Hợp tác phát triển y tế vùng: Giảm tải, tăng chất lượng khám chữa bệnh
Thời gian qua, ngành y tế TPHCM đã ký kết hợp tác phát triển y tế vùng với các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL nhằm giảm tải cho hệ thống y tế TPHCM, chăm sóc sức khỏe người dân trong vùng ngày càng tốt hơn. Việc hợp tác này góp phần xây dựng và phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu, giúp người dân tiếp cận y tế kỹ thuật cao ngay tại địa phương.
Chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ chuyển giao
Mới đây, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện Sở Y tế TPHCM cùng sở y tế các tỉnh Đông Nam bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh) đã ký kết thỏa thuận hợp tác và phát triển. Các đơn vị thống nhất các chủ đề ưu tiên cần tăng cường kết nối, phối hợp, chuyển giao và chia sẻ kinh nghiệm, gồm: hợp tác, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối trên địa bàn TPHCM và các bệnh viện tuyến tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ; xây dựng mạng lưới các chuyên khoa từ các bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM đến các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến y tế cơ sở; tăng cường kết nối và liên thông dữ liệu trong công tác phòng chống dịch, công tác quản lý ngành…
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng ký kết hợp tác trong lĩnh vực y học dự phòng nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch, cụ thể: thiết lập kênh chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh; thực hiện đánh giá nguy cơ dịch bệnh nội tại và khu vực; giám sát tác nhân của các dịch bệnh lưu hành và các dịch bệnh nguy hiểm gây dịch khác; chia sẻ chuyên môn, kỹ thuật, mô hình hay và sáng tạo, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch; chi viện hỗ trợ nguồn lực phòng chống dịch trong các tình huống khẩn cấp…
Trước đó, Sở Y tế TPHCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác và phát triển trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn từ nay đến năm 2025 với sở y tế 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL (TP Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp).
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, thỏa thuận hợp tác được ký kết theo 2 cấp độ: hợp tác song phương giữa các cơ sở y tế với nhau (bao gồm hợp tác chuyển giao kỹ thuật giữa bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện địa phương; hợp tác chuyên môn giữa trung tâm kiểm soát dịch bệnh các tỉnh, thành phố; hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước giữa các sở y tế) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của từng đơn vị, địa phương; đồng thời hợp tác xây dựng và phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu từ bệnh viện tuyến cuối đến tuyến y tế cơ sở, từ TPHCM đến các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Xây dựng mạng lưới chuyên khoa vùng
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, đề án y tế vùng đang được Sở Y tế TPHCM xây dựng để trình UBND TPHCM thông qua, với mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu vực. Hiện sở đã yêu cầu các bệnh viện ở TPHCM phải thay đổi nhận thức, đó là không chỉ chăm lo sức khỏe người dân ở TPHCM mà còn chăm lo sức khỏe người dân vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL.
“Định kỳ 6 tháng, các địa phương sẽ sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm để sớm đưa kế hoạch hợp tác trở thành những hoạt động thiết thực, hướng đến mục tiêu giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân trong vùng. Bởi lo cho các tỉnh là lo cho chính TPHCM”, PGS-TS Tăng Chí Thượng khẳng định.
Cũng theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, trên cơ sở đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật can thiệp tim mạch để người dân các địa phương không phải chuyển về TPHCM điều trị như trước đây, dự kiến một trung tâm chuyên sâu tim mạch với các kỹ thuật chuyên khoa (từ phẫu thuật tim hở cho đến thông tim can thiệp, điện sinh lý…) sẽ sớm được thành lập tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, với sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật toàn diện của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Trong tương lai, các bệnh viện ở TPHCM sẽ chuyển giao các kỹ thuật mới cho các bệnh viện tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ. Sau khi đã phát triển vững chắc những kỹ thuật chuyên sâu, các bệnh viện địa phương sẽ hạn chế thấp nhất chuyển viện về TPHCM.
Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh, cho rằng, việc ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển y tế vùng Đông Nam bộ là cơ hội đem lại cho ngành y tế các tỉnh, thành phố trong vùng được tiếp cận với kinh nghiệm, kiến thức trong nhiều lĩnh vực, như: quản lý y tế, hợp tác y tế, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm triển khai hiệu quả mô hình phòng khám vệ tinh. Đồng thời phát triển dịch vụ trong hệ thống y tế công lập, xây dựng mạng lưới cấp cứu trong và ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.
Trước mắt, ngành y tế TPHCM sẽ hỗ trợ 13 sở y tế các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và 5 tỉnh vùng Đông Nam bộ về chuyển giao kỹ thuật, công tác đào tạo nhân lực, hợp tác nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phát triển y tế cơ sở, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế tư nhân… Các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối trên địa bàn TPHCM cũng đang khẩn trương phác thảo kế hoạch phát triển mạng lưới chuyên khoa theo quy mô vùng, tham gia triển khai các kỹ thuật chuyên sâu theo từng chuyên khoa, như: sản, nhi, ung thư, thần kinh - đột quỵ, can thiệp tim mạch, ngoại thần kinh - chấn thương chỉnh hình, ngoại niệu…