Hợp tác xã khởi động mạnh mẽ sau đại dịch

Thành viên HTX An Nghiệp chở lúa tới bán cho HTX. Ảnh: MINH DUYÊN

Dịch COVID-19 khiến một số lĩnh vực hoạt động của các hợp tác xã (HTX) gặp khó, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội cho một số HTX nông nghiệp khi các đơn vị này có sản phẩm gắn với nhu cầu thiết yếu của người dân như lúa gạo, chăn nuôi… Đây sẽ là tiền đề để các HTX tái khởi động mạnh mẽ hơn sau đại dịch.

Cơ hội nâng cao sản xuất

Đầu năm, ông Trần Khánh Hưng, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Thạch (huyện Tuy An) còn lo lắng vì số tiền 1 tỉ đồng vay ngân hàng để mở trại chăn nuôi heo không biết làm sao thanh toán khi mà đại dịch khiến tất cả các ngành sản xuất kinh doanh đều tê liệt. “Mặc dù, HTX thực hiện chăn nuôi theo chuỗi liên kết tức là có đảm bảo đầu vào và đầu ra tiêu thụ. Tôi vẫn lo vì trong trường hợp giá xuống thấp, công ty có bao tiêu cũng khó mà có lợi nhuận. Khi ấy, lấy gì để chi phí thức ăn, chuồng trại, nhân công và trả nợ ngân hàng. Khi heo vừa đủ chuẩn xuất chuồng cũng là lúc dịch COVID-19 bùng phát mạnh, điều bất ngờ là giá thịt heo tăng dần hàng ngày. HTX lập tức bán được 300 con với giá gấp đôi ngày thường. HTX có được doanh thu lớn, không chỉ trả được ngân hàng mà có thêm vốn nhân đàn theo hợp đồng bao tiêu mới. Hiện đàn heo của HTX tăng từ 1.000-2.000 con, nuôi tại 3 trang trại trên tổng diện tích 1,4ha. Đồng thời, HTX kêu gọi đầu tư để hiện đại hóa chuồng trại và nâng cao hơn nữa kỹ thuật chăn nuôi. Nhân cơ hội này, Hội đồng quản trị HTX mở rộng liên kết với các doanh nghiệp thu mua để đẩy mạnh xuất khẩu. HTX hy vọng con heo sẽ mở ra hướng phát triển bền vững cho cả HTX và người chăn nuôi trong xã” ông Hưng nói.

Còn với HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) không chỉ duy trì được các hợp đồng tiêu thụ truyền thống, mà còn có thêm hợp đồng bao tiêu mới ngay trong tháng 4, tháng cao điểm dịch bệnh. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX này, cho biết: Tháng 3, tháng 4 là thời gian cao điểm của dịch bệnh, nhưng do cũng là thời điểm lúa già đồng nên HTX vừa đẩy mạnh phòng ngừa dịch bệnh theo hướng dẫn vừa tiếp tục triển khai các dịch vụ thu hoạch, sấy khô, xay xát lúa… để đảm bảo lượng hàng cung cấp cho các hợp đồng tiêu thụ. Vụ đông xuân vừa qua, 20ha lúa giống được Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây lâu năm thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ. Đối với sản phẩm gạo chất lượng cao, HTX ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại Ngân Tín ở phường Phú Lâm vào ngày 8/4/2020. Theo đó, công ty này sẽ độc quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm gạo của HTX. “Đẩy mạnh được tiêu thụ, HTX tính tới xây dựng xưởng chế biến lúa, gạo với máy móc, thiết bị hiện đại để tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm. HTX cần khoảng 250 triệu đồng để thực hiện. Đơn vị cũng đã đăng ký với UBND huyện để được hỗ trợ 80% vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đây sẽ là cơ hội để HTX nâng cao hiệu quả hoạt động, đưa cây lúa của bà con trở thành hàng hóa có giá trị trên thị trường”, ông Khoa chia sẻ thêm.

Hướng đi đúng

Thành công bước đầu của HTX An Thạch không phải là quyết định ngày một ngày hai mà là cả một quá trình tìm hiểu tình hình thực tế của thành viên cũng như thị trường chăn nuôi. Ông Trần Khánh Hưng, Giám đốc HTX này cho biết thêm: Nhiều năm trước, HTX loay hoay không biết chọn cây gì, con gì để phát triển, đã từng hợp đồng trồng khoai lang, cây diệp hạ châu… nhưng thất bại do đầu ra không ổn định. Sở dĩ HTX chọn mở trang trại heo ngoài lý do được bao tiêu còn vì có thể lấy chăn nuôi hỗ trợ cho phát triển trồng trọt như tận dụng nguồn thải ủ làm phân bón cho cây… Hơn hết, việc chăn nuôi của người dân trong xã vẫn còn quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình nên việc HTX đầu tư chăn nuôi quy mô lớn sẽ tạo sự thay đổi trong tư duy sản xuất cho bà con.

Với các HTX sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo, dù bình thường lợi nhuận từ hoạt động này không cao nhưng nó là căn cơ bảo đảm an ninh lương thực và sinh hoạt của người dân nên các HTX luôn duy trì diện tích sản xuất phù hợp và tìm cách nâng cao giá trị kinh tế. Nhờ đó, tuy dịch bệnh ảnh hưởng tới hoạt động dịch vụ kinh doanh nhưng việc sản xuất của bà con vẫn được HTX duy trì ổn định. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa), không chỉ duy trì diện tích sản xuất hàng trăm héc ta, HTX còn đẩy mạnh tiêu thụ lúa giống từ 10ha lên 20ha so với vụ đông xuân năm ngoái và hình thành vùng sản xuất 40ha cho thương hiệu Gạo sạch Tây Hòa.

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Với các HTX nông nghiệp trong tỉnh, dịch bệnh không những không ảnh hưởng tới quản lý sản xuất mà một số HTX còn có cơ hội vươn lên nhờ đẩy mạnh được tiêu thụ các sản phẩm thiết yếu. Từ đây cho thấy, không có mẫu số chung nào cho bài toán phát triển kinh tế, điều cốt yếu nằm ở chính các HTX. Khi các HTX có hướng đi phù hợp, linh hoạt và mạnh dạn trước cơ chế thị trường thì cơ hội lúc nào cũng có.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/239964/hop-tac-xa-khoi-dong-manh-me-sau-dai-dich.html