Hợp tác và sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài

Trong những năm qua, viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần đảm bảo an sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Để hiểu hơn về những kết quả đạt được trong công tác xúc tiến viện trợ NGO của tỉnh, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh HOÀNG NAM về vấn đề này.

- Thưa đồng chí! Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả cụ thể của công tác xúc tiến vận động viện trợ NGO trong giai đoạn từ 2014 - 2019?

- Là một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn chế, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã có xu hướng giảm mạnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mặc dù có nhiều dấu hiệu tích cực tuy nhiên kết quả có được còn phải đặt trong tầm dài hạn thì việc vận động nguồn viện trợ NGO hiện nay tiếp tục có ý nghĩa quan trọng.

Giai đoạn 2014-2019, tỉnh Quảng Trị là một trong những điểm sáng trên toàn quốc về thu hút, vận động nguồn vốn viện trợ NGO. Ngoài việc duy trì tốt quan hệ với các nhà tài trợ truyền thống như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Hợp tác phát triển Anh, Bộ Ngoại giao Na Uy, Liên minh Châu Âu…, tỉnh đã tích cực thiết lập quan hệ với một số nhà tài trợ khác như Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan Viện trợ Ai Len (Irish Aid), Văn phòng Hợp tác Quốc phòng Hoa Kỳ (ODC)… và một số tổ chức PCPNN như Medipeace, Project BOM, GCS (Hàn Quốc); PVF (Hoa Kỳ)… Hiện tại, có 67 tổ chức phi chính phủ nước ngoài có quan hệ hợp tác triển khai dự án với tỉnh Quảng Trị.

Trong giai đoạn này, chúng ta đã vận động được 226 dự án viện trợ với tổng giá trị viện trợ không hoàn lại cam kết là 99.344.266 USD. Bình quân số dự án và viện trợ phi dự án mới trong các năm là 38 dự án/năm. Trong đó, năm 2017 là năm đạt giá trị viện trợ cao nhất từ trước đến nay với hơn 30 triệu USD.

- Đồng chí đánh giá như thế nào về giá trị, hiệu quả các nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài?

- Có thể nói, các chương trình, dự án đã bám sát định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và góp phần trong việc hiện thực các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

 Nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài góp phần phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh - Ảnh: T.T

Nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài góp phần phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh - Ảnh: T.T

Thứ nhất, các dự án NGO đóng góp khoảng 3,19% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tương đương với khoảng 15% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2014 - 2019.

Thứ hai, nguồn viện trợ NGO hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương, nhất là các xã nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Thứ ba, viện trợ NGO đã góp phần giải quyết hậu quả chiến tranh (bom mìn, chất độc da cam...), các vấn đề xã hội (dịch bệnh, bình đẳng giới, bạo lực gia đình, bảo trợ trẻ em...), các vấn đề toàn cầu (biến đổi khí hậu, rác thải...), tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái.

Thứ tư, viện trợ NGO đã góp phần chuyển giao kỹ thuật hiện đại, phương pháp làm việc, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, một số dự án tham gia hỗ trợ phát triển thể chế, chính sách.

Thứ năm, viện trợ NGO đã góp phần giúp tỉnh thực hiện có hiệu quả hơn các chính sách đối ngoại. Thông qua quá trình hợp tác triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh, kết hợp triển khai các chương trình từ thiện, giao lưu tiếng Anh, trao đổi văn hóa, giáo dục... Hình ảnh Quảng Trị được nâng lên trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế; cộng đồng quốc tế đã hiểu hơn về Quảng Trị, từ đó ủng hộ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng phát triển.

- Định hướng cho công tác vận động nguồn vốn viện trợ NGO trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ như thế nào, thưa đồng chí?

- Xác định rõ tầm quan trọng của công tác vận động viện trợ NGO, UBND tỉnh đề ra các mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2020-2025 là ưu tiên vận động nguồn vốn NGO theo địa bàn và lĩnh vực. Cụ thể là ưu tiên các địa bàn còn khó khăn, các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo và các hoạt động phát triển bền vững... Duy trì và nâng cao sự tin cậy đối với các nhà tài trợ. Tiếp tục tăng cường mối quan hệ đối tác giữa tỉnh Quảng Trị với các tổ chức NGO đã và đang hoạt động tại tỉnh Quảng Trị, mở rộng quan hệ với các tổ chức NGO có tiềm năng. Nâng cao giá trị gắn với hiệu quả của viện trợ thông qua việc tăng cường giám sát, đánh giá, nâng cao năng lực hợp tác với các tổ chức NGO trong các chương trình, dự án. Đẩy mạnh việc lồng ghép các chương trình/dự án quốc gia, địa phương với các chương trình/dự án NGO nhằm nâng cao hiệu quả các nguồn lực. Tăng cường hiệu quả các cơ chế phối hợp công tác trong quản lý hoạt động NGO nhằm thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thanh Trúc (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=151940