Hợp tác quân sự Nga-Trung đánh dấu tín hiệu mới về cuộc tập trận chung
Trung Quốc và Nga khẳng định hợp tác sâu sắc giữa quân đội hai nước thông qua cuộc tập trận chung trong tuần qua.
Tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga
Theo hãng CNN, khoảng 10.000 quân đội Nga và Trung Quốc đã liên tục tham gia cuộc diễn tập quân sự ở phía bắc Trung Quốc trong suốt 1 tuần qua. Đây là tín hiệu hợp tác quân sự giữa Moscow và Bắc Kinh nhằm giúp quân đội hai nước hợp tác hiệu quả hơn, đồng thời cho thấy Bắc Kinh và Moscow đang tăng cường nỗ lực học hỏi lẫn nhau trong cách ứng phó với các thách thức an ninh khu vực.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nêu rõ đây là cuộc tập chung đầu tiên giữa Trung Quốc và Nga có sử dụng hệ thống chỉ huy và kiểm soát chung. Các cuộc tập trận chung đã cung cấp cơ hội cho hai bên tham gia thử nghiệm các loại vũ khí mới. Quân đội Nga đã có cơ hội sử dụng các thiết bị quân sự do Trung Quốc sản xuất. Cuộc tập trận chung giữa hai nước là một phần trong chiến dịch tăng cường hợp tác đối phó với khủng bố trước diễn biến tình hình an ninh ở Afghanistan tiếp tục xấu đi sau kế hoạch rút quân của Mỹ.
Đánh giá chung về giá trị thực sự của các cuộc diễn tập, giới phân tích của phương Tây và Nga cho rằng cả Bắc Kinh và Moscow đều mong muốn thúc đẩy đối phó với các thách thức khu vực. Theo ông Peter Layton – chuyên gia Viện châu Á Griffith ở Australia, cuộc diễn tập này giống với mô phỏng của "một sân khấu biểu diễn quân sự hơn".
Ông Peter Layton nhận định, các cuộc tập trận phối hợp giữa quân đội Nga và Trung Quốc đều đăng tải trên phương tiện truyền thông Trung Quốc, bao gồm các câu chuyện, hình ảnh và video về hoạt động quân sự ở phía bắc Trung Quốc. Ông Layton cho rằng các cuộc tập trận đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không hề phát hiện "yếu tố bất ngờ" khiến các chỉ huy quân sự phải đưa ra quyết định quan trọng trong trận chiến nóng bỏng.
"Yếu tố bất ngờ là cách phản ứng tốt nhất để trau dồi kỹ năng quân sự thay vì các màn trình diễn đã dàn dựng kỹ lưỡng", ông Peter Layton nhấn mạnh.
Hợp tác khu vực
Trong các tuần gần đây, truyền thông phương Tây đăng tải hàng loạt câu chuyện hợp tác quân sự giữa các quốc gia đồng minh ở Thái Bình Dương. Các cuộc diễn tập đang tạo cơ hội cho Trung Quốc thể hiện năng lực hợp tác quân sự với đối tác trong khu vực.
Ông Alexander Gabuev – Chủ tịch Chương trình châu Á – Thái Bình Dương tại Viện Carnegie Endowment tại Moscow cho biết, cả Moscow và Bắc Kinh đều thể hiện tăng cường hợp tác chặt chẽ nhưng khả năng một liên minh chiến đấu Nga-Trung khó có thể thành hiện thực.
Giới quan sát cũng nhận định, trong thời gian dài, động cơ tăng cường hợp tác của Nga sẽ tập trung vào kinh tế nhiều hơn là quân sự. Theo ông Gabuev, thông qua các cuộc diễn tập chung, Nga có cơ hội bán vũ khí cho Trung Quốc – quốc gia có thể cần đến công nghệ của Nga mặc dù Trung Quốc liên tục thúc đẩy chương trình hiện đại hóa quân sự.
"Thông qua cuộc tập trận với Nga, Trung Quốc có thể cũng muốn mua thêm thứ khác – đó có thể là kinh nghiệm chiến trường chẳng hạn", ông Gabuev cho biết.
Giới quan sát cho rằng, cuộc tập trận chung có thể đóng vai trò đặc biệt quan trọng với Trung Quốc – quốc gia chưa từng tham gia vào bất cứ cuộc xung đột vũ trang nào kể từ những năm 1980, trong khi đối tác Nga đã tiến hành một loạt hoạt động quân sự tại nhiều khu vực, từ Bắc Caucasus và Gruzia đến Ukraine và Syria.
Tiêm kích J-20 của Trung Quốc
Gần đây, truyền thông Trung Quốc đã đăng tải nhiều hình ảnh tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga. Các cuộc diễn tập giữa Trung Quốc và Nga cũng xuất hiện loại máy bay J-20, vũ khí tối tân của Bắc Kinh.
Tờ Global Times cho biết, sự xuất hiện đầu tiên của tiêm kích tàng hình J-20s trong các cuộc tập trận chung cho thấy nhiều triển vọng trong hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga nhằm chuẩn bị đối phó với các thách thức an ninh tại châu Á cũng như các thách thức khác.
Báo cáo không đề cập cụ thể đến bản chất của các mối đe dọa này nhưng J-20 xuất hiện sau khi Mỹ phô diễn sức mạnh chiến đấu cơ tàng hình lớn nhất từ trước đến nay ở châu Á với sự tham gia của hơn hai chục máy bay phản lực F-22 Raptor trong cuộc tập trận ở đảo Guam và Tinian ở Thái Bình Dương cách đây vài tuần.
Khi tiêm kích J-20 lần đầu tiên xuất hiện cách đây một thập kỷ, Trung Quốc đã xem đây là câu trả lời cho F-22 hay F-35, những máy bay tàng hình hàng đầu thế giới của Mỹ. Chuyên gia quân sự Trung Quốc - Song Zongping từng khẳng định J-20 có thể giao chiến với bất kỳ đối thủ nào trong tương lai "đe dọa Trung Quốc trên không".
Và J-20 đã tham gia tập trận chung vào tuần trước với Nga nhưng không nằm trong số máy bay chiến đấu mà Trung Quốc sẽ đưa đến Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2021 sắp tới ở Nga vào cuối tháng này./.