Hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
BHG - Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là một trong những giải pháp quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay hướng đến mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, phát huy giá trị từng loại rừng, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân.
Toàn tỉnh hiện có trên 576.300 ha đất lâm nghiệp, chiếm trên 72% diện tích tự nhiên, trong đó diện tích rừng tự nhiên đạt trên 381.823 ha, diện tích rừng trồng đã thành rừng trên 78.220 ha; diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh 33.272 ha và trên 72.122 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng. Giai đoạn 2017 - 2022, tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch phát huy lợi thế về lâm nghiệp, đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững; cải thiện môi trường sinh thái; bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm và đa dạng sinh học. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2022 đạt 58,58%.
Theo chính sách hợp tác quốc tế về lâm nghiệp, nhà nước khuyến khích mở rộng hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cam kết bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác chế biến và thương mại lâm sản, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về bảo vệ và phát triển rừng, phát triển và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực hợp tác quốc tế, thúc đẩy hợp tác với các nước có chung đường biên giới.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước vào điều kiện thực tế, tỉnh chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm các Công ước quốc tế, tổ chức đa phương, diễn đàn về lâm nghiệp; duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều nhà tài trợ và tổ chức quốc tế, triển khai hiệu quả các dự án sử dụng vốn nước ngoài, tiêu biểu là Dự án KfW8. Đây là dự án đặc thù được giao vốn ODA trực tiếp từ T.Ư, do Ban quản lý các dự án lâm nghiệp giao vốn sử dụng, quyết toán trực tiếp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổng nguồn vốn thực hiện dự án giai đoạn 2017 - 2022 là 23.860 triệu đồng; số vốn đã giải ngân đạt 98,8% kế hoạch. Hàng năm, dự án dựa trên cơ sở người dân tuần tra thông qua dụng cụ GPS để chi trả kinh phí. Tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với tổ chức Bảo tồn động, thực vật thiên nhiên quốc tế (FFI), vườn thú Denver thực hiện một số hoạt động bảo tồn tại Khu bảo tồn Khau Ca như: Tuần tra bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, điều tra đa dạng sinh học và xây dựng tuyến tuần tra tại khu vực dự án bảo tồn Voọc mũi hếch tại Quản Bạ, hỗ trợ sinh kế cho người dân, kết nối thị trường. Tổng giá trị tài trợ trong giai đoạn 2017 - 2022 đạt trên 1 triệu USD.
Bên cạnh đó, tỉnh duy trì tốt mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, triển khai các hoạt động đối ngoại với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) theo đúng quan điểm, tinh thần thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất; tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác song phương theo ngành, lĩnh vực với các cơ quan hữu quan của các địa phương đối đẳng phía Trung Quốc; ký 1 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp và bảo vệ động thực vật hoang dã khu vực biên giới giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) và Sở Lâm nghiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đặc biệt, ngày 25.5.2021, tỉnh Hà Giang và Chính quyền nhân dân châu Văn Sơn ký Chương trình hợp tác giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nội dung về hợp tác nông, lâm nghiệp và bảo vệ tài nguyên môi trường. Công tác đấu tranh phòng, chống hành vi chặt phá rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực biên giới được chú trọng. Từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp phát hiện, ngăn chặn và xử lý 27 vụ vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp tại khu vực biên giới.
Trong giai đoạn tiếp theo, để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư hỗ trợ nước ngoài; tập trung ưu tiên đầu tư các hoạt động: Bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, thực hiện quản lý rừng cộng đồng; hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao như: Trồng rừng gỗ lớn thâm canh, chứng chỉ rừng, chế biến xuất khẩu gỗ, hạ tầng lâm nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh trồng rừng gỗ lớn; thương mại và xuất khẩu lâm sản.