Hợp tác quốc tế về biên phòng trong Luật Biên phòng Việt Nam

Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước được khẳng định nhất quán trong các nghị quyết của Đảng và trong các quy định của pháp luật. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: 'Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới'(1) . Trên tinh thần chung đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia xác định: 'Mở rộng và đưa quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng và lực lượng chức năng của các nước có liên quan đi vào chiều sâu' (2) là mục tiêu quan trọng để bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, BĐBP Kon Tum tuần tra song phương cùng lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia tại cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Campuchia-Lào (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Ảnh: Kim Nhượng

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, BĐBP Kon Tum tuần tra song phương cùng lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia tại cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Campuchia-Lào (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Ảnh: Kim Nhượng

Để thể chế hóa quan điểm của Đảng về đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng và đối ngoại biên phòng nói riêng, trên cơ sở quy định tại Điều 12, Hiến pháp năm 2013, sự điều chỉnh pháp lý với vấn đề hợp tác quốc tế về biên phòng đã được khẳng định tại Điều 12, Luật Biên phòng Việt Nam. Cụ thể:

“Điều 12. Hợp tác quốc tế về biên phòng

1. Nội dung hợp tác quốc tế về biên phòng bao gồm:

a) Thiết lập, phát triển quan hệ biên giới; xây dựng, mở rộng quan hệ hữu nghị với chính quyền, nhân dân, lực lượng chức năng của nước có chung đường biên giới và các quốc gia khác; phát triển quan hệ với các tổ chức quốc tế có liên quan;

b) Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về biên phòng; thiết lập, thực thi cơ chế hợp tác biên phòng song phương, đa phương theo quy định của pháp luật;

c) Đàm phán, giải quyết các vấn đề, vụ việc về biên giới, cửa khẩu; tuần tra biên giới; kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, qua lại biên giới theo quy định của pháp luật; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật;

d) Đấu tranh ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến quan hệ biên giới giữa Việt Nam với các nước;

đ) Phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn;

e) Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm về biên phòng, chuyển giao trang bị, khoa học và công nghệ để tăng cường năng lực thực thi nhiệm vụ biên phòng.

2. Hình thức hợp tác quốc tế về biên phòng bao gồm:

a) Ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế;

b) Hội đàm, giao lưu hợp tác;

c) Trao đổi, chia sẻ thông tin;

d) Các hình thức hợp tác khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

“Hợp tác” là chung sức, trợ giúp qua lại với nhau (3), “quốc tế” là các nước trong mối quan hệ với nhau (4). Từ đó, theo nghĩa phổ thông, hợp tác quốc tế được hiểu là hoạt động chung sức, trợ giúp giữa các quốc gia trong các lĩnh vực cụ thể, trong đó, hợp tác quốc tế về biên phòng là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Để bảo đảm tính khả thi và phát huy vai trò là công cụ pháp lý cho việc thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng, Điều 12, Luật Biên phòng Việt Nam quy định rõ các nội dung và hình thức hợp tác quốc tế về biên phòng. Trong đó, “nội dung hợp tác quốc tế về biên phòng” xác định phạm vi công việc mà các chủ thể có trách nhiệm thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng được thực hiện (Điều 28, Luật Biên phòng Việt Nam); “hình thức hợp tác quốc tế về biên phòng” là những hoạt động biểu hiện ra bên ngoài của nội dung hợp tác quốc tế về biên phòng, đó là những biểu hiện có tính chất tổ chức - pháp lý mà chủ thể có trách nhiệm tiến hành nhằm hiện thực hóa nội dung hợp tác quốc tế về biên phòng. Các nội dung và hình thức này đã được thực hiện trên thực tế suốt những năm qua bởi các chủ thể có thẩm quyền, đặc biệt là lực lượng BĐBP.

Với chức năng là lực lượng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thực hiện quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân đội, những năm qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ ký kết các hiệp định về quản lý biên giới, cửa khẩu; tham mưu cho Bộ Quốc phòng ký hoặc trực tiếp ký kết các quy chế phối hợp, biên bản thỏa thuận về đấu tranh phòng, chống tội phạm qua biên giới. Kể từ năm 1997 đến tháng 12 năm 2018, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng ký 28 văn bản hợp tác biên phòng, quản lý bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm với lực lượng bảo vệ biên giới của Trung Quốc, Lào, Campuchia. Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố cũng tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với Sở Ngoại vụ các tỉnh, thành phố có biên giới đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân, đối ngoại quân sự, đối ngoại biên phòng.

Quan hệ đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng với chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng được triển khai đồng bộ, thường xuyên cả 4 cấp (Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố; đồn Biên phòng) với nhiều chương trình có ý nghĩa như: Chương trình “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc”, “Giao lưu Biên cương thắm tình hữu nghị”; “Giao lưu hữu nghị biên giới”, “Giao lưu công tác chính trị với Công an Biên phòng Trung Quốc”... Thông qua đó, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác phối hợp công tác hiệu quả giữa Quân đội nói chung, BĐBP nói riêng với lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng, có sức lan tỏa lớn và sâu rộng.

Bên cạnh đó, BĐBP các tỉnh, thành phố đã tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa 177 cụm, bản dân cư hai bên biên giới ở 20/25 tỉnh tuyến biên giới đất liền. Các đồn Biên phòng đã tổ chức kết nghĩa 141 cặp/265 đồn, trạm Biên phòng hai bên biên giới; nhận đỡ đầu 186 cháu học sinh nước láng giềng (87 cháu người Lào, 99 cháu người Campuchia) có hoàn cảnh khó khăn trong thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Ngoài ra, BĐBP còn phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng diễn tập liên hoàn phòng, chống khủng bố, di cư tự do và xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp tham gia huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên; đào tạo cán bộ Biên phòng cho nước bạn Lào, Campuchia; hợp tác công nghiệp quốc phòng và kỹ thuật quân sự với Ấn Độ.

Thực tiễn hợp tác quốc tế về biên phòng thời gian qua đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của hoạt động này đối với việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Chính vì vậy, việc ghi nhận nội dung và hình thức hợp tác quốc tế về biên phòng tại Điều 12, Luật Biên phòng Việt Nam đã thể hiện sự thừa nhận tầm quan trọng của hoạt động này; đồng thời, tiếp tục khẳng định ở mức độ cao hơn cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác quốc tế về biên phòng vốn đã được ghi nhận tại Điều 16, Pháp lệnh BĐBP năm 1997; Điều 8, Nghị định số 02/1998/NĐ-CP ngày 6-1-1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh BĐBP; Điều 18, Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25-6-2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên giới quốc gia; các Điều 5, 6, 7, Nghị định số 22/2016/NĐ-CP ngày 31-3-2016 của Chính phủ quy định về đối ngoại quốc phòng.

Với mục tiêu xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, với cơ sở pháp lý đã được củng cố, trong thời gian tới, hợp tác quốc tế về biên phòng sẽ tiếp tục góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực biên phòng và góp phần tăng cường sức mạnh biên phòng của đất nước trong tình hình mới.

Tiến sĩ Trần Minh Nguyệt, Khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng

1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.433.
2 Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
3 Nguyễn Như Ý, Đại từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1999, tr.848.
4 Nguyễn Như Ý, Đại từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1999, tr.1379.

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hop-tac-quoc-te-ve-bien-phong-trong-luat-bien-phong-viet-nam-post437161.html