Hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn kinh tế thế giới phát triển trên nhiều lĩnh vực
Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Diễn đàn kinh tế thế giới và quan hệ với Việt Nam
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công - tư, được Giáo sư Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Gênva, Thụy Sỹ. WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau.
WEF là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về Cách mạng công nghiệp 4.0 và hiện đang thực thi một số sáng kiến cụ thể và thực chất liên quan như Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản và Trung tâm an ninh mạng với sự tham gia của 92 đối tác.
Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh đó là các diễn đàn khu vực: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF ASEAN... Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu - học thuật... hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Quan hệ Việt Nam và WEF
Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam đã 4 lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng Chính phủ (vào các năm: 2007, 2010, 2017, 2019); các năm khác thường tham dự ở cấp Phó Thủ tướng. Cùng đó, Việt Nam cũng đã có 4 lần tham dự Hội nghị WEF ASEAN (trước năm 2016 là WEF Đông Á) cấp Thủ tướng Chính phủ vào các năm 2012, 2013, 2014 và 2017; các năm khác thường tham dự ở cấp Phó Thủ tướng Chính phủ.
Song song với việc tham dự các Hội nghị WEF, lãnh đạo hai bên cũng đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, trao đổi cấp cao, đặc biệt giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab tại Hội nghị WEF Thiên Tân (tháng 6/2023), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 41 (tháng 11/2022) và lần thứ 43 (tháng 9/2023).
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ,Việt Nam và WEF đã phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị quan trọng, điển hình:
Đối thoại Chiến lược quốc gia (CSD) giữa Việt Nam và WEF lần thứ nhất (ngày 29/10/2021) được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo”. Đối thoại được nhận định là đối thoại chiến lược quốc gia thành công nhất mà WEF phối hợp với một quốc gia tổ chức, cả về cấp tham dự, nội dung, thời điểm và công tác tổ chức.
Tại Hội nghị WEF Thiên Tân 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược quốc gia lần thứ 2 (26/6/2023) với chủ đề “Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước”.
Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội từ ngày 11-13/9/2018, Hội nghị WEF – Mê Công lần đầu tiên ngày 25/10/2016 tại Hà Nội và Hội nghị WEF Đông Á từ 6-7/6/2010 tại TP. Hồ Chí Minh.
Một số hợp tác cụ thể giữa WEF và các Bộ, ngành Việt Nam
Nổi bật trong đó là biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - WEF giai đoạn 2023-2026. Ngày 26/6/2023, tại Hội nghị WEF Thiên Tân, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - WEF giai đoạn 2023-2026 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab, là nền tảng quan trọng thúc đẩy hợp tác hai bên trong giai đoạn mới.
MOU tập trung vào hợp tác trong 6 lĩnh vực gồm: Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lương thực thực phẩm; Phát triển kỹ năng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh; Cụm công nghiệp hướng tới phát thải ròng bằng 0; Thúc đẩy các hành động về nhựa, bao gồm Chương trình hành động đối tác toàn cầu về nhựa (GPAP); Tài chính cho chuyển đổi năng lượng tái tạo; Hợp tác chuyển đổi số và thúc đẩy thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR).
Cùng đó, thời gian qua, Việt Nam và WEF cũng triển khai một số hợp tác liên quan đến tư vấn chính sách; Công nghệ, kinh tế số; Nông nghiệp; Thỏa thuận hợp tác về “Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường hướng tới tương lai” được ký vào tháng 1/2017 và đã hoàn thành vào tháng 1/2020. Triển khai Thỏa thuận, hai bên đã tổ chức Hội thảo về Năng lực cạnh tranh và Phát triển bao trùm và Hội thảo về Cơ sở hạ tầng; ra mắt Nhóm công tác về Cơ sở hạ tầng năm 2018 tại Hà Nội.
Hợp tác giữa Bộ Công Thương và WEF
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, thời gian qua, Bộ Công Thương Việt Nam và WEF đã triển khai hợp tác trong một số lĩnh vực. Như từ năm 2016, Bộ trưởng Công Thương là thành viên Ban chỉ đạo Sáng kiến định hình sản xuất tương lai của WEF và tham gia Nhóm Chiến lược khu vực ASEAN (RSG). Sáng kiến “Định hình sản xuất tương lai” là Dự án nghiên cứu của WEF theo đề xuất của Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch WEF.
Sáng kiến này tạo ra một diễn đàn cho các đại diện của các Chính phủ, doanh nghiệp thảo luận về định hướng phát triển của hệ thống sản xuất toàn cầu. Nhóm RSG là nhóm đa thành phần gồm 10 Bộ trưởng từ các nước ASEAN, 15 CEOs của các công ty lớn trong khu vực ASEAN, 10 đại diện từ giới học giả, xã hội dân sự và chuyên môn với nhiệm vụ là định hình chương trình nghị sự khu vực và thăm dò ý kiến cho tất cả các hoạt động của WEF tại khu vực ASEAN.
Cùng đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã tham gia Nhóm chuyên gia triển khai Sáng kiến ASEAN số. Mục tiêu của Sáng kiến là đưa ra các kiến nghị hành động giúp các nước ASEAN và khu vực hoàn thiện chính sách, hướng đến xây dựng hệ sinh thái số. Trong thời gian tới, sáng kiến sẽ tập trung đi vào thực hiện theo giai đoàn và từng trụ cột cụ thể. Sáng kiến ASEAN số gồm 05 trụ cột chính: Chính sách dữ liệu, Truy cập số, Kỹ năng số, Thanh toán điện tử và An ninh mạng. WEF sẽ lựa chọn một trụ cột làm tiêu điểm thảo luận xuyên suốt các hội thảo trong từng năm. Cụ thể, năm 2018, WEF đưa ra “Tầm nhìn kỹ năng số 2020 cho ASEAN”.
Năm 2019, WEF xây dựng Liên minh thanh toán điện tử trong ASEAN với mục tiêu hỗ trợ phát triển khung thanh toán số trong ASEAN một cách hài hòa và hội nhập, từ đó thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực. Năm 2020-2021, do đại dịch COVID-19, các hoạt động của sáng kiến bị gián đoạn. Năm 2022, WEF tổ chức Hội thảo trực tuyến về Tăng cường kỹ năng số trong chuyển đổi số ASEAN.
Hội nghị Thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) từ 24 – 27/6/2024. WEF Đại Liên năm nay là một trong những sự kiện lớn quan trọng nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thu hút hơn 1.500 đại biểu tham dự, trong đó có Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng thống Ba Lan Andrzej Sebastian Duda cùng gần 100 lãnh đạo và đại diện các nước, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế và Trung Quốc.
Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hai năm liên tiếp được mời tham dự Hội nghị thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao của WEF và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế, vai trò và những đóng góp của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực.
Trong bối cảnh quan hệ hai Đảng, hai nước đang phát triển sâu sắc, thực chất và toàn diện như hiện nay, chuyến công tác dự WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu thảo luận những biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước.
Tháp tùng chuyến công tác của Thủ tướng tới Đại Liên (Trung Quốc), Đoàn Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Chính sách thương mại đa biên; Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; Văn phòng Bộ; Báo Công Thương...
Tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), bên cạnh các hoạt động của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng có các buổi làm việc, trao đổi song phương với các bộ, đơn vị đối tác.