Hợp tác phòng chống Covid-19: Điểm sáng trong quan hệ Việt-Mỹ

Sự hỗ trợ quý báu, hợp tác hiệu quả, giúp đỡ lẫn nhau kịp thời trong đại dịch đã góp phần quan trọng tăng cường tình hữu nghị, gắn bó giữa Chính phủ và người dân Việt Nam-Mỹ. Đó sẽ là cơ sở để tiếp tục đưa quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Mỹ tiếp tục phát triển, hướng tới một tầm cao mới.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc.

Xuất phát từ tình người, tinh thần tương trợ

Quan hệ giữa các quốc gia cũng như quan hệ giữa con người với con người. Những lúc khó khăn, mới thấy hết ý nghĩa của việc có bạn bè, đối tác tốt. Đại dịch Covid-19 đã làm toàn thế giới điêu đứng, song nó cũng chứng tỏ sức mạnh của tinh thần hợp tác, cùng nhau vượt qua thử thách.

Trong suốt hai năm chiến đấu với đại dịch Covid-19, Mỹ và Việt Nam đã hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau rất tích cực và kịp thời. Đến nay, Mỹ viện trợ tổng cộng cho chúng ta gần 25 triệu liều vaccine chất lượng cao, góp phần quan trọng vào việc triển khai chiến dịch tiêm chủng lịch sử ở Việt Nam.

Ngoài vaccine, Mỹ còn viện trợ 77 tủ bảo quản âm sâu và hàng chục triệu USD trang thiết bị y tế, hỗ trợ Việt Nam công nghệ giải tự gen, giúp phát hiện các biến thể của virus, cung cấp thiết bị xét nghiệm cũng như các thiết bị thiết yếu để điều trị bệnh nhân Covid-19 như máy thở, máy làm giàu oxy và bình oxy lỏng…

Trước sự lây lan nhanh của biến thể Omicron, Việt Nam và Mỹ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong giám sát, xét nghiệm và trao đổi thông tin thông qua Văn phòng CDC khu vực có trụ sở tại Hà Nội (khai trương tháng 8/2021).

Hợp tác phòng chống Covid-19 đã trở thành một điểm sáng nổi bật trong quan hệ Việt - Mỹ hai năm qua. Trong tất cả những cuộc trao đổi, tiếp xúc của tôi với bạn bè, đối tác các kênh chính quyền, Quốc hội, doanh nghiệp, hiệp hội, học giả Mỹ, cảm nhận xuyên suốt là nước Mỹ muốn tận dụng tiềm lực khoa học công nghệ và tài chính rất lớn của mình để hỗ trợ các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta, sớm vượt qua đại dịch.

Tôi còn nhớ, ngay từ khi vaccine Covid-19 ở Mỹ mới trong giai đoạn chuẩn bị được triển khai tiêm chủng cho người dân Mỹ, đã có những người bạn như Hạ nghị sĩ Ami Bera, Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, vốn là một bác sĩ, chia sẻ với tôi rằng, ông mong muốn nước Mỹ sẽ hỗ trợ vaccine cho các nước khác. Điều đó đã và đang diễn ra.

Đối với Việt Nam, chúng ta đã nhận được sự quan tâm cao và sự ủng hộ, giúp đỡ kịp thời, hiệu quả từ chính quyền, Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng người Việt tại Mỹ.

Thời khắc đã làm tôi rơi nước mắt và không bao giờ quên là ngày 10/7/2021, khi hai triệu liều vaccine đầu tiên Mỹ viện trợ đã đến Việt Nam, đúng lúc dịch Covid-19 đang nước sôi lửa bỏng. Và điều càng làm tôi cảm động là Chính phủ và nhân dân Mỹ luôn nhắc lại nghĩa cử cao đẹp của chúng ta, đã hỗ trợ họ khẩu trang, đồ bảo hộ vào thời khắc nước Mỹ khó khăn nhất trong đại dịch Covid-19 và họ mong muốn có hành động đáp lại nghĩa cử đó. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam 1 triệu liều vaccine.

Trong trao đổi riêng với các quan chức cấp cao trong chính quyền, khi nghe ta chia sẻ những khó khăn, mất mát của người dân Việt Nam giữa đỉnh điểm của làn sóng Covid-19 lần thứ tư, họ đều quan tâm, thể hiện sự cảm thông sâu sắc và khẳng định: “Chúng tôi luôn bên cạnh nhân dân Việt Nam và sẽ tiếp tục hỗ trợ các bạn”. Và mỗi lần sau đó, các đợt viện trợ vaccine của Mỹ thông qua COVAX lại đều đặn đến với người dân Việt Nam.

Các đối tác Mỹ rất ấn tượng và phấn khởi trước việc ta tận dụng hiệu quả số vaccine mà họ viện trợ. Tôi thường nói với họ rằng, Việt Nam luôn trân trọng và không bỏ phí dù chỉ một liều vaccine. Đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng để phía Mỹ tiếp tục viện trợ thêm vaccine cho Việt Nam. Sự hỗ trợ, giúp đỡ của Mỹ với nguồn vaccine chất lượng cao đã góp phần rất quan trọng để chúng ta về đích sớm như thế trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử Việt Nam.

Nhìn lại hai năm đầy khó khăn do đại dịch Covid-19, quan hệ Việt - Mỹ vẫn không ngừng phát triển và tiếp tục đạt nhiều thành tựu mới. Chính trong hoàn cảnh khó khăn ấy, mới thấy rõ hơn bao giờ hết thiện chí, quyết tâm và nỗ lực rất lớn của cả hai bên nhằm vun đắp, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ. Chúng ta đã vượt qua nghịch cảnh, biến nguy thành cơ, không những giữ được đà, mà còn đưa quan hệ tiến lên phía trước!

Đại dịch rồi sẽ qua đi. Nhưng tôi nghĩ điều còn đọng lại mãi là tình người, sự đồng cảm, tinh thần tương trợ mà hai nước dành cho nhau vào những thời điểm khó khăn. Chính sự hỗ trợ quý báu, hợp tác hiệu quả, giúp đỡ lẫn nhau kịp thời đã góp phần quan trọng tăng cường tình hữu nghị, gắn bó giữa Chính phủ và người dân hai nước. Đó sẽ là cơ sở để tiếp tục đưa quan hệ Đối tác Toàn diện Việt - Mỹ tiếp tục phát triển.

Đến nay, Mỹ đã viện trợ tổng cộng cho Việt Nam gần 25 triệu liều vaccine chất lượng cao.

Đến nay, Mỹ đã viện trợ tổng cộng cho Việt Nam gần 25 triệu liều vaccine chất lượng cao.

Chủ động, quyết liệt và dấn thân

Sống và làm việc ở địa bàn Mỹ, chúng tôi, cán bộ ngoại giao của các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ nhận thức rõ rằng: có nhiều cơ hội để thúc đẩy các lợi ích của đất nước. Điều chúng tôi tâm niệm, có thể gói lại trong sáu chữ là: “chủ động”, “quyết liệt” và “dấn thân”.

Thứ nhất, chủ động trong tư duy và tâm thế, luôn sẵn sàng nắm bắt mọi cơ hội, hiện thực hóa thành lợi ích cụ thể cho đất nước, từ kinh tế, thương mại, đầu tư; khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo; vận động vaccine Covid-19; khắc phục hậu quả chiến tranh; bảo vệ chủ quyền và nâng cao vị thế đất nước; cho đến gắn kết cộng đồng người Việt tại Mỹ với trong nước...

Chủ động trong dự báo và ngăn ngừa khủng hoảng ngay từ mới manh nha. Chủ động trong việc xây dựng và củng cố mạng lưới bạn bè, đối tác sâu rộng và hệ thống cảnh báo sớm trong chính giới, doanh nghiệp, học giả Mỹ để họ thông báo trước, giúp ta “kịp trở tay” khi có vấn đề phát sinh trong quan hệ.

Thứ hai, quyết liệt trong hành động. Là nước lớn, Mỹ có rất nhiều cam kết, nhiều ưu tiên, quan tâm trải khắp toàn cầu. Nếu chúng ta không quyết liệt, không đeo bám tới cùng, thì nền tảng quan hệ dù có tốt, cũng có nguy cơ bỏ lỡ những cơ hội tốt cho đất nước.

Đặc biệt là khi xuất hiện tình huống xung đột về lợi ích, cần quyết liệt vận động đấu tranh, huy động mọi nguồn lực, mọi kênh, mọi cấp, để có thể giải tỏa kịp thời, không để xung đột nhỏ thành xung đột lớn.

Đồng thời, sự quyết liệt đó luôn đi liền với tinh thần thiện chí, xây dựng; tính đến lợi ích chính đáng của nhau, chứ không chỉ bo bo giữ lợi ích riêng của mình. Sự quyết liệt, đồng thời khéo léo, đúng với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” mà Bác Hồ từng căn dặn các thế hệ cán bộ ngoại giao.

Thứ ba, dấn thân trong những hoàn cảnh đòi hỏi sự đột phá, sáng tạo; dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong tình hình biến động phức tạp vừa qua, không phải tình huống nào, vấn đề nào cũng có sẵn “cẩm nang” hay được sự chỉ đạo từ thủ đô.

Có những tình huống đòi hỏi người cán bộ ngoại giao cam đảm, quên mình dấn thân, mới bảo vệ được tốt nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, mới thúc đẩy được quan hệ.

Để làm được điều đó, chỗ dựa vững chắc nhất là lòng yêu nước, là sự đau đáu bảo vệ lợi ích dân tộc và được sự tin tưởng của Lãnh đạo và Nhân dân. Với hậu phương vững chắc như vậy, chúng tôi hoàn toàn tự tin để dấn thân.

Trong trao đổi riêng với các quan chức cấp cao trong chính quyền, khi nghe ta chia sẻ những khó khăn, mất mát của người dân Việt Nam giữa đỉnh điểm của làn sóng Covid-19 lần thứ tư, họ đều quan tâm, thể hiện sự cảm thông sâu sắc và khẳng định: chúng tôi luôn bên cạnh nhân dân Việt Nam và sẽ tiếp tục hỗ trợ các bạn. Và mỗi lần sau đó, các đợt viện trợ vaccine của Mỹ thông qua COVAX lại đều đặn đến với người dân Việt Nam.

Hà Kim Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hop-tac-phong-chong-covid-19-diem-sang-trong-quan-he-viet-my-172143.html