Hợp tác nâng tầm tri thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam vừa ký kết biên bản hợp tác triển khai dự án đào tạo trực tuyến 'Nâng tầm tri thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam'.
Dự án này được triển khai tại nền tảng www.smelearning.vn.
Việc thực hiện dự án nhằm đẩy mạnh triển khai chủ trương, định hướng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, doanh nghiệp của Bộ Chính trị nêu tại Nghị quyết số 41-NQ/TW về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới và kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW được ban hành tháng 5 vừa qua. Cụ thể, Dự án hướng tới nâng cao trình độ, tri thức cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, qua đó, đóng giúp doanh nghiệp hoạt động bài bản, hiệu quả bền vững thông qua sử dụng nguồn lực xã hội hóa.
Theo đó, dự án sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn 2024 - 2025 hướng đến việc xây dựng khoảng 1.000 khóa học vào năm 2025 và khoảng 5.000 khóa học vào năm 2035.
Có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc được tiếp cận các khóa học miễn phí, chất lượng, theo đúng lộ trình và giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Hơn 6.000 người lao động của doanh nghiệp nhỏ và vừa (chủ doanh nghiệp, người quản lý, người lao động) tham gia và hưởng lợi từ các khóa đào tạo. Các tổ chức đồng hành và nhà tài trợ tham gia vào dự án theo nhiều hình thức, được chia sẻ các nội dung, dịch vụ số, phát triển nền tảng công nghệ mới… Dự án khuyến khích sự tham gia của các bộ, ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp ở trung ương và địa phương, các chuyên gia để cùng xây dựng và phát triển một nền tảng học tập hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, việc triển khai dự án sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có được môi trường học tập thuận tiện, từng bước hình thành môi trường "doanh nghiệp học tập" tại các doanh nghiệp, góp phần giúp các doanh nghiệp thay đổi quản trị, nâng cao năng lực phát triển theo hướng bền vững. Để dự án được triển khai hiệu quả, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các bộ ngành, địa phương, các Hiệp hội, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp thông báo rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp để đăng ký tham gia các chương trình, khóa học của dự án; các địa phương quan tâm, tham gia, phối hợp với hiệp hội cùng triển khai tích cực để khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn không ngừng học tập, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, dự án là một bước tiến của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tham gia vào công cuộc cải cách hành chính của Chính phủ, tạo ra một môi trường số mà ở đó các doanh nghiệp có thể tìm kiếm được các câu trả lời cho từng nhu cầu riêng biệt.
"Cộng đồng đồng thời hy vọng Việt Nam sẽ thực sự "nâng tầm" và bắt kịp với tốc độ phát triển của đất nước, từ đó đóng góp nhiều hơn nữa vào việc tạo dựng công ăn việc làm, thu ngân sách và nâng cao đời sống của người lao động", ông Nguyễn Văn Thân hy vọng.
Các khóa học được thiết kế theo 6 giai đoạn phát triển của doanh nghiệp gồm: ý tưởng kinh doanh; thành lập doanh nghiệp; vận hành doanh nghiệp; tăng trưởng; trưởng thành/ổn định và niêm yết chứng khoán và theo nguyên lý "kiềng 3 chân" trong xây dựng và phát triển doanh nghiệp (Bán hàng và marketing - vốn và tài chính - vận hành và quản trị doanh nghiệp).
Các cột kiến thức này sẽ triển khai song song cùng các khóa đào tạo tăng cường kỹ năng, ý tưởng mới, kinh nghiệm, phổ cập chính sách, chuyển giao công nghệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Dự kiến, mỗi doanh nghiệp khi tham gia dự án sẽ được cung cấp tài khoản miễn phí để học tập.
Dự án được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực nâng cao văn hóa học tập trong doanh nghiệp cũng như cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lãnh đạo và người quản lý của doanh nghiệp, từ đó góp phần hình thành lực lượng doanh nghiệp dân tộc.