Hợp tác nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân tim mạch tại Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ
Không chỉ hướng về đất nước, Giáo sư người Mỹ gốc Việt Thạch Nguyễn, thành viên Ban chấp hành Hội Tim mạch Mỹ và Hội Can thiệp tim mạch học Mỹ, còn có nhiều công sức trong việc phát triển lĩnh vực tim mạch can thiệp (TMCT) cho nền y học Trung Quốc và châu Á, góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Năm 1994, Giáo sư Michael Wolk, Chủ tịch Hội Tim mạch Mỹ và Giáo sư Thạch Nguyễn (thứ ba từ trái sang) cùng các giảng viên Mỹ khác đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 301 để giảng dạy cho bác sĩ tại đây.
Xin chào Giáo sư Thạch Nguyễn, hơn 30 năm qua, Giáo sư đã tới Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác giữa các bác sĩ tim mạch Mỹ với Trung Quốc và đạt được nhiều thành công. Từ đó tới nay, sự hợp tác ấy diễn ra như thế nào?
Trong thời gian tôi học tim mạch ở New York, tôi có nhiều người bạn là bác sĩ Trung Quốc đang du học ở đây. Khi trở về, họ đều trở thành Trưởng khoa tim mạch của nhiều bệnh viện ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Tây An... Sau đó, Giáo sư Dayi Hu chính thức mời tôi đến dạy phương pháp nong mạch.
Hồi ấy, các bệnh viện ở Trung Quốc thô sơ, thiếu thốn nhiều trang thiết bị. Điểm tôi đến giảng dạy đầu tiên là Bệnh viện Không quân tại Bắc Kinh. Những lần sau, tôi đã đem nhiều trang thiết bị mới sang và làm việc tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Triều Dương. Từ đó tới nay, tôi đã qua hàng trăm lần để làm việc ở nhiều bệnh viện Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải, Tây An và Thẩm Dương thực hiện thành công các kỹ thuật TMCT. Tôi cũng khám chữa bệnh cho nhiều người giữ chức vụ quan trọng tai Bệnh viện Quân đội Trung ương 301. Khi chúng tôi đến làm việc, đoàn được bố trí nghỉ tại Điếu Ngư Đài, nhà khách của Chính phủ Trung Quốc.
Thành tựu đầu tiên ở Trung Quốc là đã cùng Giáo sư Dayi Hu tổ chức Hội nghị quốc tế Tim mạch Vạn Lý Trường Thành. Mười năm đầu, tôi chủ trì hội nghị, sau đó các đồng nghiệp Trung Quốc tiếp quản và qua hơn 30 năm đây vẫn là một hội nghị lớn nhất về tim mạch ở Trung Quốc, thu hút sự quan tâm của giới bác sĩ và những nhà nghiên cứu khoa học toàn thế giới.

Giáo sư Thạch Nguyễn giảng dạy tại giường bệnh cho các học viên.
Giáo sư cho rằng trong quá trình hợp tác giữa các bác sĩ Mỹ và Trung Quốc cũng như Việt Nam ở lĩnh vực tim mạch, việc “cầm tay chỉ việc” trong lâm sàng rất quan trọng. Vì sao lại như vậy?
Năm 1992, việc tôi trình diễn thủ thuật CTTM trên truyền hình để các bác sĩ học là không hiệu quả. Vì vậy, tại Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, tôi áp dụng kỹ thuật dạy như ở Mỹ, thực tập sinh bác sĩ Trung Quốc đứng cạnh bệnh nhân với tư cách là người điều hành chính, giảng viên đứng sau thực tập sinh và cầm tay chỉ việc. Đây là phương pháp vô cùng hiệu quả, đã đào tạo cho nền y học Việt Nam, Trung Quốc nhiều thế hệ bác sĩ tim mạch rất giỏi các kỹ thuật thông tim, đặt stent… Các bác sĩ Việt Nam và Trung Quốc đều hứng thú và đánh giá cao cách học này.
Sau đó, tôi đã sắp xếp cho nhiều bác sĩ Trung Quốc đến Mỹ học tập. Các bác sĩ Trung Quốc sau khi trở về làm việc rất thành đạt, có người làm Chủ tịch Hội Tim mạch Trung Quốc, Giám đốc hay Trưởng khoa tim mạch ở nhiều bệnh viện lớn Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải...

Trong một buổi lễ vinh danh các Giáo sư nước ngoài đóng góp vào sự phát triển của ngành tim mạch tại Trung Quốc.
Các bác sĩ tim mạch Trung Quốc đã dịch cuốn sách của Giáo sư sang tiếng Trung, trở thành kim chỉ nam cho các bác sĩ CTTM ở Trung Quốc. Những nội dung chủ yếu mà Giáo sư muốn truyền tải trong cuốc sách ấy là gì?
Thành tựu thứ hai ở Mỹ và Trung Quốc là xuất bản viết cuốn Cẩm nang thực hành TMCT với những đóng góp quan trọng của các giáo sư đầu ngành nổi tiếng Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam. Cuốn sách này là cuốn best seller ở Mỹ nay đang tái bản lần thứ sáu.
Cuốn sách được các bác sĩ Trung Quốc dịch ra tiếng Trung, các bác sĩ Nga dịch ra tiếng Nga. Sách được đón nhận là cuốn sách gối đầu giường cho các bác sĩ TMCT toàn thế giới. Thông điệp chính là cung cấp các mẹo và thủ thuật để thực hiện thủ thuật TMCT thành công, an toàn và rẻ nhất.

Cuốn sách Cẩm nang thực hành TMCT được dịch ra Tiếng Trung.
Với những cống hiến cho ngành y học Trung Quốc trong lĩnh vực TMCT, Giáo sư đã được trao tặng nhiều Bằng Giáo sư danh dự. Những dự án nào đã giúp Giáo sư đạt được các phần thưởng danh giá đó?
Tôi xây dựng chương trình CTTM tại Bệnh viên Chữ thập đỏ Triều Dương của Đại học Y Thủ Đô. Đây là lý do tại sao Bệnh viện Triều Dương trao cho tôi Bằng Giáo sư danh dự. Suốt một thời gian dài, tôi cũng xây dựng mối quan hệ giữa Hội Trường môn Tim mạch Mỹ với Bệnh viện Quân y Trung ương 301 Bắc Kinh.
Trong dự án này, tôi đã làm việc với Giáo sư Shi Wen Wang - một vị tướng năm sao của Quân đội Trung Quốc và Giáo sư Runlin Gao - Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương Trung Quốc. Từ đó giúp cho bệnh viện này đạt nhiều thành tựu lớn về lĩnh vực TMCT, Bệnh viện 301 đã trao cho tôi Bằng Giáo sư danh dự.
Tôi cũng được Đại học Y Nam Kinh, Đại học Y Đồng Tế tại Thượng Hải trao tặng Bằng Danh dự này. Năm 2019, một buổi lễ vinh danh những đóng góp nổi bật của các giáo sư Mỹ cho nền y học Trung Quốc có Giáo sư Sidney Smith - Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Mỹ, Giáo sư Valentin Fuster - Tổng biên tập Tạp chí Hội Trường môn Tim mạch Mỹ và tôi. Điều này cho thấy tình bạn nồng ấm và mối quan hệ làm việc chặt chẽ với các giáo sư hàng đầu Trung Quốc.
GS có nhận định như thế nào về tương lai của lĩnh vực CTTM?
Hiện nay, các bác sĩ Trung Quốc, Việt Nam hay châu Á đều được đào tạo bài bản về thực hành các thủ thuật. Tuy nhiên, làm thế nào để cung cấp các thủ thuật tim mạch hiệu quả về mặt chi phí cho toàn bộ dân số là một thách thức lớn.
Gần đây, tôi đã đến trường Y Harvard để học một khóa học về sử dụng trí tuệ nhân tạo trong y học. Tại đó, tôi gặp nhiều bác sĩ và doanh nhân trẻ Trung Quốc. Chúng tôi thảo luận về những điểm mạnh và yếu của hệ thống y tế Trung Quốc và bàn cách nào để bán nhiều ứng dụng phần mềm y tế Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Đây là một kế hoạch thú vị và nhiều thử thách. Đối với chúng tôi, những bác sĩ và doanh nhân Mỹ và Trung Quốc, không có gì là không thể, nếu nỗ lực hết mình, kiên cường, cởi từng nút thắt và tin vào một ngày mai tươi sáng.