Hợp tác tái chế bùn thải thành than sinh học hữu ích cho nông nghiệp sạch

Hướng đến mục tiêu một Việt Nam xanh hơn, bền vững hơn, một doanh nghiệp tại TP.HCM đã tiên phong ứng dụng công nghệ EFCAR của Nhật Bản để xử lý, tái chế bùn thải thành than sinh học - Biochar hữu ích trong nông nghiệp, góp phần giảm thiểu rác thải chôn lấp và phát thải carbon (Net Zero).

Ngày 11/2, tại TP.HCM, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Sài Gòn Xanh và Tập đoàn Kanadevia (Nhật Bản) đã ký kết biên bản ghi nhớ Dự án hợp tác ứng dụng công nghệ EFCAR vào hoạt động xử lý và tái chế bùn thải thành than sinh học tại Nhà máy Xử lý Bùn thải Sài Gòn Xanh.

Dự án này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý, tái chế chất thải hữu cơ, bùn thải nhằm giải quyết vấn đề môi trường, giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Lãnh đạo Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Sài Gòn Xanh và Tập đoàn Kanadevia (Nhật Bản) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.

Lãnh đạo Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Sài Gòn Xanh và Tập đoàn Kanadevia (Nhật Bản) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.

Chia sẻ tại lễ ký kết, ông Ngô Pa Ri - Chủ tịch Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh cho biết, lâu nay các công nghệ truyền thống chưa khai thác, chuyển hóa tối ưu giá trị từ bùn thải, chất thải hữu cơ thành dinh dưỡng rất có lợi cho cây trồng.

Công nghệ Energy Free Carbonizing for Resource Recovery, gọi tắt EFCAR, do Tập đoàn Kanadevia (Nhật Bản) phát triển có thể chuyển hóa chất thải hữu cơ, trong đó có bùn thành một loại than sinh học Biochar - nguyên liệu chính để sản xuất ra các loại phân bón phục vụ cây trồng.

Ông Hideo Sato, đại diện Tập đoàn Kanadevia phát biểu tại sự kiện.

Ông Hideo Sato, đại diện Tập đoàn Kanadevia phát biểu tại sự kiện.

Bên cạnh giá trị nông nghiệp, Biochar còn góp phần giảm thiểu tác động môi trường khi được xử lý theo quy trình tuần hoàn khép kín, không gây ô nhiễm thứ cấp như mùi hôi hay chất thải tồn dư.

Ông Ngô Pa Ri nhấn mạnh: “Thời điểm hiện nay, không chỉ riêng Việt Nam và nhiều đơn vị trên thế giới đã nghiên cứu nhưng chưa phát triển được một công nghệ hoàn chỉnh như EFCAR của Kanadevia. Đây là lý do Sài Gòn Xanh đặt kỳ vọng lớn vào dự án để có thể triển khai được công nghệ EFCAR trong thực tiễn xử lý các loại chất thải, trong đó có bùn thải của TP HCM và các tỉnh Việt Nam”.

Ông Ngô Pa Ri cho biết công nghệ tái chế bùn thải thành than sinh học hữu ích cho nông nghiệp, góp phần giảm thiểu rác thải chôn lấp và phát thải carbon (Net Zero).

Ông Ngô Pa Ri cho biết công nghệ tái chế bùn thải thành than sinh học hữu ích cho nông nghiệp, góp phần giảm thiểu rác thải chôn lấp và phát thải carbon (Net Zero).

Sau ký kết, hai bên sẽ triển khai dây chuyền quy mô thử nghiệm công suất 4,8 tấn tại nhà máy xử lý của công ty ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM. Sau đó sẽ mở rộng quy mô tại các nhà máy khác với công suất 22,8 tấn than sinh học/ngày, góp phần cung cấp nguyên liệu sạch để sản xuất ra các loại phân bón phục vụ ngành nông nghiệp hữu cơ, bền vững.

Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/hop-tac-tai-che-bun-thai-thanh-than-sinh-hoc-huu-ich-cho-nong-nghiep-sach-post1154071.vov