Hợp tác trao đổi thông tin tình báo tài chính, ngân hàng Việt Nam - Australia
Việt Nam - Australia hợp tác trao đổi thông tin tình báo tài chính liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Australia.
Trao Bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Nhà nước VIệt Nam và Chính phủ Australia
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Australia, ngày 4/6/2022, tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Anthony Albanese, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng đã trao cho Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzivowski Bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Trung tâm Phân tích và Báo cáo giao dịch Australia (AUSTRAC) trực thuộc Chính phủ Australia về Hợp tác trao đổi thông tin tình báo tài chính liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố được lãnh đạo hai cơ quan ký kết.
Việc hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Australia sẽ tạo thêm kênh trao đổi thông tin trong hợp tác thu thập, phân tích, trao đổi thông tin liên quan đến các giao dịch tài chính đáng ngờ về rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động tội phạm liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố, góp phần thiết thực trong việc hợp tác phòng, chống tội phạm có liên quan, đặc biệt là tội phạm nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức giữa hai quốc gia.
Bản ghi nhớ này được ký kết trong bối cảnh 2 bên kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và triển khai Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Australia (EEES) năm 2020. Đây là bản ghi nhớ thứ hai Ngân hàng Nhà nước ký với một cơ quan quản lý tiền tệ - ngân hàng của Chính phủ Australia.
Trao đổi thông tin hoạt động ngân hàng, hợp tác tài chính là việc làm quan trọng giữa Chính phủ hai nước
Với xu thế toàn cầu hóa kinh tế kết hợp với tự do hóa và mở cửa thị trường tài chính quốc gia, các nước đã giảm bớt rào cản hoặc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dòng vốn vào. Quá trình này một mặt có tác dụng tích cực trong việc tạo môi trường trao đổi vốn quốc tế thông thoáng hơn, nhưng cũng gây ra không ít lo ngại, nhất là sự gia tăng của hoạt động rửa tiền.
Theo ước tính của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc và thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), hằng năm số tiền được bọn tội phạm tẩy rửa khoảng 400-500 tỉ USD - bằng 2-5% GDP của thế giới, trong đó khoảng 60-70% là tiền mặt. Rửa tiền đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền tài chính của nhiều nước. Có rất nhiều khái niệm về rửa tiền với những phạm vi và mức độ khác nhau, nhưng theo cách hiểu phổ biến nhất thì "rửa tiền là hành động chuyển lợi nhuận thu được từ những hoạt động phạm pháp sang lợi nhuận hợp pháp".
Trong điều kiện chống khủng bố hiện nay thì việc chuyển những khoản tiền hợp pháp để phục vụ cho mục đích khủng bố cũng được coi là một dạng rửa tiền". Ngắn gọn hơn, tẩy rửa tiền là hành vi của bọn phạm tội tẩy rửa những đồng tiền bất hợp pháp (tiền bẩn), thành những đồng tiền hợp pháp (tiền sạch).
Do vậy, việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý rửa tiền là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia trên thế giới, trong đó việc xây dựng nên một hệ thống phòng chống rửa tiền là yếu tố đầu tiên, quyết định rất lớn đến sự thành công của một quốc gia đối với công tác phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Được biết, AUSTRAC là cơ quan quan trọng trong Hệ thống phòng chống rửa tiền của Úc. AUSTRAC gồm có 3 bộ phận chính là: Bộ phận phòng ngừa rửa tiền (gồm các tổ nhận báo cáo và kiểm tra tính tuân thủ, quản lý nguồn nhân lực, tuyên truyền và an ninh chung); Bộ phận công nghệ thông tin (gồm các tổ phát triển, thí điểm và chuẩn hóa các chương trình phần mềm, quản lý rủi ro hệ thống công nghệ thông tin) và Bộ phận chống rửa tiền (gồm các tổ phân tích, xử lý, cung cấp các báo cáo giao dịch đáng ngờ, hợp tác, hỗ trợ các cơ quan trong nước, hợp tác trao đổi thông tin với các đơn vị tình báo tài chính nước ngoài). AUSTRAC hiện đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với các đơn vị tình báo tài chính của hơn 46 quốc gia trên thế giới.
Tại buổi Hội đàm giữa Thủ tướng hai Chính phủ, hai bên đã khẳng định hợp tác ngân hàng, tài chính là một trong ba trụ cột hợp tác quan trọng của hai nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh những hỗ trợ thiết thực thông qua nguồn phát triển chính thức ODA mà Chính phủ Australia dành cho Việt Nam trong thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực, cũng như mong muốn Chính phủ Australia tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và đưa ODA trở thành một trụ cột hợp tác 2 nước.
Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhận được nguồn hỗ trợ vốn ODA cũng như các hỗ trợ kỹ thuật từ Chính phủ Australia, điển hình là Dự án chuẩn bị Khoản vay Chương trình Phát triển chuyên sâu lĩnh vực tài chính ngân hàng và tài chính toàn diện, Tiểu chương trình 1 (FSDIP-SP1) và Dự án Chương trình Sáng kiến Kinh doanh Mekong hỗ trợ xây dựng cơ chế chính sách và hệ thống khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực Fintech.
Cũng tại buổi Hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh các đối tác Australia tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực viễn thông, giáo dục, ngân hàng, chuyển đổi số và kinh tế xanh.
Tại Việt Nam, đến nay hiện có 1 Ngân hàng thương mại Australia mở hiện diện tại Việt Nam là Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên ANZ Việt Nam và Ngân hàng Commonwealth tham gia cổ đông chiến lược tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB). Hệ thống ngân hàng 2 nước cũng đã thiết lập 257 quan hệ đại lý để thực hiện thanh toán thương mại song phương đạt gần 6,7 tỷ USD, chuyển tiền đạt hơn 3,2 tỷ USD (tăng tương ứng lần lượt là 45,6% và 45,4% so với năm 2021).
Những hỗ trợ này vô cùng quan trọng và có ý nghĩa lớn trong sự phát triển ngành tài chính – ngân hàng Việt Nam và mong muốn hai bên thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực ngân hàng, như kỳ vọng của các cấp lãnh đạo hai nước.
Nguồn: SBV