Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam và Sơn Đông còn rất nhiều dư địa để khai thác
Tại hội nghị Xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông) do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) tổ chức ngày 13/3 tại Hà Nội, các đại biểu và doanh nghiệp 2 nước cho rằng, với quy mô thị trường và những thế mạnh mang tính bổ sung lẫn nhau giữa hai bên, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Sơn Đông còn rất nhiều dư địa để khai thác.
Hội nghị có sự góp mặt của 86 doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông và 130 doanh nghiệp Việt Nam, thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, xuất, nhập khẩu, nông sản, thực phẩm chế biên, logistics, xây dựng, đầu tư...
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị và doanh nghiệp đã trao đổi, kết nối và đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc, nhằm thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản, thủy sản và các sản phẩm có thế mạnh của nước ta sang tỉnh Sơn Đông nói riêng và Trung Quốc nói chung, trong bối cảnh quốc gia này đã chính thức mở cửa cho phép nhiều loại nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường của họ.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương Vũ Bá Phú cho biết, trong tổng thể hợp tác với Trung Quốc, Bộ Công Thương rất coi trọng vai trò của tỉnh Sơn Đông - địa phương đầu tàu trong phát triển kinh tế của Trung Quốc. Năm 2023, quy mô thương mại giữa Sơn Đông và Việt Nam đạt 10,9 tỷ USD; đứng thứ 8 trong số các địa phương Trung Quốc có quan hệ thương mại với Việt Nam và chiếm khoảng 4,8% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Vì vậy, với quy mô thị trường và những thế mạnh mang tính bổ sung lẫn nhau giữa hai bên, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Sơn Đông còn rất nhiều dư địa để khai thác.
Để khai thác, phát huy hiệu quả hơn nữa những tiềm năng, nhu cầu của cả hai bên, ông Vũ Bá Phú đề nghị chính quyền tỉnh Sơn Đông tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng hơn nữa quy mô đầu tư, thương mại đối với các mặt hàng chất lượng cao, thế mạnh của mỗi bên, bao gồm trái cây, thủy sản, nông sản, thực phẩm chế biến, đồ uống, hàng dệt may… của Việt Nam cũng như các mặt hàng máy móc cơ khí, điện tử, sản phẩm hóa chất… của Sơn Đông. Đồng thời, ủng hộ doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành chế biến nông sản, dệt may, năng lượng mới, xe điện, cơ khí, điện tử mà Sơn Đông có ưu thế.
Về phía Trung Quốc, ông Tống Quân Kế, Phó Tỉnh trưởng Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông cho biết, tháng 6/2023, Chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông đã tổ chức hơn 100 doanh nghiệp sang Việt Nam đàm phán, xúc tiến và nhận được phản hồi rất tốt, chưa đầy một năm sau lại tổ chức thêm một phái đoàn kinh tế thương mại quy mô lớn sang thăm Việt Nam, cùng bắt tay tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại với Bộ Công Thương. Điều này thể hiện quyết tâm của Sơn Đông trong việc thúc đẩy hợp tác thực chất giữa Sơn Đông và Việt Nam.
Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Vương Quần cũng cho biết, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò là cầu nối, liên kết và sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương khác nhau ở Trung Quốc, trong đó có tỉnh Sơn Đông, trong việc tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại cùng có lợi với Việt Nam. Đồng thời, góp phần xây dựng mối quan hệ Cộng đồng Trung Quốc - Việt Nam cùng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược. Sơn Đông là một tỉnh lớn về dân số và phát triển kinh tế, trong đó ngành nông nghiệp và chế tạo là thế mạnh, do vậy dư địa hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.