Hợp tác xã Lộc Phát: Gắn kết để cùng phát triển

Trước thực trạng giá thu mua nông sản luôn bấp bênh, được mùa lại mất giá, được giá lại mất mùa, bà con nông dân thôn Phú Lộc, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng đã thành lập tổ hợp tác rồi thành lập hợp tác xã trong năm 2019, nhằm gắn kết với nhau trong sản xuất, giúp nhau làm kinh tế gia đình.

Được thành lập trên cơ sở Tổ hợp tác Lộc Phát, đến nay Hợp tác xã Lộc Phát có 11 thành viên chuyên trồng rau xà lách xoong, cải các loại và xà lách mỡ. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, Hợp tác xã đã liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nên sản phẩm sau khi thu hoạch không bị tư thương ép giá. “Tổ hợp tác được thành lập từ năm 2012, nhưng không có con dấu pháp nhân, đến năm 2019, tổ hợp tác được phát triển thành Hợp tác xã Lộc Phát để dễ dàng hoạt động, cũng như ký kết các hợp đồng với các công ty hơn”, ông Trần Ngọc Lương - Thư ký Hợp tác xã Lộc Phát cho biết.

Theo chia sẻ của các thành viên Hợp tác xã, từ lúc tham gia vào tổ hợp tác, nay là hợp tác xã, đến nay, nhờ liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, sản phẩm sau thu hoạch đã không còn bị thương lái ép giá, đời sống của bà con vì thế cũng ổn định hơn. Điển hình như gia đình ông Vương Tâm - kiểm sát viên của Hợp tác xã, gia đình ông có hơn 1,2 ha đất sản xuất, trong đó, ông trồng 6 sào xà lách xoong, diện tích còn lại ông trồng cần nước, bắp sú, xà lách… Nhờ vào hợp tác xã nên đầu ra khá ổn định, nông sản được tư thương đến thu mua để cung cấp cho các siêu thị. Nói về những ưu điểm khi tham gia hợp tác xã, ông Vương Tâm cho biết: “Từ lúc tham gia vào hợp tác xã, các thành viên của hợp tác xã cũng thay đổi dần thói quen làm ăn theo kiểu chụp giựt, được chăng hay chớ, chuyển sang sản xuất theo quy trình sản xuất rau sạch, ký kết hợp đồng với các công ty. Đời sống, kinh tế của các thành viên cũng ngày càng ổn định hơn”.

Cũng như gia đình ông Tâm, từ năm 2000, gia đình ông Trần Ngọc Lương ông đã quyết định chuyển đổi 5 sào trồng lúa sang trồng cải xoong, tuy nhiên, thời gian đầu sản phẩm rau của gia đình luôn bị tư thương ép giá. Đến năm 2013, ông đã tham gia vào tổ hợp tác Lộc Phát, nay là Hợp tác xã Lộc Phát để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, trung bình một sào trồng xà lách xoong cho thu khoảng 40 đến 50 triệu đồng/năm, cao hơn trồng lúa từ 8 đến 10 lần. ông Trần Ngọc Lương cho biết thêm: “Từ khi tham gia tổ hợp tác, nay là Hợp tác xã, các thành viên chúng tôi vừa làm, vừa tìm kiếm đầu ra và ngày càng có thu nhập ổn định hơn. Mặt khác, chúng tôi cũng được quan tâm hơn về kỹ thuật trồng trọt, cũng như cách chăm sóc cây trồng”.

Nhờ tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên nhiều hội viên của Hợp tác xã từ hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá ổn định. Hiệu quả kinh tế đem lại, hội viên ngày càng gắn kết, tích cực tham gia xây dựng hợp tác xã phát triển. Hiện các hội viên trong Hợp tác xã đang tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập.

Trung bình một năm Hợp tác xã Lộc Phát cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn cải xoong và 1.200 tấn rau các loại, doanh thu sau khi trừ chi phí đạt hơn 3 tỷ đồng.

Cùng với việc tập hợp các hộ dân, liên kết trong sản xuất, các thành viên trong Hợp tác xã còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, đóng góp tiền làm đường bê tông xi măng, kéo điện thắp sáng, đổ bê tông đường đi nội đồng…

Duy trì hoạt động ổn định hơn 7 năm, Tổ hợp tác Lộc Phát nay phát triển thành Hợp tác xã Lộc Phát đã hoạt động hiệu quả, luôn lấy lợi ích của các thành viên làm mục tiêu cho hoạt động và phát triển. Hợp tác xã đã mang lại lợi ích cho các thành viên thông qua việc đáp ứng nhu cầu chung về sản phẩm, dịch vụ, tiếp cận vốn ngân hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm để tránh tình trạng ép giá, phá giá. Hợp tác xã đã liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đồng thời, thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định, tăng doanh thu và tạo việc làm cho nông dân, từ đó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn gắn với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

N.MINH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201912/hop-tac-xa-loc-phat-gan-ket-de-cung-phat-trien-2977405/