Hợp tác tăng năng lực hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc tại Việt Nam
Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu sức khỏe công cộng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của vi sinh vật kháng thuốc.
Hôm nay - 20/9, tại Bộ Y tế đã diễn ra lễ ký Bản thỏa thuận Chương trình hợp tác tăng cường năng lực Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc của các vi sinh vật tại Việt Nam năm 2024-2025, giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Tổ chức FHI-360 tại Việt Nam.
Đại diện các vụ, cục của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, các bệnh viện thuộc hệ thống giám sát kháng thuốc quốc gia ngành Y tế, đại diện các tổ chức quốc tế: Tổ chức Y tế Thế giới, CDC Hoa Kỳ, tổ chức PATH và Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã tham dự lễ ký.
Phát biểu tại lễ ký, TS.BS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh, kháng thuốc là mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển trên toàn cầu đòi hỏi cần có các hành động đa ngành khẩn cấp, phù hợp để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu sức khỏe công cộng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của vi sinh vật kháng thuốc.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 25/09/2023. Chiến lược là nền tảng để triển khai các giải pháp, hành động để đạt được mục tiêu giảm tình trạng kháng thuốc.
Cục trưởng Hà Anh Đức cho biết, Bộ Y tế đã và đang phối hợp các cơ quan, tổ chức, đối tác trong nước và quốc tế triển khai nhiều hành động về phòng, chống kháng thuốc như truyền thông, nâng cao nhận thức người dân về nguyên nhân và hậu quả kháng kháng sinh; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn bác sĩ, dược sĩ về chẩn đoán, điều trị, kê đơn kháng sinh hợp lý và có trách nhiệm; thiết lập và củng cố Hệ thống giám sát quốc gia về kháng kháng sinh; xây dựng và triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện; giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện; xây dựng các văn bản pháp quy, hướng dẫn chuyên môn về điều trị, vi sinh, dược lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn…
Mặc dù vậy, theo TS Hà Anh Đức tình trạng kháng kháng sinh vẫn gia tăng và là một thách thức lớn của ngành y tế. Đòi hỏi gia tăng nỗ lực trong cuộc chiến trường kỳ của Chính phủ, các cơ quan ban ngành, các đơn vị liên quan và người dân đối với vấn đề này.
Tại lễ ký kết, bà Nguyễn Thị Thu Nam, Trưởng đại diện Văn phòng tổ chức FHI360 tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia phải đối mặt với tình trạng kháng thuốc ở mức độ cao trên thế giới. Đây vừa là thách thức lớn đòi hỏi chúng ta cần phát triển những chiến lược giám sát và kiểm soát hiệu quả, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Trong bối cảnh đó, sự hỗ trợ từ Quỹ Fleming của Chính phủ Anh và Bắc Ailen thông qua FHI 360 đã đóng góp một phần công sức trong nỗ lực chung nhằm nâng cao năng lực giám sát kháng kháng sinh tại Việt Nam. Điển hình là việc thiết lập Nhóm công tác kỹ thuật đa ngành về phòng, chống kháng thuốc và cung cấp chương trình ngoại kiểm định kỳ cho 19 phòng xét nghiệm vi sinh. Dự án đã cung cấp trang thiết bị, hóa chất và hỗ trợ kỹ thuật cho các phòng xét nghiệm, đồng thời tổ chức các khóa đào tạo về quản lý dữ liệu và kỹ thuật vi sinh tiên tiến….
Thông tin tại lễ ký kết cho biết, để hỗ trợ công tác phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam, ngày 12/3/2021, Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội của Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai len đã ký hợp tác về lĩnh vực kháng thuốc; Bản điều chỉnh Thỏa thuận thực hiện Dự án "Hỗ trợ nâng cao năng lực về an toàn, an ninh sinh học, quản lý chất lượng và các kỹ thuật tiên tiến cho hệ thống giám sát vi khuẩn kháng kháng sinh tại Việt Nam" đã được ký ngày 1/5/2024 giữa FHI 360 và Mott MacDonald (Cơ quan Quản lý Quỹ Fleming Fund tại Việt Nam).
Trên cơ sở các văn bản đã ký, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và FHI 360 thống nhất hợp tác hướng tới mục tiêu trọng tâm là củng cố Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc, giám sát sử dụng và tiêu thụ kháng sinh và từng bước triển khai các giải pháp để vượt qua các thách thức về kháng thuốc tại Việt Nam.
Hai bên đẩy mạnh hợp tác nhằm củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc và sử dụng kháng sinh trong lĩnh vực y tế; thúc đẩy tiếp cận Một Sức khỏe trong việc chia sẻ thông tin và số liệu về giám sát kháng thuốc.
Các hoạt động hợp tác cụ thể giữa hai bên gồm: Tăng cường năng lực chuyên môn phòng xét nghiệm và bảo đảm an toàn sinh học và an ninh sinh học cho các phòng xét nghiệm và phòng xét nghiệm tham chiếu tham gia Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc;
Đánh giá nhu cầu và xác định ưu tiên trong giám sát kháng thuốc; cải thiện chất lượng dữ liệu giám sát kháng thuốc quốc gia, củng cố năng lực phân tích dữ liệu và báo cáo kết quả giám sát; triển khai giám sát sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng sinh;
Cùng với cải thiện chia sẻ dữ liệu phòng xét nghiệm với lâm sàng và tăng cường sử dụng dữ liệu kháng thuốc ở cấp độ bệnh viện và cơ quan quản lý.
Theo Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Hà Anh Đức, trên cơ sở bản ghi nhớ này, hai bên sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động kỹ thuật, đào tạo và nâng cao năng lực cho các phòng xét nghiệm, đặc biệt là phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia nhằm hỗ trợ Hệ thống giám sát quốc gia trong hoạt động giám sát kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ kháng sinh, từ đó góp phần cho công tác hoạch định chính sách và quản lý thực hành ở cấp quốc gia và quốc tế, tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam.
"Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác theo tiếp cận Một sức khỏe một cách toàn diện, giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan để chia sẻ thông tin, đánh giá nhu cầu và xác định ưu tiên theo Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2023 – 2030 và tầm nhìn tới năm 2045.
Chúng tôi hy vọng, những nỗ lực này sẽ góp phần tích cực vào cuộc chiến chống lại kháng thuốc tại Việt Nam và trên toàn cầu"- TS Đức nói.