Hợp tác thương mại kỹ thuật số: Viên gạch góp phần xây dựng Hiệp định thương mại tự do EU - ASEAN
Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể cho thấy một số bước phát triển lớn để hợp tác trong nền kinh tế kỹ thuật số vào cuối quý III năm nay, nhờ những tiến triển trong các cuộc đàm phán được thực hiện bởi nhóm làm việc chung của hai khối. Đây là nhận định được ông Chris Humphrey, Giám đốc Điều hành Hội đồng doanh nghiệp EU - ASEAN (EU - ABC) đưa ra trong một cuộc phỏng vấn trên Tạp chí The Business Times.
“Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ thấy quan hệ thương mại và đầu tư EU - ASEAN phát triển mạnh mẽ hơn nhiều, ngoài các hiệp định thương mại tự do song phương”, ông Chris Humphrey lưu ý; khi đề cập đến các cuộc đàm phán đang diễn ra trong khuôn khổ nhóm công tác chung của EU - ASEAN về thương mại và đầu tư; ngoài nền kinh tế kỹ thuật số, các cuộc đàm phán còn đề cập đến hợp tác tiềm năng trong thương mại bền vững và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Dựa trên các cuộc đàm phán, Giám đốc Điều hành EU - ABC lạc quan rằng, khả năng sẽ có một thông báo quan trọng về hợp tác giữa các khu vực tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế EU - ASEAN dự kiến được tổ chức vào tháng 9 năm nay.
Trước đó trong tháng 3 vừa qua, tại một sự kiện của Phòng Công nghiệp và Thương mại Singapore - Đức, Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat nhận định, một hiệp định kinh tế kỹ thuật số giữa EU và ASEAN sẽ thúc đẩy niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu về hoạt động trong khu vực này.
Theo dự kiến của ông Chris Humphrey, các cuộc đàm phán đang diễn ra về Hiệp định thương mại kỹ thuật số EU - Singapore sẽ hoàn tất vào cuối năm 2024. Được biết, các cuộc đàm phán này đã bắt đầu hồi tháng 7 năm ngoái.
Một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và ASEAN sẽ còn phải mất nhiều năm nữa để đạt được, nhưng hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật số có thể dễ dàng hơn, ông Chris Humphrey nói thêm.
Các FTA song phương phát triển mạnh
Các cuộc đàm phán về một FTA liên khu vực đã được tiến hành từ năm 2007, nhưng các cuộc đàm phán về một hiệp định lớn như vậy lại đạt được ít tiến bộ. Mặt khác, các FTA song phương đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Cụ thể, FTA EU - Singapore và FTA EU - Việt Nam lần lượt có hiệu lực vào năm 2019 và năm 2020; trong khi đó, các cuộc đàm phán với Indonesia, Philippines và Thái Lan đang được tiến hành.
Kể từ khi FTA có hiệu lực, Việt Nam đã ghi nhận khối lượng thương mại với EU tăng mạnh. Sự tăng trưởng thương mại này là lý do chính khiến các quốc gia ASEAN mong muốn ký kết FTA của riêng họ với châu Âu.
Trong khi Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất với ASEAN, tiếp theo là Mỹ và EU, ông Chris Humphrey lưu ý, ASEAN có thặng dư thương mại đáng kể với EU, lên tới 57,6 tỷ USD vào năm 2022. Điều này có nghĩa rằng, ASEAN là nhà xuất khẩu ròng hàng hóa sang châu Âu. Ngược lại, ASEAN ghi nhận thâm hụt thương mại 140,6 tỷ USD với Trung Quốc vào năm 2022, cho thấy đây là nhà nhập khẩu ròng hàng hóa của Trung Quốc.
Ngoài ra, EU cũng là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn cho ASEAN. Dòng vốn FDI từ EU đạt mức cao kỷ lục 24 tỷ USD vào năm 2022, đứng thứ 3 sau đầu tư của Mỹ và nội khối ASEAN.
ASEAN là lựa chọn hấp dẫn
Trong ấn bản năm 2023 của báo cáo Khảo sát tâm lý kinh doanh EU - ASEAN của EU-ABC, 63% trong số 599 doanh nghiệp được thăm dò cho biết, họ coi ASEAN là khu vực có cơ hội kinh tế tốt nhất trong 5 năm tới.
Theo Giám đốc Điều hành EU - ABC, tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở EU đang thúc đẩy các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội ở nơi khác; và ASEAN, với nền tảng cơ bản vững chắc, đã nổi lên như một lựa chọn hấp dẫn. Khu vực này có lực lượng lao động lớn thứ ba thế giới, dân số trẻ và am hiểu công nghệ, cùng mục tiêu gia tăng chuỗi giá trị sản xuất.
Mối quan hệ được cải thiện giữa hai khối cũng đang thúc đẩy tâm lý này. Ông Chris Humphrey nhấn mạnh: “Chúng ta hiện đang ở vị trí tốt nhất… trong 10 năm qua, về chính sách thương mại và sự tương tác của các hiệp định với Đông Nam Á”.
Đáng chú ý, EU - ABC được thành lập vào năm 2014 để hỗ trợ các doanh nghiệp châu Âu tại ASEAN bằng cách tăng cường các điều kiện đầu tư và thương mại. Số lượng thành viên trong hội đồng kinh doanh này đã tăng từ 14 lên 70 trong những năm qua, hầu như chỉ bao gồm các công ty xuyên quốc gia phát triển ở châu Âu; với những cái tên quen thuộc như nhà sản xuất máy bay Airbus, gã khổng lồ hậu cần Maersk của Đan Mạch, và hãng dược phẩm Bayer của Đức.