nghiệm với các đặc điểm công việc khác nhau, tăng thích nghi và hòa nhập với các phong cách lãnh đạo, văn hóa của doanh nghiệp.
Ngoài ra, sinh viên còn có cơ hội thực hành các kỹ năng chuyên môn đã được học vào thực tiễn công việc. Ví dụ như kỹ năng phân tích, tính toán, nói và viết, kỹ năng thích ứng thị trường.
"Không chỉ sinh viên, doanh nghiệp cũng thu về một số lợi ích nhất định từ chương trình đào tạo Co-op. Doanh nghiệp được tiếp nhận sinh viên như một nhân viên tập sự, giải quyết yêu cầu công việc tại các vị trí mà doanh nghiệp cần thay vì phải tuyển dụng vị trí cố định", TS Phong nói.
Doanh nghiệp được tham gia hướng dẫn, đánh giá từ kiến thức, kỹ năng, thái độ của sinh viên từ năm nhất, nắm bắt được năng lực cá nhân.
Từ đó, doanh nghiệp sàng lọc, tuyển dụng được nhân viên chính thức chất lượng tốt, nắm bắt ngay công việc và hòa nhập môi trường văn hóa của tổ chức. Hình ảnh về về mặt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng được gia tăng thông qua chương trình đào tạo Co-op.
Sau tọa đàm là lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM và các doanh nghiệp đối tác tham gia chương trình đào tạo Co-op hai ngành Công nghệ tài chính (Fintech) và Hệ thống thông tin quản lý (MIS).