Hợp tác quốc tế đấu tranh chống ma túy và động vật, thực vật hoang dã

Hiện nay, Hải quan Việt Nam cùng các nước thành viên đã khởi động triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông VI, thực hiện từ 15/4/2024 đến 16/9/2024, với nhiều chương trình cụ thể trong hoạt động hợp tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy và động vật, thực vật hoang dã.

 Cục Hải quan Hải Phòng chủ trì, phối hợp bắt giữ vụ nhập lậu ngà voi ngụy trang trong container sừng bò nuôi (tháng 2/2023). Ảnh: Hà Thái.

Cục Hải quan Hải Phòng chủ trì, phối hợp bắt giữ vụ nhập lậu ngà voi ngụy trang trong container sừng bò nuôi (tháng 2/2023). Ảnh: Hà Thái.

Thách thức lớn đối với cơ quan quản lý

Chiến dịch Con rồng Mê Kông (OMD) do Hải quan Việt Nam, Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến, cùng điều phối với Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) - Văn phòng Tình báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RILO AP) và Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC). Chiến dịch chính thức triển khai từ năm 2018.

Trên cơ sở kết quả thành công của Chiến dịch OMD từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 5 và tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 12 - 13/12/2023, hiện Hải quan Việt Nam cùng các nước thành viên đã khởi động triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông VI với nhiều chương trình cụ thể trong hoạt động hợp tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy và động vật, thực vật hoang dã.

Chiến dịch là điểm sáng trong hoạt động hợp tác đấu tranh chống buôn lậu

Chiến dịch Con rồng Mê Kông VI tiếp tục là chiến dịch quốc tế trọng điểm của lực lượng hải quan. Chiến dịch đã và đang trở thành điểm sáng trong hoạt động hợp tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy và động vật, thực vật hoang dã ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Ông Vũ Quang Toàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan)

Theo ông Vũ Quang Toàn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), tại Việt Nam, Chiến dịch Con rồng Mê Kông VI tiếp tục là chiến dịch quốc tế trọng điểm của lực lượng hải quan, với sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Tài chính, cùng sự tham gia và hỗ trợ nhiệt tình từ 2 cơ quan chuyên môn của Bộ Công an là Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), chiến dịch đã và đang trở thành điểm sáng trong hoạt động hợp tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy và động vật, thực vật hoang dã ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Đáng chú ý, từ tháng 10/2023 đến nay, Hải quan Việt Nam đã phối hợp và chủ trì phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vận chuyển trái phép các loài động, thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES. Điển hình ngày 23/3/2024, tại cảng Lạch Huyện, Hải Phòng, Cục Hải quan Hải Phòng chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 1,6 tấn ngà voi từ châu Phi được cắt khúc, sơn đen nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ 134 vụ/159 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 49 vụ. Tang vật thu được 650,41 kg ma túy các loại bao gồm: 160gram thuốc phiện; 71,53kg cần sa; 42,7kg heroin; 48,5kg và 900 viên ketamine; 307,3kg và 3 viên ma túy tổng hợp; 180,19kg và 220 viên ma túy khác.

Những con số trên cho thấy, việc vận chuyển trái phép ma túy và động thực vật hoang dã vẫn diễn ra tinh vi hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến đổi khó lường. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với cơ quan quản lý, đòi hỏi các lực lượng thực thi pháp luật, như: Hải quan, công an, biên phòng trong nước và các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế cần tích cực phối hợp để đạt được hiệu quả kiểm soát cao nhất.

Nhất quán trong thực hiện các cam kết

Sự thành công của chiến dịch Con rồng Mê Kông thể hiện vai trò chủ động của Hải quan Việt Nam trong các vấn đề kiểm soát khu vực, đã được cộng đồng hải quan quốc tế và các tổ chức thực thi pháp luật đánh giá cao về chất lượng hợp tác, thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, góp phần nâng cao hình ảnh Hải quan Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Nêu quan điểm của Hải quan Việt Nam, ông Vũ Quang Toàn khẳng định sự nhất quán trong việc nỗ lực thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam, chủ động hơn nữa hợp tác với các cơ quan hải quan thành viên, với các tổ chức quốc tế trong đấu tranh với buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy và động thực vật hoang dã cũng như các loại tội phạm xuyên quốc gia khác.

Nhằm thể hiện vai trò chủ động của nước đồng sáng kiến, đồng điều phối và thành viên triển khai thành công Chiến dịch Con rồng Mê Kông VI, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc có liên quan tập trung triển khai các hoạt động thuộc Chiến dịch.

Trong đó, chú trọng vào việc thu thập thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy và các loài động vật, thực vật hoang dã để phân tích rủi ro, xác định trọng điểm, cảnh báo rủi ro phục vụ hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ về hàng hóa, hồ sơ, chứng từ đối với các lô hàng có nghi vấn. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, áp dụng các biện pháp cần thiết để phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định.

Đặc biệt, chủ động, phối hợp với các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an, bộ đội biên phòng,... để tổ chức, đấu tranh hiệu quả đối với các vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy và các loài động thực vật hoang dã. Cuối cùng là tham gia các chương trình xây dựng tăng cường năng lực, phối hợp, trao đổi thông tin.

Ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn bán trái phép ma túy và động, thực vật hoang dã

Chiến dịch Con rồng Mê Kông được cộng đồng hải quan quốc tế và các tổ chức thực thi pháp luật đánh giá cao về chất lượng.

Ông Toshihiko Osawa - Trưởng Văn phòng RILO A/P cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Chiến dịch Con rồng Mê Kông có 20 thành viên bao gồm các tổ chức quốc tế đã đăng ký tham gia. Để hoạt động thành công, điều quan trọng là mỗi thành viên phải nhập dữ liệu bắt giữ kịp thời, điều này cho phép tất cả những thành viên tham gia truy cập thông tin bắt giữ mới nhất cũng như giúp RILO A/P phân tích xu hướng một cách nhanh chóng và phổ biến thông tin về mặt hàng trọng điểm trong phạm vi chiến dịch. Sự kiện này sẽ mang đến cơ hội tốt để các bên chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về cách thức tốt hơn để đấu tranh chống buôn bán ma túy và động vật, thực vật hoang dã, đồng thời tăng cường phòng chống tội phạm có tổ chức.

Bà Jenna Dawson Faber - Điều phối viên khu vực Văn phòng UNODC chia sẻ, Chiến dịch Con rồng Mê Kông là một điển hình về sự hợp tác quốc tế. Trong những năm qua, Chiến dịch Con rồng Mê Kông đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong việc ngăn chặn hoạt động buôn bán trái phép ma túy và các loài động vật, thực vật

hoang dã thuộc danh mục CITES. UNODC sẵn sàng hỗ trợ nói chung và hỗ trợ kỹ thuật cho tất cả các thành viên tham gia vào công tác chống buôn bán trái phép ma túy và động vật, thực vật hoang dã.

Về hợp tác giữa Hải quan Trung Quốc và Hải quan Việt Nam trong thực hiện Chiến dịch, bà Wang Beijing - Trưởng phòng Hợp tác thực thi quốc tế, Cục Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, dựa trên sự thành công của Chiến dịch Con rồng Mê Kông trong những năm qua, Hải quan Trung Quốc và Hải quan Việt Nam đã khởi xướng Chiến dịch Con rồng Mê Kông VI trong năm nay với sự hỗ trợ của RILO A/P và UNODC để giải quyết tốt hơn những thách thức do thay đổi tuyến đường buôn lậu và phương thức hoạt động. Để tạo ra sức mạnh tổng hợp với Chiến dịch Con rồng Mê Kông VI, Hải quan Trung Quốc cũng đã tổ chức các hoạt động trong nước nhằm vào hoạt động buôn bán động vật, thực vật hoang dã và ma túy. Hải quan Trung Quốc đã tăng cường lập hồ sơ rủi ro, giám sát hàng hóa và tận dụng công nghệ thông minh và công nghệ cao để khai thác tiềm năng thực thi nhiệm vụ.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hop-tac-quoc-te-dau-tranh-chong-ma-tuy-va-dong-vat-thuc-vat-hoang-da-152773.html