Hợp tác vì phát triển bền vững
Hội nghị hằng năm lần thứ 50 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa kết thúc sau bốn ngày làm việc tại khu nghỉ dưỡng Davos của Thụy Sĩ. Trong khoảng 400 phiên họp, hàng nghìn đại biểu đã bàn thảo nhiều vấn đề 'nóng' của thế giới, nổi bật là thương mại toàn cầu, chống biến đổi khí hậu và hợp tác quốc tế thúc đẩy phát triển bền vững.
Với khoảng ba nghìn đại biểu tham dự, trong đó có hơn 50 nhà lãnh đạo quốc gia, cùng đông đảo lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, tổ chức nghiên cứu và giới khoa học hàng đầu thế giới, Hội nghị Davos năm 2020 trở thành sự kiện quan trọng bậc nhất của WEF. Diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày WEF tổ chức hội nghị đầu tiên, Hội nghị Davos năm nay lấy chủ đề “Hợp tác hướng tới một thế giới gắn kết và bền vững”, thể hiện mong muốn WEF không chỉ là nơi trao đổi ý tưởng về hợp tác kinh tế, mà còn là diễn đàn thúc đẩy nỗ lực quốc tế xử lý các vấn đề lớn toàn cầu, nhất là trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc.
Giới chuyên gia nhận định, chưa bao giờ triển vọng thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chủ nghĩa đa phương và trật tự địa chính trị quốc tế đối mặt nhiều thách thức như hiện nay. Bởi vậy, không dừng lại ở vấn đề kinh tế thế giới, các cuộc thảo luận của các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, các nhà lãnh đạo kinh tế và giới khoa học đã mở rộng và ưu tiên những nội dung về môi trường, công nghệ và xã hội, với trọng tâm là thúc đẩy thế giới gắn kết, kinh tế toàn cầu ổn định, hợp tác chống biến đổi khí hậu hiệu quả và xã hội phát triển bao trùm và bền vững.
Khi cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu diễn biến ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, các nỗ lực thích ứng biến đổi khí hậu và nhất là ngăn chặn tình trạng trái đất nóng lên đã được ưu tiên thảo luận tại Hội nghị Davos năm 2020. Tại hội nghị, WEF nhắc lại “cảnh báo đỏ”, rằng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hiện đã lên mức cao nhất trong lịch sử nhân loại, đòi hỏi cả thế giới phải hành động khẩn cấp.
WEF khuyến cáo các chính phủ ưu tiên chính sách phát triển bền vững, nhất là thúc đẩy “nền kinh tế tuần hoàn”, nghĩa là hệ thống kinh tế sử dụng ít tài nguyên, hạn chế và tiến tới loại bỏ khí nhà kính. Với mục tiêu giảm 25% lượng rác thải so năm 2019, hơn 160 sáng kiến đã được đưa ra tại diễn đàn ở Davos, nổi bật như trồng một nghìn tỷ cây xanh, trang bị cho một tỷ người các kỹ năng trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, hay đơn giản chỉ là các thiết kế thân thiện môi trường, loại bỏ nhựa sử dụng một lần...
Vấn đề thương mại đa phương cũng được quan tâm thảo luận tại diễn đàn Davos lần này. Hồi đầu tháng 1, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020, xuống 2,5%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo tiếp tục hạ thấp mức dự báo, xuất phát từ mối lo chủ chốt là các “rào cản thương mại”. Theo IMF, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc hạ nhiệt, song chưa thể giúp kinh tế toàn cầu tăng tốc. Hội nghị Davos năm 2020 chứng kiến giọng điệu hòa hoãn hơn từ Mỹ trong vấn đề thương mại, song vẫn không có nhiều dấu hiệu lạc quan, khi còn nhiều hoài nghi về triển vọng thỏa thuận giai đoạn tiếp theo giữa hai siêu cường kinh tế. Hay, mong muốn sớm đạt thỏa thuận thương mại với Liên hiệp châu Âu (EU), song Mỹ vẫn duy trì chiến lược đe dọa sử dụng “vũ khí thuế” để gây sức ép. Thực tế này báo hiệu căng thẳng thương mại thời gian tới vẫn chưa dừng.
Ðáng chú ý là, có rất nhiều ý kiến tại hội nghị dấy lên mối lo ngại khi thế giới đang trong tình trạng kinh tế và chính trị bất ổn, xã hội chia rẽ và phân hóa, bất bình đẳng thu nhập nới rộng... Trong bối cảnh ấy, các nhà lãnh đạo thế giới cùng WEF kêu gọi thay đổi tư duy và phương thức quản trị, các quốc gia, doanh nghiệp, cùng các tổ chức và cá nhân cùng chia sẻ trách nhiệm, hài hòa lợi ích riêng với lợi ích chung, lợi ích ngắn hạn với lợi ích lâu dài, vì các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Lấy hợp tác làm bản sắc và giá trị cốt lõi, WEF không chỉ tôn vinh và chia sẻ các ý tưởng, mà còn nỗ lực tạo nền tảng thúc đẩy giải quyết các vấn đề chung của thế giới. “Tuyên ngôn Davos năm 2020” được WEF đưa ra nhân dịp 50 năm diễn đàn ra đời một lần nữa khẳng định đề cao hợp tác quốc tế, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, chống chủ nghĩa bảo hộ, hướng tới một thế giới gắn kết và phát triển bền vững.