Ông Alexey Muravyov - giáo sư tại Đại học John Curtin, Australia đã trình bày một số ý kiến của mình về diễn biến tình hình khu vực trên ấn phẩm Merkur và thu hút nhiều sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế.
Từ năm 2022 đến tháng 10 năm 2023, Nga đã đưa vào trang bị cho Hạm đội Thái Bình Dương 8 tàu chiến và tàu hỗ trợ, bao gồm cả tàu ngầm thông thường cũng như tàu ngầm hạt nhân.
Bên cạnh đó kể từ đầu tháng 12/2023, Hải quân Nga đã được bổ sung hai tàu ngầm mới. Theo ông Muravyov, ngoài hạm đội Trung Quốc đang phát triển mạnh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, phương Tây cần chú ý đến Hải quân Nga.
Vị giáo sư nhắc lại rằng từ đầu năm 2022 đến tháng 10 năm 2023, Hạm đội Thái Bình Dương đã tiến hành 8 cuộc tập trận hải quân cấp chiến lược cũng như nhiều sự kiện nhỏ hơn.
Thủy thủ Nga tiến hành tập trận chung với Hải quân Ấn Độ và Myanmar. Chương trình bao gồm chuyến thăm Bangladesh, Thái Lan, Campuchia, Philippines...
Nhưng trong mọi trường hợp, chuyên gia này tin rằng Trung Quốc vẫn là đối tác hải quân quan trọng nhất đối với Nga. Từ năm 2005 đến năm 2023, quân đội hai nước đã tham gia ít nhất 19 cuộc tập trận song phương và 3 bên, cùng 3 cuộc tuần tra chung.
Tác giả bài viết cho rằng hợp tác hải quân giữa Trung Quốc và Nga đặt ra mối đe dọa đối với Liên minh AUKUS (bao gồm Úc, Anh, Mỹ).
Và đến năm 2032, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga có thể sở hữu ít nhất 45 tàu chiến, khiến cho sức mạnh của họ sánh ngang thời kỳ Liên Xô.
"Điều này cho thấy rõ ràng Hải quân Nga có thể đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với Australia và đồng minh ở Tây và Tây Bắc Thái Bình Dương, cũng như ở Bắc Cực nếu có xung đột nổ ra".
"Sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc có thể dẫn tới việc Liên minh AUKUS mở rộng, kết nạp thêm Hàn Quốc và Nhật Bản như một sự đối phó", ông Muravyov kết luận.
Bạch Dương