Hợp tác với Big Tech có thể giúp nhà mạng tận dụng cơ hội doanh thu 513 tỷ USD

Hợp tác với Big Tech có thể giúp các nhà mạng truyền thống khai thác lĩnh vực tiêu dùng kỹ thuật số được ước tính lên tới 513 tỷ USD vào năm 2027.

Các chuyên gia nhận định, những nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSP) đang ngày càng chịu áp lực tìm kiếm “xa hơn dữ liệu” và đa dạng hóa các thị trường kỹ thuật số lân cận để thúc đẩy mảng kinh doanh tiêu dùng viễn thông của họ.

Một nghiên cứu mới nhất từ công ty phân tích và tư vấn Omdia ước tính, dịch vụ tiêu dùng kỹ thuật số sẽ mang lại cho các CSP cơ hội doanh thu khoảng 513 tỷ USD vào năm 2027, trong đó trò chơi kỹ thuật số và video trực tuyến là hai đầu mục lớn nhất.

Giới phân tích cũng lưu ý rằng dù các nhà mạng đã thiết lập được lĩnh vực kinh doanh dữ liệu di động, truyền hình trả tiền và băng thông rộng, song những danh mục phi truyền thống như trò chơi kỹ thuật số, video trực tuyến, ứng dụng nhắn tin, smart-home và nhạc kỹ thuật số đang được dự phóng tăng trưởng nhanh hơn trong 5 năm tới, từ 5% đến 21%.

Lĩnh vực tiêu dùng kỹ thuật số được ước tính đạt 513 tỷ USD vào năm 2027.

Lĩnh vực tiêu dùng kỹ thuật số được ước tính đạt 513 tỷ USD vào năm 2027.

Tuy nhiên, các công ty viễn thông sẽ gặp phải sự cạnh tranh đáng kể từ các "gã khổng lồ" công nghệ như Amazon, Apple, Google hay Meta.

Jonathan Doran, chuyên gia phân tích tại Omdia nhận định các nhà mạng cần chấp nhận việc không thể cạnh tranh trực tiếp khi phát triển các cơ hội dịch vụ mới này. Do đó, các công ty cần tiếp cận theo hướng hợp tác “để củng cố sản phẩm và thương hiệu của chính họ”.

Mở rộng sản phẩm khỏi dịch vụ cốt lõi

Doran chỉ ra các lĩnh vực khác mang lại tiềm năng mạnh mẽ trong tương lai cho CSP bao gồm dịch vụ tài chính và y tế điện tử. “Nhà mạng Hàn Quốc SK Telecom sở hữu cửa hàng trực tuyến nổi tiếng nhất đất nước với hơn 34 triệu khách hàng đang hoạt động, trong khi Vodacom Nam Phi có hơn 1,1 triệu người dùng hoạt động hàng tháng (MAU) cho dịch vụ VodaPay của mình.”

Trong khi đó, một số nhà mạng chọn cách mở rộng sản phẩm ra khỏi dịch vụ kết nối cốt lõi. Ví dụ, ở Tây Ban Nha, cả Masmovil và Telefonica Espana đều đã xây dựng một danh mục dịch vụ đa dạng nhằm tạo sự khác biệt trong thị trường cạnh tranh cao.

Mở rộng các mô hình kinh doanh ngoài dịch vụ cốt lõi là xu hướng chung cho các công ty viễn thông truyền thống.

Mở rộng các mô hình kinh doanh ngoài dịch vụ cốt lõi là xu hướng chung cho các công ty viễn thông truyền thống.

Telefonica cung cấp các dịch vụ tài chính và bảo hiểm, cũng như các dịch vụ y tế từ xa dưới tên Movistar Salud, bảo hiểm thiết bị dưới tên Seguro Dispositivos và các dịch vụ ô tô được kết nối thông qua Movistar Car. Vào năm 2022, nhà mạng này bắt đầu cho phép khách hàng kết hợp các dịch vụ phi truyền thống với các dịch vụ di động, băng thông rộng tại nhà và TV theo đề xuất miMovistar.

Một ví dụ khác, nhà mạng Masmovil với kế hoạch sáp nhập với Orange Tây Ban Nha, cung cấp cả dịch vụ năng lượng dưới một số thương hiệu con chẳng hạn như Yoigo với sản phẩm năng lượng xanh EnergyGO, ứng dụng DoctorGO, dịch vụ báo động nhà thông minh HomeGO, bảo mật kỹ thuật số SafeGO, thanh toán MoneyGO hay Next kết nối xe hơi.

Tại Vương quốc Anh, nhà mạng EE thuộc sở hữu tập đoàn BT đã hợp tác với các công ty bảo mật như Verisure và Norton để cung cấp các gói an ninh mạng cho khách hàng cá nhân và gia đình.

(Theo Inform)

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hop-tac-voi-big-tech-co-the-giup-nha-mang-tan-dung-co-hoi-doanh-thu-513-ty-usd-2163511.html