Hợp tác ngăn chặn dòng tin độc hại

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dòng tiền thông qua quảng cáo 'chảy vào' các trang thông tin có nội dung không lành mạnh, độc hại.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dòng tiền thông qua quảng cáo “chảy vào” các trang thông tin có nội dung không lành mạnh, độc hại.

Uốn nắn dòng tiền khỏi luồng tin độc hại

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) (Bộ TT&TT), một cuộc khảo sát gần đây cho thấy rằng có tới 43% lượng view trên internet là “view xấu”, tức là số lượt xem gắn liền với các nội dung nhảm nhí, sai lệch, độc hại…

“Tuy nhiên, các nhãn hàng hiện nay đang bị xu thế chạy theo KPI về view. Theo nguồn tin từ một đơn vị tại Singapore, thì 43% view trên mạng xã hội hiện nay là view xấu. Nhưng các nhãn hàng rất coi thường chuyện đó, đổ tiền vào cả 43% lượng view xấu đó. Trong khi đó, nếu chỉ cần đầu tư khoảng 10% ngân sách đó vào lượng view tốt sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”, ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.

Một số trang web, tài khoản Facebooker, Tiktoker sống được là nhờ nguồn tiền quảng cáo đổ vào. Do đó, một số trang web, tài khoản mạng xã hội “bất chấp” tạo ra những nội dung không lành mạnh. Do đó, Cục PTTH&TTĐT đã xây dựng và cập nhật danh sách các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật (gọi tắt là Black List) từ năm 2022 đến nay. Đây là các website Bộ TT&TT đề nghị người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo không phát hành sản phẩm quảng cáo trên đó do có nội dung vi phạm.

Không chỉ công bố danh sách website vi phạm pháp luật, hồi tháng 3/2023, Cục PTTH&TTĐT đã lần đầu tiên công bố danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (gọi tắt là White List). Việc cho ra đời White List và Black List là một trong những giải pháp được Bộ TT&TT đưa ra nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên Internet tại Việt Nam.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, quảng cáo trên môi trường mạng, đặc biệt là quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, bộc lộ nhiều nguy cơ khi người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không thể đảm bảo quản lý tốt vị trí hiển thị quảng cáo, để cho quảng cáo cài đặt vào các nội dung nhằm nhí, phản cảm, thậm chí là xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 1 Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Ngoài ra, dòng tiền quảng cáo được nền tảng xuyên biên giới chia sẻ cho các đối tượng sản xuất nội dung vi phạm pháp luật, qua đó gián tiếp tiếp tay cho hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, phát tán tin giả, tin xấu độc trên môi trường mạng.

Trước tình hình đó, Bộ TT&TT đã tổ chức làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, các nhãn hàng lớn, các nền tảng xuyên biễn giới để chấn chỉnh, đồng thời tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính nhiều tổ chức, doanh nghiệp vi phạm, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.

Gần đây nhất, vào cuối tháng 5/2024, Cục PTTH&TTĐT đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Inverse Media 15 triệu đồng do đặt sản phẩm quảng cáo vào kênh YouTube có nội dung vi phạm pháp luật (xuyên tạc, nói xấu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam) được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng. Ngoài phạt tiền, Công ty TNHH Inverse Media buộc phải tháo gỡ toàn bộ quảng cáo trên kênh mạng xã hội YouTube có nội dung vi phạm. Đây là biện pháp mạnh tay của cơ quan quản lý sau nhiều lần cảnh báo.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT, nguồn tiền quảng cáo cần phải được “uốn nắn” lại. Cụ thể, các nhà quản lý sẽ điều hướng để giúp các đơn vị quảng cáo, các doanh nghiệp xác định được những nội dung sạch, những nội dung chính thống hướng nguồn tiền quảng cáo tới; tránh những nguồn thông tin độc hại, tin rác, câu view, bôi xấu chế độ trên các nền tảng. Danh sách “White List” và “Black List” là một trong những giải pháp để Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục nắm bắt, giám sát và can thiệp được để giới hạn các kênh nội dung vi phạm pháp luật. Những nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực văn hóa đều phải bị cắt dòng tiền quảng cáo từ doanh nghiệp. Dòng tiền đó phải tìm tới các kênh có nội dung sạch.

Tìm kiếm mô hình hợp tác

Trong bối cảnh không gian số ngày càng phát triến, ông Lê Quang Tự Do cho rằng, báo chí, doanh nghiệp và các nhà quảng cáo đều đang gặp vấn đề của riêng mình. Bởi vậy, “ba nhà” cần phải tìm ra giải pháp để các bên có thể tìm hiểu vấn đề và khó khăn của nhau. Với xu hướng dòng chảy ngân sách quảng cáo vào báo chí đang giảm dần theo tỷ lệ tổng chi quảng cáo hàng năm, nhiều cơ quan báo chí đang đối mặt với những khó khăn nhất định về doanh thu và tái đầu tư phát triển. Bởi vậy, việc tìm ra được một mô hình hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp, đơn vị quảng cáo là rất cần thiết.

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Western Pacific, thừa nhận rằng trong bối cảnh truyền thông thay đổi, các doanh nghiệp đang có rất nhiều lựa chọn trong việc quảng cáo, không chỉ các kênh chính thống, mà còn trên các mạng xã hội, các kênh của những người nổi tiếng…

Theo bà Phạm Thị Bích Huệ, báo chí cần phải thay đổi để cùng hòa hợp với xu hướng truyền thông mới. Cụ thể, báo chí cần xây dựng những sản phẩm, những nội dung có chất lượng, có nhiều độc giả và mang lại lợi ích thực sự cho các sản phẩm của doanh nghiệp, để các doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác trên tinh thần hai bên cùng phát triển.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam, mối quan hệ hiện nay của báo chí và doanh nghiệp phải được xem là mối quan hệ mua bán hai bên cùng có lợi, nhưng là “mua bán niềm tin”. Cụ thể báo chí sẽ cung cấp cho doanh nghiệp một kênh quảng cáo tốt, có nhiều người đọc chất lượng và chính thống. Khi đó doanh nghiệp mới thực sự đặt niềm tin vào các cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, ông Lê Quốc Vinh, chuyên gia truyền thông, cho rằng, thực tế hiện nay vẫn cho thấy các doanh nghiệp, các nhà quảng cáo vẫn đang có xu hướng chỉ tập trung vào “view” là chính, thay vì chú ý đến những kênh quảng cáo có nội dung uy tín, chất lượng… của các cơ quan báo chí chính thống.

Người dùng đọc thông tin báo chính thống.

Người dùng đọc thông tin báo chính thống.

Từ góc độ cơ quan báo chí, ông Nguyễn Bá, Tổng Biên tập VietNamNet cho rằng, báo chí hiện tại cũng đã có những chuyên mục, những đề tài… tập trung vào những chủ đề “báo chí nhân văn” hay “báo chí tử tế”, đề cao cái đẹp trong cuộc sống, là nơi mà báo chí và doanh nghiệp hoàn toàn có thể hợp tác

Báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh; là cầu nối hiệu quả đưa thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp đến với công chúng mục tiêu, tạo ra giá trị và danh tiếng cho doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp là nguồn thông tin để phản ánh chân thực về đời sống; là cảm hứng, là chất liệu cho quá trình sáng tạo nội dung của báo chí; đồng thời còn là đối tác, khách hàng và là động lực của sự phát triển.

Theo các chuyên gia truyền thông, việc hợp tác giữa ba đơn vị: Cơ quan báo chí báo, doanh nghiệp và đơn vị quảng cáo - là điều cần thiết trong bối cảnh báo chí hiện này, vừa giúp báo chí cải thiện nguồn thu, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Nhất là giúp tránh dòng tiền chạy vào các nội dung, các thông tin rác, câu view, bôi xấu chế độ trên các nền tảng mạng xã hội và các trang tin trôi nổi trên internet. Một hình thức hợp tác được gợi ý trong mô hình phối hợp này là tổ chức các sự kiện như sự kiện truyền thông, các sự kiện trong ngành. Đặc biệt, các cơ quan báo chí còn có khả năng kết nối rất tốt với các bên liên quan khác nhau như với các cơ quan Chính phủ, với doanh nghiệp, người nổi tiếng…

Bài: Xuân Lâm - Hồng Nhung
Ảnh: Xuân Cường - CTV
Trình bày: Xuân Lâm - Nguyễn Hà

21/06/2024 04:00

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/long-form/xa-hoi/hop-tac-ngan-chan-dong-tin-doc-hai-20240620074807769.htm